Sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh, căng thẳng lại leo thang

(VOV) - Liệu khi các biện pháp ngoại giao và cả lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế rơi vào bế tắc hoặc thất bại thì giải pháp hiệu quả nào để ổn định trật tự trên bán đảo Triều Tiên?

Trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành là ngày 13/4 vừa qua, CHDCND Triều Tiên chính thức phóng tên lửa Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 và lễ diễu binh phô trương sức mạnh quân sự của nước này.

Có thể nói, vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong những ngày qua là việc Triều Tiên phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3. Tuy nhiên, tên lửa mang theo vệ tinh đã vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống biển Hoàng Hải sau khi phóng khoảng 1 phút.

Tên lửa Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Sau khi Triều Tiên thất bại trong việc phóng vệ tinh, Hải quân Hàn Quốc đã triển khai 10 tàu chiến, trong đó có 1 tàu hộ tống gắn thiết bị radar để tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên. Theo đó, Hàn Quốc đã tìm thấy có khoảng 20 mảnh rơi xuống và nằm rải rác trên bờ biển Hoàng Hải.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã quyết định không cung cấp thông tin về chiến dịch trục vớt các mảnh vỡ tên lửa nhằm tránh sự căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù Hàn Quốc khẳng định như vậy nhưng vẫn khiến Bình Nhưỡng nổi giận, cho rằng hành động này là sự khiêu khích và đưa ra cảnh báo có thể cản trở công cuộc truy tìm mảnh vỡ của Hàn Quốc. Tuyên bố này đang khiến dư luận lo ngại, liệu Triều Tiên có thể dựa vào các hoạt động tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa của quân đội Hàn Quốc để biện hộ cho các hành động tuyên chiến?

Ông Lee Suk-woom, giáo sư chuyên ngành Luật thuộc trường Đại học Inha của Hàn Quốc cho rằng, có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột nếu cả hai miền Triều Tiên đều yêu cầu đòi sự độc quyền về các mảnh vỡ tên lửa.

Quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc đã căng thẳng từ nhiều năm qua và nay lại trở nên xấu hơn kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng vệ tinh và Hàn Quốc lùng sục tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa. Sự việc này đang đe dọa tới tiến trình hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và còn khiến quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Nhật Bản trở nên căng thẳng. Cụ thể là mới đây, Nhật Bản cũng thông báo, các chuyên gia của lực lượng phòng vệ nước này đang phối hợp quân đội Mỹ phân tích đường bay của tên lửa và những mảnh vỡ rơi ra từ tên lửa. Các tàu rà mìn và nhiều tàu khác của Mỹ đã có mặt tại khu vực được cho là điểm rơi của tên lửa.

Tàu chiến Hàn Quốc tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên trên biển Hoàng Hải (Ảnh: Yonhap)

Việc Triều Tiên phóng vệ tinh đã khiến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước phương Tây sôi sục. Trên thực tế, năm 2006 và 2009, Triều Tiên đã từng tiến hành hai vụ phóng thử tên lửa tầm xa bất chấp mọi sự phản đối của cộng đồng quốc tế, thậm chí đã dẫn tới các hành động trừng phạt nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, lần này lại khác, Triều Tiên cho rằng, việc phóng vệ tinh là cơ hội để nâng lĩnh vực sử dụng công nghệ không gian-vũ trụ "vì các mục đích hòa bình" của nước này lên một tầm cao mới. Bình Nhưỡng luôn khẳng định, tên lửa mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 không phải là tên lửa tầm xa.

Để chứng minh điều này, Triều Tiên đã mời hàng chục phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nhiều quốc gia tới Trung tâm Vũ trụ Tongchang-ri để tận mắt chứng kiến tên lửa Unha-3 từ khoảng cách chừng 50m, với chiều cao 30m và đường kính 2,5m.

Tuy nhiên, mọi cố gắng của Triều Tiên trong vụ phóng vệ tinh này đã không thể thuyết phục được Mỹ và một số nước khi cho rằng, Triều Tiên không từ bỏ mục đích theo đuổi phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa. Đặc biệt là gần đây, các chuyên gia quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng, trong lễ diễu binh mừng sinh nhật lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã phô trương một loại tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn “khủng” ít nhất phải lên tới 6.000 km.

