Saudi Arabia thay thái tử, Mỹ tiếp tục thống trị Trung Đông

Trung Đông xôn xao khi Phó thái tử Mohammed bin Salman đã bất ngờ được Hoàng gia Saudi Arabia lựa chọn thay thế vị trí của Thái tử Muhammad bin Nayef.

Saudi Arabia phong Mohammed bin Salman làm Thái tử

Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia ngày 21/6 đưa tin, hoàng gia Saudi Arabia đã ban hành một sắc lệnh phế truất Thái tử Muhammad bin Nayef khỏi ngôi vị này. Người được chọn thay thế cho vị trí thừa kế ngai vàng là Phó thái tử Mohammed bin Salman.

Thái tử Mohammed bin Nayef năm nay 57 tuổi, là cháu họ của Quốc vương Salman, hiện đảm nhiệm chức bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia.

Cách đây hơn 10 năm, Mohammed bin Nayef trở nên nổi tiếng khi đứng đầu một chiến dịch truy quét mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Năm 2015, ông được chỉ định thay thế người em cùng cha khác mẹ với Quốc vương Salman là Hoàng tử Moqren bin Abdul Aziz bin Saud.

Tân Thái tử Mohammed bin Salman là con trai đầu của Quốc vương Salman với người vợ thứ ba, năm nay mới 31 tuổi. Hiện Bin Salman là phó thái tử, đồng thời đảm nhận chức vụ bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia.

Theo sắc lệnh hoàng gia, tân Thái tử Mohammed bin Salman cũng được thăng chức phó thủ tướng, trong khi tiếp tục nắm giữ vị trí bộ trưởng quốc phòng.

Bin Salman chịu trách nhiệm chính đối với lĩnh vực quân sự và năng lượng của quốc gia. Ông là nhân vật đóng vai trò trung tâm trong những nỗ lực của quốc gia Vùng Vịnh nhằm xây dựng đất nước Saudi Arabia thoát khỏi một khuôn mẫu nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp dầu khí.

Quyết định của hoàng gia Saudi Arabia về việc đưa con trai của ông trở thành ngưởi thừa kế ngai vàng không phải chỉ là vấn đề nội bộ của triều đình hoàng gia mà còn là một sự kiện quốc tế đang giới phân tích hết sức chú ý.

Các nhà phân tích của DEBKAfile coi đây là kết quả của một chiến lược khu vực và toàn cầu của Mỹ, do tân Tổng thống Donald Trump khởi xướng ngay sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng vào hồi tháng 1 năm nay.

Việc bin Salman lên làm Thái Tử phù hợp với lợi ích của Mỹ

Hồi tháng 3, Bin Salma có cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng. Cuộc gặp được xem là thành công lớn của phó thái tử trong việc xây dựng mối quan hệ Riyadh-Washington cũng như khiến cho Tổng thống Mỹ quyết định thăm chính thức Saudi Arabia đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông.

Chuyến đi của Trump tới Riyadh và Jerusalem hồi đầu tháng đã đặt nền móng cho sự thành lập một khối liên minh quân sự Hoa Kỳ - Ả Rập Sunni mới có thêm sự góp mặt của Israel (còn được gọi là NATO Ả rập) đối chọi với liên minh người Shiite của Iran-Syria.

Khối này đang còn rất mới và vẫn đang trong quá trình hình thành cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động, chưa thể hiện được sức mạnh và chứng minh sự khôn ngoan trong các chính sách của mình nhưng bộ khung lãnh đạo của nó đã được hình thành.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ giữ vai trò lãnh đạo cùng với Hoàng tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia; một vị hoàng tử của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất Sheikh Mohammad bin Zayed Al Nahyan; Tổng thống Ai Cập Abdul-Fatteh El-Sisi và Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu.

Israel - vốn trước đây bị các quốc gia Ả rập coi là đối thủ không đội trời chung -sẽ lần đầu tiên được chấp nhận trong một liên minh khu vực của các nước Ả Rập Sunni mạnh nhất. Tât cả là do họ đều có cùng mục tiêu tối thượng là ngăn chặn Iran nói riêng và người Shiite nói chung.

Ba trong số những nhà lãnh đạo này đã duy trì mối liên hệ trực tiếp nhưng thận trọng với Thủ tướng Israel, cùng với cơ quan an ninh, quân đội và các cơ quan tình báo khác của Nhà nước Do thái.

Trong bài diễn văn hôm thứ Ba - ngày 20 tháng 6, Tổng tham mưu trưởng của Israel, Trung tướng Gady Eisenkott, đã nói về mối quan hệ bí mật giữa IDF và một số quốc gia Ả rập, mà ông ta không tiện nêu tên. Có rất nhiều điều bí mật đang diễn ra trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tài chính, tình báo và quân sự giữa các nước trong khu vực.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/saudi-arabia-thay-thai-tu-my-tiep-tuc-thong-tri-trung-dong-3337816/