SCIC đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào đâu?

Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD vào ngành kinh tế trọng điểm, có thể tại thời điểm hiện tại chưa thu hút tư nhân như đầu tư làm nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư; dự án sản xuất thuốc vacxin; đầu tư về năng lượng, hạ tầng.

Ngoài quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, SCIC còn tham gia đầu tư vào một số lĩnh vực. Ảnh internet.

Theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP, SCIC có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý.

Tuy nhiên, trong một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) có đặt câu hỏi về tiền thu được từ bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, SCIC sẽ quản như thế nào? Khi đã bán hết vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì SCIC sẽ làm gì, phải chăng giải thể?

Vấn đề này cũng đang được rất nhiều người quan tâm khi vẫn có ý kiến cho rằng, SCIC đang dùng tiền nhà nước “bán vốn để ăn”.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC khẳng định, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chỉ là một hoạt động của SCIC. Ngoài ra, SCIC còn có các hoạt động khác nữa như hoạt động đầu tư.

“Khi chuyển giao doanh nghiệp sang SCIC, các bộ, ngành địa phương yên tâm chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm để bảo đảm khi Nhà nước thoái vốn, tái cơ cấu tại các doanh nghiệp đó thì đồng vốn của Nhà nước đạt được hiệu quả cao nhất”, ông Hiển nói.

Theo quy định, SCIC có trách nhiệm bảo toàn, còn phần chênh lệch còn lại mới được phân phối các quỹ và đầu tư.

Cụ thể, tiền thu được từ việc bán vốn tại các doanh nghiệp sau khi nộp thuế thì SCIC mới trích lập quỹ đầu tư và thực hiện hoạt động đầu tư đứng tên SCIC. "Chúng tôi đầu tư nhiều và đa dạng với nhiều hình thức như đầu tư hiện hữu vào các doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có nhu cầu tăng vốn thì sẽ phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án tăng vốn. Khi họ kinh doanh tốt sẽ mang lại cổ tức, gia tăng giá trị cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp, qua đó gia tăng giá trị cổ phần của SCIC”, vị này cho hay.

Hình thức đầu tư thứ hai của SCIC là đầu tư các cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường.

Một hình thức đầu tư khác là SCIC đầu tư trực tiếp, tìm kiếm các dự án để rót vốn trên nguyên tắc SCIC là nhà đầu tư tài chính, khi đầu tư các dự án sẽ đi cùng các nhà đầu tư chuyên ngành có kinh nghiệm.

“Đến nay SCIC đã đầu tư khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ USD vào các lĩnh vực đầu tư”, ông Hiển thông tin.

Trong các ngành SCIC lựa chọn đầu tư, cố gắng tập trung vào ngành kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế có thể tại thời điểm hiện nay chưa thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia như đầu tư làm nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư; dự án sản xuất thuốc vacxin quy mô công nghiệp; đầu tư về năng lượng, hạ tầng.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/scic-da-dau-tu-hon-1-ty-usd-vao-dau.aspx