Sau đường bộ, đường thủy cũng làm BOT

Dự án nâng cấp tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo đi qua hai tỉnh Tiền Giang và Long An sẽ được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng.

Tàu thuyền tấp nập đi qua kênh Chợ Gạo - Ảnh: TL.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, hôm 7-10 bộ này đã họp bàn phương án nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy ở khu vực phía Nam.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo đi qua hai tỉnh Tiền Giang và Long An có tổng chiều dài 28,6 km, các hạng mục chính phải thi công là nạo vét luồng; kè đá bờ phía Nam đoạn Chợ Gạo; xây dựng đường dân sinh hai bên bờ kênh; xây dựng 10 bãi đổ đất nạo vét và hệ thống phao tiêu báo hiệu.

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung một số hạng mục như điều chỉnh chiều rộng phần xe chạy ở đường hai bên bờ lên 3,5 mét theo kiến nghị của địa phương; xây dựng trạm điều hành trung tâm gần cầu Chợ Gạo.

Tổng mức đầu tư của giai đoạn 2 là hơn 1.300 tỉ đồng thời gian thực hiện là 2016-2018.

Về phương án tài chính, nhà đầu tư sẽ huy động 100% vốn thực hiện dự án bằng vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Sau khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ được thu phí hoàn vốn bằng việc bố trí hai trạm thu phí hai chiều tại cầu Chợ Gạo.

Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo tại tỉnh Long An và Tiền Giang được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng, còn giai đoạn 2 được đầu tư theo hình thức BOT.

Kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy quan trọng để vận chuyển hàng hóa bằng ghe thuyền từ TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại. Việc đầu tư hoàn chỉnh dự án sẽ giúp tuyến giao thông thủy này thông suốt và không còn bị ách tắc như những năm trước đây do sạt lở và luồng nông.

Kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy thứ 2 ở phía Nam thực hiện theo hình thức BOT, sau dự án cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương). Sau khi hoàn thành luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc nhà đầu tư được hoàn vốn thông qua thu phí dự kiến là 70 đồng/tấn/km.

Việc trả phí luồng, lạch được thực hiện khi ra vào cảng, bến thủy nội địa theo quy định. Các cảng vụ đường thủy nội địa quản lý cảng, bến trong khu vực tuyến luồng Sài Gòn (từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc) là cơ quan thu phí.

Như vậy là sau khi các dự án BOT đường bộ được thực hiện ồ ạt dẫn đến việc đặt quá nhiều trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải phải tạm dừng một số dự án BOT đường bộ thì hình thức đầu tư này giờ đây được chuyển dần sang lĩnh vực đường thủy nội địa.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152459/sau-duong-bo-duong-thuy-cung-lam-bot.html/