Sau chanh leo người dân lại khóc vì bí Đài Loan

Người dân lại khóc ròng với hàng trăm tấn bí xanh Đài Loan đến ngày thu hoạch mà chủ đầu tư thì biến mất.

Câu chuyện xảy ra tại xã Ia Glai (huyện Chư Sê). Thông tin cho biết, nhiều ngày nay người dân nơi đây phải vác hàng tấn bí xanh ra quốc lộ 14 bán mà không có người mua. Số còn lại nằm chất đống ngoài đồng và bắt đầu bị thối, hỏng.

Bí xanh chất đống ngoài ruộng không tiêu thụ được. Ảnh Công an nhân dân

Báo Công an nhân dân cho biết, nguyên nhân là do Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên (có địa chỉ tại TP Pleiku, Gia Lai) ký hợp đồng “hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua bí xanh giống Đài Loan với nhiều hộ người dân.

Theo hợp đồng, công ty này bán nợ hạt giống với định mức 7 triệu đồng/ha, cho nợ 50% tiền phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg bí dưới đất, 5.500 đồng/kg bí leo giàn.

Như vậy, ngoài số tiền chi phí để mua phân bón sinh học, phân vi sinh và các loại thuốc bảo vệ thực vật, mỗi hộ gia đình còn phải tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng để trồng bí đao.

Anh Nguyễn Văn Hào (ở thôn Nông trường, xã Ia Glai) cho biết, gia đình anh đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, mua vật tư, chi phí sản xuất lên tới 300 triệu đồng cho 6ha bí đao xanh. Giờ đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước tính 360 tấn, tính theo giá hợp đồng với công ty thì anh thu được gần 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch thì anh Hào cũng như nhiều hộ gia đình khác đang phải bất lực đứng nhìn hàng tấn bí đao bị bỏ thối ngoài đồng.

“Tôi gọi điện cho công ty vào thu mua, họ hẹn 2 - 3 ngày rồi không thấy đâu, những lần sau họ bảo đang bận đi mua hàng, lúc bảo đi Trung Quốc… Cuối cùng họ cắt đứt liên lạc, tôi đành bỏ mặc bí hư thối”, anh Hào chua xót.

Ông Nguyễn Đức Phi – Chủ tịch UBND xã Ia Glai thừa nhận có tình trạng dân bỏ bí thối ngoài ruộng vì không bán được nhưng số lượng cụ thể thì không xác định được do khối lượng quá lớn.

Chanh leo tốt lá, không ra quả

Tình trạng trên cũng từng xảy ra với chanh leo của huyện Mang Yang, Gia Lai nhưng theo chiều ngược lại.

Là huyện có diện tích chanh leo lớn nhất tỉnh Gia Lai. Tại đây, nhiều hộ đã dốc hết vốn liếng, thậm chí vay mượn tiền để đầu tư vườn chanh leo. Nhưng khi trồng cây cứ xanh um nhưng... chẳng ra hoa, đậu quả.

Theo thống kê, diện tích chanh leo ở huyện này đã lên đến trên 500ha. Tuy nhiên, từ nguồn gốc cây giống cho đến giá bán, thị trường tiêu thụ đều hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Hứa Thành ở tổ 8, thị trấn Kon Dơng trồng hơn 4 sào chanh leo, sau 7 tháng mà khắp vườn chỉ có 2 đến 3 cây có quả, nhưng cây nhiều nhất cũng chỉ được… 4 quả mỗi dây.

Ông Thành cho biết, được người quen giới thiệu giống từ Nghệ An nhưng khi trồng lại không ra quả. Ông khẳng định, đầu tư, chăm sóc rất bài bản cây không ra quả chắc chắn chỉ có thể do giống "đểu".

Tương tự, ông Thủy ở tổ 8 cũng cho biết đầu tư 450 gốc chanh leo với hơn 150 triệu nhưng đã hơn 7 tháng giờ cây vẫn chỉ thấy lá.

Bỏ cá quá lứa, thương lái TQ chỉ mua cá tra non

Giải đáp hiện tượng trên, ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang cho biết: chanh leo không nằm trong quy hoạch cây trồng của huyện, trên địa bàn huyện cũng không có cơ sở nào ươm giống chanh leo, tất cả giống chanh leo bán trên địa bàn đều là giống trôi nổi.

Giống Đài Loan thì chưa biết nhập về từ con đường nào, có được Bộ NN-PTNT cấp phép hay không? giống chanh dây Nghệ An thì không biết nguồn gốc xuất xứ ra sao. Nhiều loại giống khác trên địa bàn huyện cũng không có nguồn gốc rõ ràng. Nhưng qua quan sát thì từ nguồn gốc cây giống cho đến giá bán, thị trường tiêu thụ đều hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc", ông Cơ nói.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/sau-chanh-leo-nguoi-dan-lai-khoc-vi-bi-dai-loan-3337448/