Sau một phút hoành tráng là khoảng dài lặng lẽ

Báo Công an nhân dân đã đề cập tới những bất cập trong việc quản lý, khai thác và sử dụng một số công trình thể thao tầm cỡ quốc gia tại Hà Nội. Nhưng thực tế, đây không phải là vấn đề riêng của Hà Nội, mà là vấn đề chung của nhiều địa phương trên cả nước.

Đại hội Thể dục – Thể thao toàn quốc năm 2014 là thời điểm nhiều địa phương tìm ngân sách và xã hội hóa để xây mới các công trình, nhà thi đấu thể thao. Nhà thi đấu Hà Nam ngay khi hoàn thành đã được ví là nhà thi đấu lớn nhất Đông Nam Á.

Với sức chứa 7.500 chỗ ngồi, đặt trên khu đất có diện tích rộng 120ha, đây là công trình phục vụ thi đấu thể thao hoành tráng. Mức chi phí thực hiện công trình này lên tới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời điểm Đại hội Thể dục – Thể thao toàn quốc năm 2014 tranh tài, nhà thi đấu này cũng chỉ tổ chức duy nhất 1 môn là ...taekwondo và chấm hết. Sau năm 2014, nhà thi đấu nghìn tỷ trên đã 2 lần tổ chức giải thể thao tầm quốc tế là cúp bóng chuyền vô địch các CLB nữ châu Á năm 2015, cúp bóng chuyền quốc tế VTV cúp 2016.

Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam từng tổ chức môn taekwondo tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2014.

Năm nay, nhà thi đấu Hà Nam đã được ban tổ chức giải bóng bàn toàn quốc 2017 tìm hiểu để đưa vào xem xét chọn đăng cai. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, ban tổ chức giải đấu bỏ ý định trên. Lý do quan trọng là địa điểm xa 2km so với trung tâm thành phố. Diện tích nhà thi đấu quá rộng nên sẽ bị “loãng” do khán giả ngồi trên khán đài cách quá xa với bàn đấu đặt dưới sân.

Cách đây 3 năm, trong báo cáo gửi Tổng cục Thể dục-Thể thao về chuẩn bị cho Đại hội Thể dục – Thể thao toàn quốc năm 2014, đại diện chủ nhà Nam Định cho biết địa phương xây nhà thi đấu đa năng mới, tổng kinh phí 845 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương).

Nhà thi đấu Nam Định có 4.000 chỗ ngồi, diện tích sàn gần 16.000 m2. Nam Định cũng xây mới bể bơi hiện đại có chi phí ngân sách địa phương là 120 tỷ đồng. Sau 3 năm kể từ Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2014, thực tế cho thấy, không nhiều giải đấu thể thao thành tích cao ở cấp độ quốc gia chọn địa phương này tổ chức.

Bể bơi của Nam Định mới, nhưng chưa được Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam chọn tổ chức giải quốc gia nào. Nhà thi đấu tỉnh Thái Bình có tổng chi phí đầu tư xây mới 647 tỷ đồng, bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 7-2014 cho kịp phục vụ Đại hội Thể dục –Thể thao toàn quốc năm 2014. Năm 2016, do ảnh hưởng của bão số 2, nhà thi đấu này đã bị hỏng một số hạng mục và phải sửa chữa.

Chưa nói về chất lượng xây dựng cơ sở vật chất, xét về công năng sử dụng từ sau năm 2014, nơi đây hiếm hoi tổ chức giải quốc gia của một môn thể thao. Chủ yếu, nhà thi đấu Thái Bình nhận đăng cai một vòng của giải bóng chuyền toàn quốc.

Tháng 9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1752/QĐ-TTg về “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong quy hoạch đã ghi rất rõ giới hạn diện tích xây dựng cơ sở vật chất thể thao tại các địa phương trọng điểm, và nếu căn cứ vào những quy định này, có thể thấy những nhà thi đấu nêu trên đều có sự đầu tư ... vượt quy hoạch.

“Trong dòng chảy phát triển xã hội, nhà thi đấu thể thao là công trình không thể thiếu tại mỗi địa phương. Chúng tôi cũng có xem xét về hoạt động nhà thi đấu của các nơi sau Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2014. Tuy nhiên, công việc quản lý sử dụng nhà thi đấu là của địa phương chứ không phải của Tổng cục Thể dục-Thể thao.

Ngoài các hoạt động thể thao thành tích cao, nhà thi đấu thường là nơi để địa phương đó tổ chức mọi hoạt động văn hóa, thể thao của các ngành, đơn vị trên địa bàn”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao Vương Bích Thắng đã trả lời chúng tôi như thế. Khi được hỏi về công trình nhà thi đấu Hà Nam, ông Thắng nhìn nhận đúng là công trình xây dựng quá lớn.

Năm nay, nhà thi đấu Thái Bình và Nam Định là nơi tổ chức vòng 1 giải bóng chuyền toàn quốc năm 2017 (thi đấu tháng 4). Hai nhà thi đấu có sức chứa từ 4.000 đến 5.000 chỗ ngồi nhưng khán đài vắng vẻ. Huấn luyện viên Trần Đăng Thành của đội nữ Hà Nội chia sẻ với báo giới: “Nhà thi đấu Nam Định có sức chứa lớn, khoảng cách từ khán đài xuống sân hơi xa nên khán giả vào cổ vũ rất ít. Nhìn từ trên cao là thấy, cầu thủ dưới sân gần như lọt thỏm...”.

Diệu Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/sau-mot-phut-hoanh-trang-la-khoang-dai-lang-le-441976/