Sau vụ ngộ độc rượu chết người ở Lai Châu: Dân vẫn chưa sợ

Đến nay người dân ở Tả Chải vẫn sử dụng rượu như chưa hề có ngộ độc xảy ra.

Theo thống kê tại 5 tỉnh trung tâm vùng Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, trong 2 năm trở lại đây đã xảy ra trên 110 vụ, với trên 1.200 người bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là bà con ăn và uống phải thực phẩm có chứa độc tố, trong đó nổi lên là rượu, nấm và thực phẩm sống ôi thiu.

Sau vụ ngộ độc rượu tập thể ở Lai Châu, tại các chợ phiên thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc vẫn bán công khai.

Điển hình gần đây nhất là vụ ngộ độc rượu xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã cướp đi sinh mạng của gần chục người, hàng trăm người bị ảnh hưởng. Vậy thực tế tập quán và ý thức sử dụng thực phẩm của bà con, việc kiểm tra giám sát thực phẩm ở vùng cao và những giải pháp của ngành chức năng để hạn chế những nguy cơ dẫn tới ngộ độc thực phẩm tập thể.

“Rượu, nấm độc, thực phẩm sống - kẻ giết người không dao”

Vụ việc ngộ độc tập thể xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải mà nguyên nhân là do người dân uống phải rượu có nồng độ methanol quá cao, làm gần chục người tử vong, hơn 100 người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay người dân nơi đây vẫn sử dụng rượu như chưa hề có ngộ độc xảy ra. Sau sự việc ngộ độc, chính quyền địa phương đã tạm thời cấm mua bán rượu ở khu vực chợ Sì Lở Lầu, nhưng rượu vẫn thường xuất hiện trong các bữa cơm ở mỗi gia đình và trở thành thói quen của đồng bào.

Ông Tẩn Sài Khoa, một người dân ở bản Lản Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu cho biết: Bà con xem ti vi thấy bác sĩ khuyến cáo, cán bộ cũng đã đến bản để tuyên truyền về tác hại của rượu đối với sức khỏe, nhất là rượu không rõ nguồn gốc. Nghe rồi, thấy rồi, lúc đó bà con cũng sợ lắm, nhưng rồi đâu lại vào đó. Không chỉ nhà có đám tang, đám cưới mà trong mỗi bữa cơm bình thường ở nhà, ở lán nương bà con cũng uống rượu. Nhà nào có tiền thì tự nấu rượu, mua rượu của bà con nấu. Nhà nào không có tiền, ham rẻ thì tìm mua rượu bên kia biên giới về uống.

Nạn nhân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới những địa bàn khó khăn.

Ông Khoa chia sẻ: “Nhận thức của bà con trong bản kém, chưa hiểu biết nên uống rượu rất nhiều. Nó uống rượu say xảy ra tai nạn có, một số uống mắc bệnh nên càng thêm bệnh nhân rất nhiều. Nó uống rượu chủ yếu ở bên kia biên giới, nó ít tiền thì đi mua ở đấy rẻ hơn. Rượu không rõ nguồn gốc là nó cho thuốc pha vào nước lã, rượu không đảm bảo chất lượng, lúc vào xảy ra bệnh rất nhanh. Rượu lấy ở bên kia biên giới bản mình cũng có, bản khác cũng nhiều lắm”.

Cùng với thói quen uống rượu, các món ăn chế biến từ cá, thịt có nguy cơ ngộ độc cao ở các địa phương vùng Tây Bắc vẫn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như món mắm cá của bà con sống dọc sông Đà, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, với cách chế biến từ cá sống, ủ cùng các gia vị đặc trưng một thời gian rồi mang ra sử dụng. Tuy nhiên vào mùa hè xuất hiện nhiều nơi ao tù, nước đọng, khiến trong cá đã có sẵn vi sinh, thịt cá khi chế biến lại chưa được làm chín nên các loại vi sinh này tiếp tục phát triển và gây ngộ độc cho người ăn. Hay như việc bà con đi nương và hái các loại nấm rừng về ăn cũng đã gây ra nhiều vụ ngộ độc đáng tiếc. Riêng trong năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp ngộ độc cấp tính.

