Sau mấy ly bia, nộp phạt 18 triệu đồng

Sau hơn 3 tuần thực hiện xử lý nồng độ cồn theo quy định mới tại Nghị định 46/CP, Công an TP Hà Tĩnh đã lập biên bản 148 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 300 triệu đồng, đặc biệt có trường hợp bị xử phạt kịch khung 18 triệu đồng, tước GPLX 6 tháng và tạm giữ phương tiện.

Công an thành phố kiểm tra nồng độ cồn đối với những trường hợp có dấu hiệu sử dụng rượu bia trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông...

Đại úy Phạm Duy Thành - Đội phó Đội CSGT Công an thành phố cho biết: Thực hiện Kế hoạch 202 của Ban giám đốc Công an tỉnh về việc mở đợt cao điểm tuần tra kiểm soát đảm bảo ANTT và ATGT, từ 1/8, Công an thành phố đã kết hợp xây dựng kế hoạch triển khai tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn xã hội và ATGT đi sâu vào thực hiện kiểm tra xử lý nồng độ cồn.

Đơn vị đã huy động tối đa lực lượng gồm: CSGT, Cảnh sát trật tự, Công an phường phối hợp để xử lý các đối tượng vi phạm nồng độ cồn, trong đó chủ công là CSGT. Toàn thành phố thành lập 3 tổ công tác mỗi tổ 15 CBCS triển khai các phương án hành động.

Tối 22/8, theo chân tổ tuần tra chốt chặn tại ngã ba giao nhau giữa đường Hàm Nghi và đường Lê Duẩn thuộc phường Trần Phú, chúng tôi chứng kiến hàng chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lập biên bản; nhiều trường hợp khác sau khi dùng máy đo nồng độ cồn kiểm tra không có nồng độ cồn hoặc là có nồng độ cồn ở mức cho phép đã được CSGT giải thích và cho phép tiếp tục lưu thông.

Như hiểu được thắc mắc của tôi, Đại úy Phạm Duy Thành giải thích: “Không chỉ kiểm tra các đối tượng có dấu hiệu sử dụng rượu bia mà tổ công tác phải kiểm tra tất cả mặc dù biết chắc rằng các trường hợp này không sử dụng rượu bia là để tuyên truyền, qua đó chúng tôi chuyển thông điệp là hãy nói không với rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, người bị kiểm tra mặc dù không vi phạm nhưng sẽ nhận thức được rằng nếu sử dụng rượu bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì sẽ bị xử lý, từ đó họ sẽ khuyến cáo người thân, bạn bè đừng bao giờ sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.

Qua công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn cho thấy, quy định này đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Điều này được thể hiện, rất nhiều người tham gia giao thông không sử dụng rượu bia nhưng khi bị tổ tuần tra kiểm soát dừng xe và yêu cầu đo nồng độ cồn, họ đều vui vẻ chấp hành mà không có bất cứ một lời phàn nàn nào hoặc là có thái độ khó chịu đối với lực lượng làm nhiệm vụ.

... lập biên bản vi phạm

Ông Lê Văn N, ở phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Tôi có 2 người con đều đã đến tuổi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Chúng thường xuyên đi làm về muộn trong tình trạng nồng nặng mùi bia rượu mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhưng nói thế nào cũng không nghe. Tôi rất lo. Kể từ ngày Công an thành phố ra quân xử lý mạnh các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn theo quy định mới, chúng tôi thấy ý thức của người tham gia giao thông nói chung, nhất là những người hay sử dụng rượu bia, chuyển biến hẳn. Chúng tôi hết sức ủng hộ và mong việc kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm này được duy trì nghiêm, thường xuyên".

Anh Vũ Văn Ninh - người điều khiển xe mô tô BKS 43F7-3957, có dấu hiệu sử dụng rượu bia bị CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra; kết quả, nồng độ cồn lên đến 1,571mg/lít khí thở. Sau một lúc phân trần và viện đủ lý do, thậm chí là gọi điện thoại nhờ can thiệp nhưng vẫn bị tổ tuần tra kiên quyết lập biên bản xử phạt, với mức phạt lên đến 3,5 triệu đồng, tước GPLX 4 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Anh Ninh cho biết: Bản thân đã nhận thức được việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng. Với số tiền phạt gần bằng một tháng tiền công thợ xây như anh, thì đây là "lần đầu và cũng là lần cuối" vi phạm.

Tuy nhiên, quá trình tuần tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, tổ tuần tra kiểm soát gặp nhiều trường hợp chống đối, không hợp tác và tìm đủ mọi cách để dây dưa, kéo dài thời gian như mua nước uống hòng làm giảm nồng độ cồn, gọi điện thoại cầu cứu người quen nhờ can thiệp… nhưng đều nhận được cái lắc đầu của lực lượng làm nhiệm vụ. Cuối cùng, các đối tượng vi phạm đều phải chấp hành đo nồng độ cồn và ký vào biên bản vi phạm.

Điển hình trường hợp anh C., thường trú tại phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh điều khiển xe ô tô trong trạng thái say khướt, bị lực lượng chức năng dừng xe và yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Không những không hợp tác mà C. còn thóa mạ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Sau khi thuyết phục không được, lực lượng chức năng đã phải dùng nhiều biệp pháp thậm chí là áp chế thì anh C. mới chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn và kết quả là máy báo kịch kim, các chỉ số báo đèn đỏ nghĩa là nồng độ cồn ở mức cao nhất. Với lỗi này anh C đã bị lập biên bản xử phạt 18 triệu đồng, tước GPLX 6 tháng và tạm giữ phương tiện theo quy định.

Trung tá Nguyễn Công Dũng - Phó trưởng Công an thành phố Hà Tĩnh cho biết: Quan điểm của lãnh đạo Công an thành phố là không có “vùng cấm” trong xử lý nồng độ cồn dù đó là ai thì nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Sau hơn 3 tuần ra quân, đến nay, tình trạng sử dụng bia rượu trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã có chiều hướng giảm mạnh, nhất là đối với ô tô. Thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 46/CP...

Theo Nghị định 46 của Chính phủ áp dụng từ ngày 1/8, người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 4 - 6 tháng; người điều khiển xe mô tô nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng.

Đức Thiện

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/an-ninh-trat-tu/sau-may-ly-bia-nop-phat-18-trieu-dong/119493.htm