Say nắng, say nóng và cách xử lý

Triệu chứng của say nắng, say nóng: Say nóng thường gặp vào buổi chiều muộn, khi số lượng tia hồng ngoại gia tăng. Còn say nắng hay gặp vào giữa trưa, lúc trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại. Say nắng thường nặng hơn say nóng, có thể gây tử vong. Nguyên nhân là do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hay nhiệt độ cao lại cộng với các yếu tố thuận lợi như môi trường ẩm ướt, trong người đang đau ốm, hay gắng sức… Lúc đầu, bệnh nhân vã mồ hôi, nhức đầu, khó chịu, mặt đỏ nhừ, cảm giác khó thở, có khi đau bụng, nôn mửa. Sau đó, chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, đái ít. Sốt cao có khi lên tới 42 – 44oC. Da, niêm mạc khô kèm theo trụy mạch, tình trạng người bệnh li bì, giãy giụa, lẫn lộn, mê sảng, cuối cùng là hôn mê, co giật.

Còn say nắng, bệnh nặng ngay từ đầu, sốt rất cao 43-44oC, có nhiều dấu hiệu thương tổn thần kinh rất rõ, có thể hồi phục hoặc khó hồi phục, có thể tụ máu dưới màng cứng và trong não. Các thương tổn thần kinh hay xảy ra ở người có xơ vữa động mạch. Cách phòng, tránh: Khi lao động ngoài trời phải đội mũ, nón. Khi đi cấy phải tìm cách tránh cho ánh nắng mặt trời chiếu vào gáy. Khi khát phải uống nhiều nước có pha muối, mỗi giờ phải bù thêm nước cho cơ thể bằng nước khoáng hay nước giải khát có muối như chanh muối, mơ muối. Hướng dẫn chăm sóc người đau ốm khi bị sốt cao: chườm mát đầu, gáy, đùi..., uống paracetamol. Khi thấy bệnh nhân kêu lạnh không nên trùm chăn kín, bệnh nhân dễ bị say nóng làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Phương pháp xử trí chung: Hạ thân nhiệt xuống dần từng bước, càng sớm càng tốt. Đặt nạn nhân nằm chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, cho uống nước lạnh có muối (nước Orezol). Chườm lạnh bằng nước đá hay tàu hũ (đậu phụ) khắp người, ở đầu thì chườm trán và gáy. Hoặc phun nước lạnh vào người bệnh (tránh phun vào mũi, miệng). Nếu chườm lạnh phải liên tục thay khăn, nhúng lại khăn vào nước lạnh. Theo dõi đến khi thân nhiệt hạ xuống đến 38oC đưa bệnh nhân vào nằm nghỉ chỗ mát. Trưòng hợp nặng hơn phải đưa bệnh nhân đến tuyến y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Bác sĩ VŨ ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/21/21/94285/Default.aspx