Sau vụ việc xảy ra tại Trường tiểu học Nam Trung Yên: 'Dạy' trẻ nói dối có hại thế nào?

Sau khi có quyết định kỷ luật cách chức đối với Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), các hoạt động đã đi vào nề nếp, giáo viên ổn định tâm lý để dạy học.

Phụ huynh cũng phần nào yên tâm, bởi sau câu chuyện này sẽ là bài học cho học sinh nhận thức được hậu quả của việc nói dối.

Sau hơn 2 tháng điều trị chấn thương, học sinh Trần Chí Kiên đã có thể đi lại bằng nạng. Ảnh: GĐNVCC.

Người lớn nói dối chỉ hại học sinh

Liên quan tới sự việc học sinh Trần Chí Kiên (lớp 2A2, Trường tiểu học Nam Trung Yên) bị xe taxi đâm gãy chân trong sân trường và gia đình đã khiếu nại tới các cấp vào cuộc điều tra, làm rõ. Ngày 21/2, Hội đồng kỷ luật UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chính thức công bố kết luận cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn của cháu Trần Chí Kiên tại trường này.

Ngày 24/2, anh Trần Trí Dũng - phụ huynh học sinh Kiên cho biết “gia đình chúng tôi thực sự cảm ơn các cơ quan truyền thông, dư luận xã hội và cả cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để làm rõ sự việc. Chúng tôi hài lòng về cách xử lý của lãnh đạo thành phố triệt để, dứt điểm. Điều đó, mang lại niềm tin cho gia đình và các em học sinh. Điều quan tâm nhất của tôi khi đi tìm sự thật đó là việc con mình có nói dối hay không và nếu cô giáo nói dối có xứng đáng với cương vị nhà giáo hay không? Đến nay, mọi việc đã rõ khi sự thật được chấp nhận”.

“Tôi cũng mong cơ quan công an sớm kết luận vụ việc, tiếp tục xử lý một cách công bằng để khép lại sự việc. Hiện tại, cháu Kiên đã có thể tự đi bằng nạng, tôi cũng đang bồi dưỡng thêm cho cháu học để bù kiến thức những ngày cháu nghỉ học điều trị chấn thương. Gia đình cũng đang liên hệ để con chuyển trường, tôi không muốn con quay trở lại nơi mà cháu bị ám ảnh về vụ tai nạn. Tôi cũng không muốn con biết nhiều sự việc, làm mất đi hình ảnh người giáo viên vốn luôn tốt đẹp trong mắt cháu”, anh Trần Trí Dũng chia sẻ thêm.

Cũng dễ hiểu cho việc làm của gia đình anh Trần Trí Dũng, bởi theo TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Hà Nội: “Vụ việc nói dối, chối lỗi ở Trường tiểu học Nam Trung Yên cho thấy, các cô đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của người giáo viên, nền giáo dục Thủ đô. Việc nói dối của giáo viên cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng, nếu biết sự thật trẻ sẽ rất sốc, chúng không coi cô giáo là hình tượng, chúng sẽ coi việc nói dối là hiển nhiên và nhất là chúng sẽ không tin lời các cô giảng dạy. Bởi vậy, sau sự việc này, cần giúp trẻ nhận thức được những việc làm đúng, sai và đặc biệt là không được nói dối trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Sớm ổn định nề nếp, tinh thần học tập

Có thể thấy, vụ việc nói trên kéo dài suốt mấy tháng qua cũng khiến không chỉ gia đình học sinh bị nạn mệt mỏi mà hầu hết giáo viên, phụ huynh và cả một số học sinh Trường Nam Trung Yên cũng bị ảnh hưởng. Nhiều phụ huynh chia sẻ, đã phải giấu chuyện xảy ra ở trường để con không biết được câu chuyện, nhưng một số học sinh xem trên truyền hình cũng đã biết chuyện. Điều này khiến nhiều phụ huynh khó xử, buộc phải lảng tránh hoặc phải nói thật về câu chuyện này. Bởi vậy, quyết định kỷ luật nói trên của UBND quận Cầu Giấy khiến nhiều giáo viên, phụ huynh hài lòng.

Chịu nhiều sức ép trong suốt hơn 2 tháng qua, cô Trần Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2 (lớp cháu Kiên học) tâm sự: “Tôi chịu sức ép rất lớn sau khi xảy ra vụ việc, khi dạy học tôi đã luôn dạy dỗ các con phải trung thực, nên tôi cảm thấy xấu hổ vì những lời gian dối. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn muốn chuyển trường cho con. Sự việc đã qua, giờ tôi cũng như nhiều giáo viên khác tại trường chỉ biết tự nhủ sẽ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để ổn định tâm lý học sinh, đảm bảo mọi hoạt động trong trường diễn ra bình thường, đáp lại lòng tin của phụ huynh và học sinh”.

“Thời gian qua, sự việc không những gây bức xúc trong dư luận mà khiến tâm lý của giáo viên và học sinh có nhiều xáo trộn. Đã có nhiều học sinh biết sự việc, hỏi giáo viên về tình hình, về chuyện “nói dối”. Do đó, bên cạnh việc động viên, an ủi học sinh tập trung việc học, các giáo viên cũng coi đây là bài học để nhắc nhở học sinh phải trung thực, dũng cảm nhận lỗi để tránh bị kỷ luật như các cô ở trường bị phải. Thời điểm này, các giáo viên đã hoàn toàn yên tâm công tác và tập trung cho công việc tốt hơn”, một giáo viên chủ nhiệm lớp 3 trường này chia sẻ.

Theo ghi nhận, sau thời gian chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhiều phụ huynh Trường tiểu học Nam Trung Yên cho biết đã ổn định tư tưởng trở lại, sự việc đã khép lại và những người chịu trách nhiệm đã bị kỷ luật, không còn làm việc tại trường nữa. Chiều ngày 24/2, đại diện Ban Giám hiệu Trường tiểu học Nam Trung Yên cho hay, hiện tại nhà trường đang tích cực công tác ổn định tâm lý cho giáo viên và học sinh. Duy trì nề nếp nhà trường, Ban Giám hiệu đã tập trung chỉ đạo cán bộ giáo viên quan tâm sâu sắc tới học sinh để lấy lại lòng tin của phụ huynh, học sinh trong nhà trường.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang tập trung kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo và quy định về đạo đức nhà giáo ở tất cả giáo viên tại các trường. Sở cũng đã có văn bản chấn chỉnh, không cho phép xe ô tô vào trong sân trường. Xe ra vào sân trường phải bảo đảm không lưu thông trong thời gian đầu giờ, cuối giờ học để không làm ảnh hưởng tới học sinh. Giáo viên cũng không được đi ô tô vào trường trong giờ ra chơi.

Theo Giadinh.net

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/sau-vu-viec-xay-ra-tai-truong-tieu-hoc-nam-trung-yen-day-tre-noi-doi-co-hai-the-nao-136439/