Ngoài ra, còn có nhiều nguồn tin cho biết, Triều Tiên đang phát triển một loại tên lửa có tầm bắn từ 12.000 đến 15.000 km, đủ sức vươn tới nước Mỹ. Chính điều này đã khiến cho Mỹ luôn “lo sợ” Triều Tiên phát triển tên lửa tầm xa. Nếu vụ phóng tên lửa tầm xa nào đó thành công thì cũng đồng nghĩa là Bình Nhưỡng có thể đủ sức mạnh quân sự để tấn công Mỹ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà bình luận chính trị Konstantin Bogdanov, Dmitry Kosyrev đưa ra trên hãng tin Ria Novosti (Nga), hiện chưa chắc chắn là Bình Nhưỡng đã thành công trong việc chuyển đổi thiết bị nổ hạt nhân sang sản xuất đầu đạn hạt nhân. Với công nghệ của Bình Nhưỡng hiện nay, Triều Tiên chưa thể thành công trong việc phóng tên lửa tầm xa mang theo đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Mỹ.

Các nhà bình luận chính trị này cho rằng, ngay cả khi CHDCND Triều Tiên có thể phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân thì chỉ có thể bắn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc hoặc Tokyo (Nhật Bản) chứ chưa thể vươn xa tới thủ đô Washington (Mỹ). Để làm được điều này thì Triều Tiên phải cần một thời gian dài.

Biện pháp ngoại giao đã thất bại?

Việc Triều Tiên phóng tên lửa mang theo vệ tinh đã gây chấn động cả thế giới và bị cộng đồng quốc tế lên án. Sau vụ phóng vệ tinh này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra Tuyên bố trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên và cảnh báo về hành động mạnh mẽ hơn nếu nước này tiến hành một vụ tên lửa hoặc hạt nhân mới.

Trước đó, sau vụ phóng tên lửa năm 2009 của Triều Tiên, Liên Hợp Quốc đã đưa ra một Nghị quyết cấm Triều Tiên tiến hành các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Việc phóng vệ tinh của Triều Tiên cũng khiến Mỹ vừa quyết định không viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Bình Nhưỡng như cam kết mà 2 nước đã ký hồi tháng 2/2012. Đáp trả lại hành động này, CHDCND cũng tuyên bố ngừng đàm phán và hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong việc để cho các thanh sát viên quốc tế kiểm tra chương trình hạt nhân của nước này.

Những tuyên bố và hành động gần đây của CHDCND Triều Tiên cũng như từ phía Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Liên Hợp Quốc đang khiến dư luận lo ngại về sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Trong 2 lần phóng tên lửa lần trước (năm 2006 và 2009), mặc dù cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay hoạt động này nhưng đã không thành công. Và lần phóng vệ tinh này, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác đã thúc giục Bình Nhưỡng từ bỏ vụ phóng cũng như đưa ra những lời cảnh báo khắt khe nhưng đã không ngăn được quyết tâm của Triều Tiên. Thậm chí, cuộc họp Bộ trưởng Ngoai giao 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra gần đây cũng đã thất bại trong việc kêu gọi Triều Tiên ngừng phóng vệ tinh.

Có thể nói, tất cả những hành động thông qua biện pháp đối thoại, ngoại giao, đàm phán đã bế tắc và dẫn đến một hệ quả là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 16/4 đã đưa ra tuyên bố Chủ tịch về siết chặt lệnh trừng phạt hơn nữa đối với CHDCND Triều Tiên.

Thực chất sự siết chặt lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với CHDCND Triều Tiên là nhằm để Bình Nhưỡng từ bỏ theo đuổi mục đích phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa và chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm là liệu việc làm này có giảm được căng thẳng giữa Triều Tiên với Mỹ và thúc đẩy được tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hay không.

Ngoài ra, vấn đề mà dư luận đang đặt câu hỏi là liệu khi các biện pháp đàm phán, ngoại giao và cả lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế rơi vào bế tắc hoặc thất bại thì giải pháp hiệu quả nào để ổn định trật tự trên bán đảo Triều Tiên?./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/sau-khi-trieu-tien-phong-ve-tinh-cang-thang-lai-leo-thang/20124/206670.vov