Sau công bố nguyên do tàu 67 hỏng: Chờ Bộ Công an tiếp tục điều tra

Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng (Bình Định) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá và 2 doanh nghiệp đóng tàu: công ty TNHH MTV Nam Triệu (Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an) và công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Niềm tin của ngư dân đặt trọn vào đăng kiểm nhà nước nhưng đổi lại chỉ là sự nghi ngờ.

Ngư dân nghi ngờ trình độ đăng kiểm nhà nước!

Ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS (tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu) được trang bị máy chính hiệu Mitsubishi có giá trị tiền tỷ nhưng theo kiểm tra của Tổ thẩm định thì bơm nước nước làm mát và bộ sinh hàn không đồng bộ với động cơ. Hãng Mitsubishi xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy, hoạt động không ổn định.

Tổ thẩm định kiểm tra máy hỏng cho ngư dân. Ảnh: D.T

“Máy chính của tôi bị hư hỏng từ đầu năm đến nay, 2 máy điện cũng bị hỏng. Nhưng không hiểu vì sao phía đăng kiểm không phát hiện ra sai sót, doanh nghiệp vẫn lắp vào tàu cho ngư dân. Cái này chúng tôi quá nghi ngờ, hay trình độ họ không đủ hiểu biết mà vẫn được trao quyền kiểm định”- ngư dân Khánh bức xúc.

Ngư dân Lê Văn Thãi- Chủ tàu BĐ 99016 TS cũng được trang bị máy chính có tình trạng hư hỏng như của ông Khánh. Ông Thãi tin vào kết quả thẩm định nhưng còn quá nhiều điều bất ngờ và thắc mắc cần được giải đáp.

Ngư dân Lê Văn Thãi thất vọng vì tin vào đăng kiểm. Ảnh: D.T

“Máy chính Mitsubishi trị giá hơn 2,7 tỷ đồng nhưng lại không phải chính hãng, 2 máy đèn lại không có nguồn gốc xuất xứ. Ngư dân quá tin vào kiểm định nhà nước và doanh nghiệp đóng tàu sẽ trang bị máy mới hoàn toàn. Nhưng niềm tin đã bị lừa dối, tổn thất của chúng tôi ai sẽ chịu trách nhiệm đây. Đừng tưởng ngư dân chất phát, mà chơi trò lừa lọc thì tội cho chúng tôi lắm”- ông Thãi chia sẻ.

Trong khi đó, ông Bùi Hữu Hùng- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho hay đơn vị này thống nhất với kết quả thẩm định và thừa nhận có 9 máy tàu do đơn vị này không phải hàng chính hãng Mitsubishi, có dấu hiệu cải hoán...

Tuy nhiên, Công ty này đã ký hợp đồng với Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (TP.HCM) cung cấp động cơ máy thủy Mitsubishi mới 100% và việc giao nhận hàng thực hiện đúng theo quy trình.

“Để xảy ra việc lắp máy trên tàu vỏ thép không phải hàng chính hãng là trách nhiệm của Công ty Hoàng Gia Phát”- ông Hùng khẳng định.

Ông Hùng cũng đã cam kết sẽ sớm thay thế những máy trên tàu của ngư dân Bình Định, thay thế các trang thiết bị không phù hợp, sơn sửa lại tàu...để ngư dân ra khơi.

Tàu vỏ thép hư hỏng, ngư dân đang nỗi đau nằm bờ. Ảnh: D,T

Nhiều khuất tất, chờ cơ quan điều tra trả lời?

Ông Đào Hồng Đức- Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Chúng tôi kiểm tra hồ sơ, xuất xứ máy móc, thiết bị tàu cá và kiểm tra thực tế lắp đặt, kể cả khi tàu cá chạy thử, có giám định chất lượng của cơ quan giám định chất lượng độc lập. Tuy nhiên, đã có sự sai sót của các đăng kiểm viên, khi chưa xem xét kỹ thực tế trong khi máy được làm giả rất tinh vi, nên khó phát hiện thật, giả. Để xảy ra những sự cố đáng tiếc vừa qua, rõ ràng chúng tôi có trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật tàu cá của ngư dân”.

Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, vẫn còn những khuất tất trong vụ tàu 67 hư hỏng cần được giải quyết triệt để.

Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định. Ảnh: D.T

Ông Hổ ngạc nhiên khi coi hợp đồng từ bản photo của ngân hàng BIDV cung cấp, thì không ghi rõ chất lượng thép gì nhưng khi thanh toán là ghi thép Hàn/Nhật. Trong khi đó, đóng tàu lại là thép Trung Quốc, vì sao doanh nghiệp cung cấp máy đường bộ để lắp cho tàu thủy nhưng qua giám sát của nhà máy, cơ quan đăng kiểm mà vẫn để lọt, các ngân hàng cũng không chịu trả lời về việc đánh giá lại giá trị con tàu...

“Những vấn đề này chỉ có cơ quan điều tra mới làm rõ được. Chúng tôi sẽ có báo cáo chính thức và tham mưu hướng xử lý cho UBND tỉnh Bình Định vào ngày 26.6” - ông Hổ cho hay.

Trong đó, Tổ thẩm định sẽ đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay các máy chính không đồng bộ cho các chủ tàu, khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng. Tổ thẩm định cũng sẽ đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thay thế khắc phục những chi tiết trên tàu không đúng với hợp đồng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Quan điểm của tỉnh rất rõ ràng: doanh nghiệp nào đóng thép không đúng hợp đồng phải tháo ra đóng lại, máy phải là máy mới theo đúng hợp đồng. Riêng, phía công an sẽ điều tra hành vi đơn vị nào thay máy không đúng chủng loại, thép không đúng hợp đồng và xử lý vấn đề này riêng. Hiện nay, Bộ Công an đã nhận được văn bản báo cáo của công an tỉnh Bình Định để tiếp tục vào cuộc điều tra”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/sau-cong-bo-nguyen-do-tau-67-hong-cho-bo-cong-an-tiep-tuc-dieu-tra-781541.html