Sau vụ bò, vịt chết bất thường: Hộ nuôi 'cõng' nợ, không dám tái đàn

Báo NTNN gần đây đã liên tục thông tin các vụ việc vật nuôi của người dân bị chết bất thường tại Phúc Thọ (Hà Nội), Hương Khê (Hà Tĩnh)... Đã hơn nửa tháng trôi qua, các vụ việc này vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, thủ phạm, khiến nông dân đang trong tình trạng sống thấp thỏm, không dám tái đàn hay tiếp tục sản xuất để có nguồn sống.

Nợ còn đeo, cõng thêm họa

Sáng 24.2, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hợp (cụm 5, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) buồn rầu cho biết, gần 170 con vịt chết của gia đình đã được tiêu hủy, cơ quan chức năng cũng đã niêm phong số ngô nghi có độc, đã giám định mẫu vịt chết nhưng không phát hiện dịch bệnh. Cơ quan chức năng xác định vịt chết do ngộ độc, thế nhưng là chất độc gì thì 2 tuần qua vẫn chưa ngã ngũ.

Nhà ông Hợp nuôi tổng đàn 1.900 con vịt, trong đó vịt đẻ 1.000 con, vịt hậu bị 900 con. Ông Hợp cho hay, ngày 3.2.2017 (mùng 7 Tết) ông Hợp cho đàn vịt hậu bị ăn 1 xô ngô ngâm từ chiều hôm trước. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, thấy vịt chảy dãi và giãy chết với số lượng khoảng 170 con. Gia đình mua thuốc giải độc cho số vịt còn lại uống và sau khi uống vịt không chết nữa. Số ngô ông Hợp mua ở đại lý (từ ngày 10.1.2017) với số lượng 1.300kg cùng chung với gia đình ông Cấn Xuân Tình (cụm 3, xã Phụng Thượng), có hóa đơn. Trong thời gian cho ăn từ ngày 10.1 đến trước ngày 3.2, vịt vẫn khỏe mạnh bình thường.

Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm vụ 8 con bò của gia đình ông Trần Hữu Vân bị chết bí ẩn. H.A

Theo ông Hợp, việc chết gần 170 con vịt gây thiệt hại cho gia đình ông gần 20 triệu đồng. Trước khi sự việc xảy ra, để theo nghề chăn nuôi vịt ông Hợp phải vay mượn 100 triệu đồng đầu tư chuồng trại, con giống. Chăn nuôi chưa bao lâu, nợ còn đeo thì nay họa lại ập đến. “Nhà tôi vay cả trăm triệu đầu tư nuôi vịt. Vịt chết không có bệnh, chắc chắn do ngộ độc. Tôi mong sự việc sáng tỏ, để còn yên tâm tái đàn chăn nuôi. Thiệt hại thế này, chưa ai đền bù gì mà cứ chờ đợi biết bao giờ mới trả được nợ” - ông bày tỏ.

Cũng chung tâm trạng thấp thỏm chờ đợi như gia đình ông Hợp, hộ ông Cấn Xuân Tình sau khi chết 400 con vịt chưa dám đầu tư tái đàn vịt nuôi. Ông Tình bộc bạch, gia đình chẳng khá giả gì. Vụ chết vịt khiến ông thiệt hại gần 40 triệu đồng. Đa phần vốn nuôi vịt, vợ chồng ông phải vay mượn. Ông Tình mong muốn sự việc sớm được làm rõ. Nếu vịt ngộ độc thì chất độc là gì, từ đâu? Nếu lỗi của cửa hàng bán ngô thì cửa hàng phải đền bù thiệt hại.

Trong khi đó, sáng 24.2, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Hữu Vân (thôn Trại Tuần, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết: “Sự việc đàn bò 8 con của gia đình tôi chết nằm la liệt trên đồi rừng với những biểu hiện bất thường như hộc máu mồm, bụng trương phình... đến nay đã hơn 20 ngày nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân, khiến vợ chồng tôi rất hoang mang lo lắng”.

