Sầu nữ Út Bạch Lan: Nuôi giọt máu chồng cũng như trời cho những đứa con

Sáng ngày 8/11, khi linh cữu của Sầu nữ Út Bạch Lan từ chùa Ấn Quang trên đường đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, trời đổ cơn mưa, lúc hạt rơi nhè nhẹ, lúc lại tầm tã ướt chảy thành dòng, đọng lại vũng to. Trời trở lạnh. Rồi sau mưa, bỗng hừng lên nắng sớm, hơi ấm lan dần. Như cuộc đời gian truân, tưởng đầy khổ đau với người chồng – người bạn diễn khi phải lần lượt nuôi bốn đứa con của bốn tình nhân của chồng khi chúng còn đỏ hỏn của sầu nữ Út Bạch Lan, đã được xóa mờ trong bình an và chấp nhận như nghiệp quả phải trả.

Nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt nhân từ, với chiếc áo bà ba xanh thắm, cổ quàng khăn rằn của nghệ sĩ Út Bạch Lan, cứ đọng lại trong tâm trí những ai đến dự tang lễ. Rất nhiều hoa lan, cả hoàng lan lẫn bạch lan quanh di ảnh và linh cữu bà. Như tâm nguyện, bà được sư thầy đọc kinh cầu an, bên cạnh là những bạn diễn như Kim Cương, Vũ Linh, Thoại Miêu, Ngọc Giàu… đến kính viếng, tiễn đưa. Đêm hôm trước khi đưa Sầu nữ - cây đại thụ của làng cải lương Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng, những người thân của bà đã hát cải lương bên linh cữu, nhưng chỉ ca được vài đoạn, lại là tiếng khóc nghẹn ngào.

Sầu nữ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, về sau tu chùa, bà có thêm pháp danh là Giác Nhã. Sinh năm 1935 tại Long An, khi mất, bà hưởng thọ 82 tuổi. Vì bị chồng ruồng bỏ, nên mẹ đã đưa bà, khi ấy còn nhỏ tuổi, lên Chợ Lớn lang thang kiếm sống. Ban ngày, cô bé Út (tên mẹ vẫn gọi) giúp mẹ rửa chén, phụ việc ở chợ Bình Tây, đêm đến, cô bé ngủ trên sạp thịt không chăn không chiếu mà chỉ có muỗi, kiến…7 tuổi, bé Út gặp một cậu bé mù 9 tuổi tên là Văn Vỹ. Mẹ của bé Út và mẹ Văn Vỹ kết nghĩa cùng nhau, nên bé Út được Văn Vỹ dạy ca vọng cổ.

Theo duyên số, bé Út theo Văn Vỹ đi đờn ca hát dạo kiếm tiền nuôi mẹ:

“Dạ kính thưa ông bà cô bác, tụi con mồ côi cha, anh con bị mù, không biết làm gì để sống, xin mượn tiếng nhạc lời ca để giúp vui, mong bà con cô bác mở rộng lòng thương cho xin đồng tiền chén gạo để nuôi dưỡng mẹ già....

Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a.
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống
trông tin chàng…”

Nghiệp ca của Út Bạch Lan bắt đầu từ những ngày hát dạo như thế.

Cho đến một ngày đang hát, hai anh em được một cụ già tốt bụng hỏi han và đưa về nhà ở chợ Bàu Sen, hai mẹ cũng theo cùng. Tại đây, hai anh em đã dạy hơn ba chục trẻ trong xóm đàn ca.

Năm 11 tuổi, bé Út và người anh Văn Vỹ được cô Năm Cần Thơ – giọng ca cải lương nổi tiếng thời đó - mời đến đài phát thanh Pháp Á thu âm bài “Mỵ Châu – Trọng Thủy” và được ký hợp đồng biểu diễn. Từ đó, cô được đặt nghệ danh là Bạch Lan, thêm chữ Út vì tình yêu với mẹ.

Vào thập niên 50, Út Bạch Lan nổi tiếng vừa từ nhan sắc - là mỹ nhân nổi bật của sân khấu Sài Gòn - hòa thêm tài năng. Khuôn mặt tròn trịa với cặp mắt đầy biểu cảm, đôi môi hồng mọng, với giọng hát say đắm, Út Bạch Lan đã chinh phục bao trái tim khán giả. Thời đó, báo chí ca ngợi bà sở hữu "Một giọng ca vọng cổ thảm sầu, bứt ruột bứt gan người nghe".

Út Bạch Lan trở thành diễn viên trụ cột của đoàn Kim Khánh, sân khấu Thanh Minh, Kim Chưởng...

Thế nhưng sự nghiệp ca diễn của Út Bạch Lan rạng nở bao nhiêu thì con đường tình duyên lại trắc trở bấy nhiêu.

NSƯT Út Bạch Lan bên những người cháu.
(Ảnh: Linh Huỳnh).

Sầu nữ Út Bạch Lan ra đi không để lại giọt máu nào từ cơ thể bà. Bà không con, nhưng lại chăm sóc nuôi nấng bốn đứa trẻ rời mẹ khi còn đỏ hỏn, mà cay đắng thay, lại là con rơi của người chồng mà bà kính yêu, không bao giờ làm trái ý vì sợ ông rẫy bỏ.