Các vụ ngộ độc trên địa bàn Lai Châu đa phần liên quan đến rượu, thực phẩm từ lợn, gà không rõ nguồn gốc hay thuốc bảo vệ thực vật hay ăn lá ngón tự tử.

Bác sĩ Lý Thị Giang Hương, trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La nói: “Mức độ ngộ độc nhẹ mà bệnh nhân phát hiện ra sớm, đến các cơ sở Y tế sớm và được xử lý đúng thì cơ bản cũng giải quyết được tình trạng ngộ độc của bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có một số loại ngộ độc mà độc tố nguy hiểm, ví dụ như ngộ độc nấm thì có những loại nấm độc mà kể cả đến các cơ sở Y tế cũng không giành giật lại được sự sống cho bệnh nhân”.

Ngộ độc thực phẩm ở Yên Bái xảy ra nhiều còn do người dân vùng cao ăn cóc, ngóe, nấm, cây và các loại hoa quả rừng. Có thể kể đến vụ ngộ độc do người dân đun cây rừng làm nước uống tại huyện Văn Yên vào tháng 7/2016, làm 4 người bị ngộ độc trong đó 1 ngưởi tử vong. Vụ ngộ độc do ăn cóc nướng tại huyện Trạm Tấu, khiến 4 người nhập viện, 1 người chết hay vụ ngộ độc làm 1 cháu bé chết do ăn quả hồng trâu… Theo tập quán, người dân vùng cao thường lựa chọn các loại thực phẩm có trong tự nhiên theo thói quen, qua việc quan sát màu sắc và mùi hương nên chuyện nhầm lẫn nhiều khi xảy ra.

Ông Giàng A Kỷ, xã Khao Phạ, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Mình không biết có bao nhiều loại nấm độc đâu, nấm ăn được thì biết một số loại. Mình lấy nấm thì không lấy loại nấm lạ, lấy nấm thấy đẹp về ăn thôi”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguy cơ xảy ra ngộ độc vẫn luôn luôn tiềm ẩn. Đầu tiên là từ nhận thức của người dân, mặc dù đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, những thói quen như ăn tiết canh; uống nhiều rượu; ngâm rượu bằng rễ cây, côn trùng; ăn nấm rừng… là rất nguy hại và có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm bất cứ lúc nào.

Và nếu không có các chuyên gia chống độc, thuốc men, phương tiện hỗ tợ từ Bệnh viện Bạch Mai, số lượng nạn nhân thiệt mại có thể tăng lên nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Lào Cai cho biết: “Bà con có thể vẫn dùng các vỏ chai thuốc diệt cỏ để đựng rượu, đựng tương ớt chẳng hạn, do họ nhận thức rằng cứ ngâm rửa kỹ là đã đảm bảo. Hay lên rừng hái lượm những thực phẩm tự nhiên như đi hái nấm, bà con cho rằng cứ nấm nào mà sâu bọ hay chim ăn được thì người cũng ăn được, dù thực tế không phải vậy. Chính vì lẽ đó nên luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm trong hộ gia đình.

Từ ý thức, thói quen, tập quán sử dụng thực phẩm của bà con, cũng như công tác quản lý chất lượng thực phẩm của ngành chức năng còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể ở vùng cao đang ở mức báo động.

Câu hỏi đặt ra là, qua các vụ việc chúng tôi vừa cập, thì ý kiến của người dân ra sao và công tác quản lý của ngành chức năng trong công tác này như thế nào? Câu trả lời sẽ có ở bài 2 với nhan đề “Hậu quả thấy rõ, nhưng trách nhiệm quản lý của ngành chức năng vẫn còn xa vời”./.

PV/VOV - Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/sau-vu-ngo-doc-ruou-chet-nguoi-o-lai-chau-dan-van-chua-so-604554.vov