Ông Vân cho biết thêm: “Những nông dân ở vùng núi rừng núi khó khăn như gia đình tôi, sau khi nhà nước đóng cửa rừng chỉ có con đường phát triển kinh tế bằng chăn nuôi và làm trang trại. Năm vừa rồi hộ gia đình tôi được hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi, hai vợ chồng lên ngân hàng cắm sổ đỏ vay 130 triệu đồng đầu tư vào nuôi bò. Nguồn thu nhập cả nhà trông chờ vào đàn bò thì bất ngờ nửa đàn chết một cách bí ẩn. Nợ chồng nợ, hàng tháng chưa có tiền trả lãi phải đi vay mượn người thân”.

Theo ông Vân, từ ngày xảy ra việc 8 con bò bị chết, Công an huyện về gia đình nắm tình hình liên tục nhưng đến nay chưa có kết luận điều tra. Vừa rồi lãnh đạo Trạm thú y huyện Hương Khê đã đến nhà ông thông báo sơ bộ về kết quả mẫu kiểm nghiệm và cho biết là nghi ngờ có chất độc nên cơ quan chức năng phải tiếp tục đưa đi xét nghiệm mới có thể kết luận”.

Cơ quan chức năng vẫn nói “chờ”

Trao đổi với phóng viên về vụ vịt chết bí ẩn ở xã Phụng Thượng, ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ thông tin, việc giám định ngô chưa được tiến hành. “Hiện nay, chủ cửa hàng bán ngô đó chối bỏ, không cung cấp bằng chứng. Hóa đơn mà ông Hợp còn giữ thì họ bảo không biết. Hóa đơn không có chữ ký gì cả. Một điểm vướng nữa là chưa xác định được sản phẩm ngô mà 2 hộ sử dụng lấy ở đâu. Quản lý thị trường phải kết luận mẫu ngô đấy có phải lấy của cửa hàng không? Nếu cần thiết phải đề xuất với công an giám định chữ viết trên hóa đơn” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, việc giám định ngô liên quan đến Trạm Chăn nuôi và Thú y của huyện, Phòng Kinh tế đang đề nghị đơn vị này có ý kiến.

Ông Hoàng Văn Hợp (trái) và ông Cấn Xuân Tình đang lo lắng về các khoản nợ ngân hàng và chưa thể tái đàn vịt. P.L

Theo ông Nguyễn Minh Long, nghi là độc tố làm đàn bò chết nên hướng xét nghiệm phân tích cả tuyến như bên người mắc phải. Vì vậy lãnh đạo huyện Hương Khê vừa chỉ đạo Trạm thú y gửi mẫu ra Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm mới mong sớm rõ nguyên nhân. Do đó thời điểm này bò chết vì cái gì và thủ phạm là ai thì vẫn phải chờ.

Trước thông tin cửa hàng bán ngô phủ nhận việc bán ngô cho mình, ông Hợp tái khẳng định ông và ông Tình chung tiền mua ngô từ cửa hàng ở thị trấn Phúc Thọ là sự thật. “Đây không phải lần đầu tôi mua ngô nhà đó. Số điện thoại trong hóa đơn là của tôi. Trước khi chở đến giao, họ còn gọi điện cho tôi dặn ra đón lái xe. Nếu nói không bán cho tôi, phủ nhận vì hóa đơn không có chữ ký thì cứ gọi lái xe hôm chở ra là rõ ngay” - ông Hợp phản biện.

Về trường hợp đàn bò chết bất thường, sáng qua ông Nguyễn Minh Long - Trưởng trạm Thú y huyện Hương Khê cho biết: “Bước đầu mới có kết luận xét nghiệm của Cơ quan Thú y T.Ư về 8 con bò bị chết âm tính với các bệnh truyền nhiễm. Cơ bản có thể khẳng định bò chết do độc chất. Tuy nhiên mẫu xét nghiệm này rất phức tạp, vì các con bò này đã chết mình mới lấy mẫu. Việc lấy mẫu máu chủ yếu lấy ở tim nhưng máu đã đông, sau đó gửi đi Hà Nội, TP.HCM để xét nghiệm”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/sau-vu-bo-vit-chet-bat-thuong-ho-nuoi-cong-no-khong-dam-tai-dan-748345.html