Sau phán quyết của Tòa án, Anh có tiếp tục ở lại EU?

Tòa Thượng thẩm Anh ngày 3/11, ra phán quyết trao quyền cho Quốc hội, quyết định việc khởi động tiến trình đàm phán về Brexit.

Với quyết định này của Tòa án sẽ khiến tiến trình Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May gặp nhiều khó khăn, với tác động bước đầu là kế hoạch kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon có thể bị trì hoãn.

Ảnh minh họa: AP

Ảnh minh họa: AP

Phán quyết của Tòa án cho thấy, Quốc hội Anh sẽ là cơ quan quyền lực nhất thông qua việc nước này có tiếp nối quá trình ra khỏi Liên minh châu Âu hay không.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thủ tướng Anh May sẽ phải đợi một cuộc bỏ phiếu nữa ở Quốc hội hoặc có thể kháng cáo phán quyết của tòa nhằm đơn phương kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, thúc đẩy tiến trình ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu.

Chính phủ Anh hôm qua, tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết của Tòa án Thượng thẩm Anh. Hiện cũng xuất hiện một số phỏng đoán về việc chính phủ Anh có thể đưa vụ việc ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), vì thực tế việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU dựa trên một cuộc trưng cầu ý dân do Quốc hội phê chuẩn. Nhiều người cũng cho rằng, Thủ tướng May buộc phải kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm nếu muốn thúc đẩy kế hoạch của mình.

Phản ứng sau phán quyết của Tòa án, Thủ tướng May ngày 3/11 cho biết sẽ có cuộc thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vào ngày 4/11, về quyết tâm thúc đẩy kế hoạch Brexit theo kế hoạch vào cuối tháng 3 tới.

Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề Anh ra khỏi Liên minh châu Âu Davi Davis hôm qua cũng kêu gọi Quốc hội không nên đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân sau phán quyết của Tòa án: “Người dân đã đưa ra tiếng nói của mình và giao cho chúng ta sứ mệnh lớn nhất trong lịch sử. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân cần phải được tôn trọng.

Chúng tôi đang cố gắng để có thể nhận được thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh, cho sự tăng trưởng, đầu tư và việc làm. Người dân muốn chúng tôi làm và chúng tôi sẽ thực hiện”.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu phán quyết của Tòa án Thượng thẩm có thể khiến Anh không thể thực hiện được tiến trình Brexit hay không, nếu diễn ra cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội.

Về lí thuyết, Quốc hội có thể ngăn chặn Brexit khi hầu hết các nghị sĩ đều lên tiếng mong muốn Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát của Hãng tin Reuters tháng trước cho thấy, nhiều nghị sĩ đã bắt đầu ủng hộ tiến trình Brexit. Điều quan trọng là các nghị sĩ cũng không muốn đi ngược lại với ý nguyện của người dân Anh, đã được thể hiện rõ ràng trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 3/11 cũng cho rằng, tiến trình Brexit vẫn có thể diễn ra bất chấp phán quyết của Tòa án, đồng thời bày tỏ hi vọng Anh sẽ sớm khởi động tiến trình này vào đầu năm tới.

“Phán quyết chính phủ Anh cần phải nhận được sự ủng hộ của Quốc hội để rời Liên minh châu Âu không phải là quyết định cuối cùng. Vì vậy chúng tôi cho rằng, quyết định chính thức kích hoạt điều khoản 50 sẽ sớm diễn ra. Sau các tuyên bố từ các quan chức Anh hôm qua, tôi nghĩ tiến trình này sẽ bắt đầu vào năm tới, theo đó các cuộc đàm phán sẽ được thúc đẩy nhanh”, ông Steinmeier nói.

Mặc dù có nhiều cơ hội để Thủ tướng Anh Theresa May thúc đẩy kế hoạch của mình, nhưng phán quyết của Tòa án có thể khiến quá trình Brexit bị chậm lại.

Con đường Brexit của nước Anh trở nên khó khăn hơn với quyết định của Tòa án, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, sự can thiệp của Quốc hội có thể sẽ làm giảm khả năng về một cuộc “Brexit cứng” - kịch bản trong đó Anh ưu tiên các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt chẽ thay vì ưu tiên ở lại trong thị trường chung châu Âu.

Đồng Bảng Anh hôm qua, đã tăng giá sau khi phán quyết của Tòa án Thượng thẩm được đưa ra, đạt mức cao nhất trong 3 tuần so với đồng đôla Mỹ. Các nhà đầu tư cho rằng, Quốc hội Anh sẽ kiềm chế các chính sách Brexit của Chính phủ nước này và nhờ đó giảm nguy cơ về một vụ “Brexit cứng” với nhiều tác động tiêu cực về kinh tế.

Việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu không chỉ là một cú sốc đối với Anh và EU nói riêng mà còn tác động đến cả nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù đến thời điểm hiện nay tác động về kinh tế vẫn chưa hiện hữu đối với nền kinh tế Anh, nhưng rõ ràng những rắc rối trên con đường pháp lí để Anh ra khỏi EU, dự kiến có thể kéo dài 2 năm, đang tác động không nhỏ đến sự ổn định của nước này.

Một khảo sát gần đây cũng cho thấy, tỉ lệ cử tri Anh hiện mong muốn ở lại Liên minh châu Âu cao hơn, với tỉ lệ 51% người ủng hộ ở lại, trong khi có 49% người muốn rời EU. Với một tâm lí chia rẽ “đi” hay “ở” vẫn tiếp tục bao trùm không chỉ trong nội bộ người dân mà còn cả trong nghị trường nước Anh có thể tạo ra những triển vọng không chắc chắn cho quốc gia này./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin
Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/sau-phan-quyet-cua-toa-an-anh-co-tiep-tuc-o-lai-eu-566281.vov