'Chúng tôi lăn lộn với rác rưởi mà còn bị khinh rẻ'

“Công việc của chúng tôi khá vất vả, luôn tiếp xúc với rác rưởi, luôn là người đi sớm về muộn để mong muốn giúp cho thành phố thêm sạch. Tuy nhiên, đang có một số người ý thức chưa cao. Điển hình là vụ chị Thanh bị đánh ngày 15.6. Chúng tôi là người lao động, làm công ăn lương như bao công việc khác hằng ngày, nên cần sự tôn trọng của mọi người” - chị Đặng Kim Anh - Tổ trưởng tổ môi trường số 3, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội - chia sẻ.

Chị Trần Thị Thanh hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Về phía người hành hung chị Thanh, họ đã đến trình diện cơ quan công an và khai báo rõ ràng về sự việc. Ảnh: H.K

Vẫn còn mệt mỏi

Ngày 18.6, liên quan đến vụ việc chị Trần Thị Thanh (32 tuổi) là công nhân môi trường đô thị - chi nhánh Hoàn Kiếm, đang tuyên truyền nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định bất ngờ bị 2 đối tượng lao vào đánh ngất tại chỗ cách đây 4 ngày, trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Thanh cho hay, đến thời điểm này chị vẫn bị đau đầu, thỉnh thoảng bị choáng, ăn uống thất thường.

Kể lại sự việc với PV, chị Thanh vẫn chưa hết lo sợ nói, lúc đó là khoảng 18h30, thấy có người phụ nữ vứt rác không đúng quy định, nên chị Thanh chỉ có ý định nhắc nhở để chị ấy lần sau không làm như vậy nữa. Nhưng thay vì lắng nghe, chị ta lại chửi bới xúc phạm chị Thanh. “Chị ấy lớn tiếng bảo tôi là người rác rưởi, nói chị ấy vứt như vậy là tạo công ăn việc làm cho những người như chúng tôi. Lúc đó tôi rất bực mình” - chị Thanh chia sẻ.

Dù vậy, chị Thanh vẫn giữ bình tĩnh để khuyên người phụ nữ kia ăn nói đàng hoàng, phân tích cho người này hiểu hành vi của mình là không được. Sau đó, nhận thấy người phụ nữ này có vẻ không hợp tác nên chị bỏ qua tiếp tục công việc của mình. Tưởng chừng sự việc chấm dứt ở đó, nhưng không ngờ, khi đến phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), chị Thanh bất ngờ nhìn thấy người phụ nữ chửi bới mình lúc nãy đi cùng một người đàn ông cao lớn tiến về phía mình. Vừa nhìn thấy chị, người phụ nữ này liền văng tục, chửi bới.

“Khi vừa nhìn thấy tôi, người phụ nữ lớn tiếng chửi bới. Lúc đó, tôi bắt đầu cảm thấy sợ, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh để nói chuyện. Khi tôi chưa kịp nói dứt lời thì chị ta bất ngờ lao vào đánh, đấm vào mặt tôi. Tôi cố xua tay ra thì người đàn ông kia giữ chặt tay tôi lại cho chị ta đánh. Đến lúc tôi ngất đi, người dân ra can ngăn thì hai người này mới bỏ đi” - chị Thanh kể lại.

Sau 1 ngày, đối tượng Phạm Thị Bích Diệp (sinh năm 1985 ở 24 Hàng Muối, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được cho là hành hung chị Thanh đã đến công an trình diện. Theo lời khai của Diệp, vì bị nhắc nhở bán nước mía để vương vãi rác nên đã bức xúc với chị Thanh. Khi thấy chị Thanh đi đến phố Nguyễn Hữu Huân, Diệp đã gọi chồng là Nguyễn Đức Cường cùng ở 24 Hàng Muối đi tìm chị Thanh. Khi đến số 7 Nguyễn Hữu Huân, cách nhà khoảng 20m, nhìn thấy chị Thanh trên hè phố Diệp đã lao vào hành hung.

Cần sự tôn trọng

Sau vụ việc này, chị Thanh vừa đau về thể xác lẫn đau về mặt tinh thần. Không chỉ riêng chị Thanh mà những người đồng nghiệp, những công nhân lao động vệ sinh cũng cảm thấy đau. Chị Đặng Kim Anh - Tổ trưởng tổ môi trường số 3, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội - chia sẻ: “Công việc của những người lao động chân tay thì quá vất vả, ai cũng biết. Chúng tôi thường phải về muộn, 4-5h sáng mới hết ca trực là chuyện bình thường. Nam giới đã vất vả, phụ nữ còn khổ hơn nhiều”.

Theo chị Kim Anh, công việc này không chỉ vất vả mà còn bị nhiều người không được tôn trọng. Có những ngày tết, khi mọi người ở nhà quây quần bên gia đình thì những người công nhân vệ sinh phải lăn lộn ngoài đường để quét rác, phải làm thêm giờ thêm ca. Thậm chí cả ngày 30 tết cũng phải cố gắng dọn vệ sinh cho sạch sẽ, khi đó mới về được bên gia đình.

Chị Kim Anh trăn trở: Ý thức của người dân có chuyển biến nhưng chưa nhiều, tình trạng vứt rác tùy tiện trước và sau giờ xe đi vẫn xảy ra khá phổ biến. Chưa kể, nhiều vật dụng cồng kềnh như bàn ghế, phế thải xây dựng vẫn được vứt ra hè đường một cách vô ý thức.

Mặc dù nghị định quy định về vứt rác đã có hiệu lực nhưng đến nay hiệu quả của việc này chưa cao. Có thể một phần do ý thức của người dân nhưng phần còn lại cũng do chính quyền địa phương chưa tuyên truyền quyết liệt. “Công việc của chúng tôi khá vất vả, luôn tiếp xúc với rác rưởi, luôn là người đi sớm về muộn để mong muốn giúp cho thành phố thêm sạch. Chúng tôi là người lao động, làm công ăn lương, công việc này cũng nên và cần sự tôn trọng của mọi người” - chị Kim Anh tâm sự.

Còn trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đặng Hữu Bình - Giám đốc Cty Môi trường Đô thị Chi nhánh Hoàn Kiếm - cho biết: Phía Cty mong muốn chính quyền, thành phố có những tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và chia sẻ cho cán bộ, nhân viên Cty. Đặc biệt, nếu người dân thông cảm, có ý thức tốt thì phần nào đó giảm được một phần công việc cho công nhân vệ sinh, và giúp thành phố luôn sạch đẹp.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - cho biết: Hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên để xử lý đối tượng thì người bị hại cần thiết phải có đơn yêu cầu khởi tố. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định trưng cầu giám định tỉ lệ tổn hại sức khỏe cho người bị hại để làm căn cứ khởi tố bị can. Trong trường hợp kết quả giám định dưới 11% thì vẫn có thể xử lý các đối tượng theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”.

Nhóm PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/sau-vu-nu-cong-nhan-ve-sinh-moi-truong-bi-danh-can-su-ton-trong-674732.bld