Sau hàng loạt sự cố môi trường, rà soát lại toàn bộ nguồn xả thải

Biện pháp giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập vị trí mới của môi trường. Trước đây, môi trường đi sau phát triển nhưng nay môi trường phải đi trước, đi ngay vào quá trình phát triển.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu trong phiên thảo luận chiều 2-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đất đai là tài nguyên quý giá, việc sử dụng có hiệu quả là vấn đề cấp bách. Tuy vậy, thời gian qua vẫn có hiện tượng lãng phí đất đai, sử dụng đất chưa hiệu quả…

Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới Bộ TN&MT sẽ chủ động nghiên cứu phương pháp hiện đại hóa quy hoạch sử dụng và quản lý sử dụng đất trên cơ sở tiếp cận cơ chế thị trường, chính sách đồng bộ và ứng dụng công nghệ thông tin; Tập trung kiểm kê quỹ đất trên phạm vi cả nước; Hoàn thiện quy định về cơ chế chính sách về quản lý đất đai theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đề xuất xem xét phương án thành lập ngân hàng về quỹ đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình

Về tài nguyên nước, đây là vấn đề nóng cần quan tâm. Thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa các nước chung lưu vực nhằm chia sẻ hợp lý các lưu vực sông; Nghiên cứu xác lập kế hoạch thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu cho các vùng nhạy cảm như đồng bằng sông Cửu Long; Tập trung xem xét lại quy hoạch trong khai thác sử dụng. Đồng thời, phải giải quyết vấn đề nước phải có giá tương thích để sử dụng nước hiệu quả.

Về tài nguyên và khoáng sản, cần sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả nhất, lựa chọn công nghệ trang thiết bị chế biến, xuất khẩu khoáng sản hợp lý, rà soát công tác khai thác bảo vệ môi trường mỏ, kiên quyết xử lý các mỏ gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên, thiết lập cơ chế đấu thầu khai thác mỏ khoáng sản nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả và bảo vệ môi trường mỏ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giải pháp giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Sau một loạt sự cố môi trường, có thể thấy môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu đựng thêm được nữa.

Chính vì vậy, việc đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập vị trí mới của môi trường. Trước đây môi trường đi sau phát triển nhưng nay môi trường phải đi trước, đi ngay vào quá trình phát triển, môi trường phải nằm ngay trong chiến lược quy hoạch, các dự án đầu tư.

Sau các sự cố, Chính phủ đã làm rất nhiều việc, rà soát lại toàn bộ nguồn thải. Hiện Bộ đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đến các ngành xả thải nhiều như các ngành khai thác khoáng sản, hóa chất...

Trong thời gian tới, để bảo vệ môi trường cần có biện pháp quyết liệt nghiêm túc trong thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, hoàn thiện các giải pháp từ đánh giá tác động môi trường đến các quy định về việc giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường, các thông tin liên quan môi trường…

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/sau-hang-loat-su-co-moi-truong-ra-soat-lai-toan-bo-nguon-xa-thai/707045.antd