Theo lời kể lại của nhà văn/ nhà báo/ nhà biên kịch và đạo diễn Võ Đắc Danh về cuộc đời sầu nữ Út Bạch Lan:

Bà cùng chồng - nghệ sĩ Thành Được là cặp đôi “thinh sắc lưỡng toàn” đã làm rạng rỡ nền sân khấu cải lương Nam bộ. Những vở tuồng: “Chưa tắt lửa lòng”, “Bên đồi trăng cũ”, “Thuyền ra cửa biển”, “Nửa đời hương phấn”, “Con gái chị Hằng”, “Tiếng Hạc trong trăng”, “Tình xuân muôn tuổi”… đã để lại dấu ấn xúc cảm không phai trong lòng khán thính giả.

Khi kết hôn với nghệ sĩ Thành Được trong một đám cưới đẹp đẽ cùng lời chúc phúc của ký giả, đồng nghiệp chưa được bao lâu thì một phụ nữ đưa một bé gái ba tuổi đến gặp cô dâu trẻ, nói đây là con của Thành Được, nhờ cô nuôi giúp. Thương đứa bé, cô nhận nuôi.

Hai năm sau, khi mẹ ruột của bé gái đến đón con về, cũng là lúc nữ sinh ở Huế tên Thu Hà, đến gặp bà với cái thai trong bụng, kết quả sau một đêm ân ái vui vầy với chồng của bà.

Thật bất ngờ, khi bà thuê nhà cho Hà trọ, chăm sóc động viên cô nữ sinh lỡ duyên cho đến ngày sinh nở. Mẹ tròn con vuông, cô Hà ra đi, để lại đứa con sơ sinh vào vòng tay bà.

Vài năm sau, cô em kết nghĩa tên Trinh mà bà thương yêu tin tưởng, đưa về nhà để quản lý gia đình và chăm sóc Dũng – con của cô Hà, bỗng dưng mang thai. Rồi đứa con riêng thứ ba của ông Thành Được lại bị mẹ ruột bỏ lại.

“Tôi đã nuôi 4 người con rơi của ông ấy, trong đó có 3 người con khai sinh tên mẹ là tôi”. Sầu nữ Út Bạch Lan từng chia sẻ với nhà báo Hoàng Nguyên Vũ.
Nhưng rốt cục, thì bà vẫn cứ một mình nuôi con riêng của chồng nên người, mà không có chút gì đoái hoài thương xót quan tâm từ ông, với suy nghĩ: mình không thể sinh con thì nuôi con chồng với tấm lòng của mẹ.

“Ngay từ nhỏ chúng buồn lắm. Và giận. Nhà ở cách nhau có mấy bước chân đâu, nhưng cha một đằng, con một nẻo. Tôi dặn các con, người lớn có những uẩn khúc của người lớn, các con đừng buồn cha làm gì”.

Con khôn lớn, lại trở về với mẹ ruột, được một cậu bên bà nhiều năm, thì lại mất đột ngột vì tai biến bất ngờ. Sau, bà tiếp tục nuôi bốn đứa cháu con của em, thương yêu trìu mến như con mình.

“Tôi chỉ nghĩ rằng, cùng thân phận đàn bà với nhau, mình có điều kiện hơn thì mình giúp đỡ. Đó không phải là ân huệ, mà là cái tình người, cư xử cho ra cái tình người nên tôi làm thế, không một chút đắn đo.

Tôi hai lần lên bàn mổ nên không có con. Nay nuôi giọt máu chồng, cũng là trời cho mình những đứa con, đều như nhau cả.”

Bà mất, quanh bà, hai mươi người con nuôi trở về, mặc áo trắng đại tang, quấn khăn tang, và không thể ngừng khóc. Nhiều Phật tử - bạn hữu đã từng chung tay chung sức qua các hoạt động thiện nguyện mặc áo lam, chắp tay cầu nguyện bên linh cữu.

Nhìn nụ cười để lại dương thế của sầu nữ Út Bạch Lan, dù ra đi vì cơn đau bệnh tật, cũng đủ để ấm lòng, khi cảm giác bà mãn nguyện vì đã trả xong những món nợ tình, đi qua buồn tủi, giận uất để yêu thương. Bà từng nhìn lại nỗi đau không ai hiểu hết và khó thể chia sẻ của một người vợ bị phụ tình, một cách nhẹ nhõm như không. Nói về chồng cũ, cũng chẳng có chút gì oán trách. Trước khi phải nằm một chỗ, bà vẫn tham gia tập diễn, vẫn chăm chút hình ảnh đến giọng ca cho các nghệ sĩ trẻ. Ngồi trên xe lăn, cơ thể đã gầy nhỏ, mặt đã hốc hác dần mất đi sức sống, bà vẫn mỉm cười.

Theo lời kể của một người con nuôi, nghệ sĩ Út Bạch Lan ra đi rất nhẹ nhõm trong tỉnh táo mà không hề đau đớn. Ước nguyện cuối cùng của bà, là được đốt thành tro, đưa về nằm bên mẹ ruột, ở chùa Huỳnh Kim, Gò Vấp.

Là nghệ sĩ, hưởng trọn lộc của tổ nghiệp, mà cũng hứng hết những gian truân, sầu nữ Út Bạch Lan đã đi qua với những trải nghiệm tận cùng của đời người. Giọng ca u sầu vận vào đời u sầu của bà như một định mệnh.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan từng chia sẻ về nguồn gốc nghệ danh “sầu nữ”: “Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình”

Từ những tấm ảnh của thời son trẻ, khuôn mặt bà từng không thể ánh lên một nét tươi. Cho đến những ngày cuối đời, nụ cười đã rạng nở trên môi.

Việt Quỳnh

Từ khóa

sầu nữ út bạch lan giọt máu đứa con

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/sau-nu-ut-bach-lan-nuoi-giot-mau-chong-cung-nhu-troi-cho-nhung-dua-con/135720