Sau Brexit, Trump, quả bom cuối cùng của năm sẽ khai nổ hôm nay?

Cuộc nổi dậy chính trị lớn thứ ba trong năm 2016 đã sẵn sàng khiến chính trường thế giới chao đảo.

Cuộc trưng cầu dân ý của Thủ tướng Italy Matteo Renzi đang thu hút sự chú ý của dư luận trên thế giới

Khi chính thức đảm nhận chức vụ Thủ tướng Italy vào 34 tháng trước, ông Matteo Renzi được nhắc đến như “niềm hy vọng cuối cùng” của Italy, là nhà lãnh đạo trẻ có thể “lèo lái” đưa đất nước này ra khỏi mớ bòng bong về cả kinh tế và chính trị mà nó đang vướng phải.

Cựu thị trưởng của thành phố Florence từng được nhìn nhận như một nhà cải cách toàn diện, với những kế hoạch lớn lao nhằm xoay vần một nền kinh tế Italy đang “quặt quẹo” – và nếu mọi việc thành công, ông Renzi sẽ là người đứng đầu một chính phủ trung tả chiếm đa số, đủ mạnh để có thể dập tắt những tiếng nói đối lập đến từ Phong trào 5 sao (M5S) – một đảng chính trị đang lên của phe chủ nghĩa dân túy; cũng như nhấn chìm những thế lực bảo thủ còn sót lại từ chính quyền Silvio Berlusconi.

“Ngày hôm nay chúng ta có một tham vọng to lớn, đó là tin tưởng rằng, trong những tháng tới, năm tới, sẽ không thể có một đất nước Italy bấp bênh, không ổn định, sa lầy, do dự…”, Thủ tướng Renzi tuyên bố vào thời điểm mới nhậm chức.

Thử thách mang đậm dấu ấn cá nhân

Sau gần 3 năm cầm quyền, mặc dù nền kinh tế Italy đã có những dấu hiệu hồi phục, vị thế của đất nước này trên trường quốc tế cũng bắt đầu khởi sắc sau nhiều năm u ám…, nhưng tất cả dường như vẫn chưa đủ để ông Renzi giành được lòng tin của đa số cử tri Italy.

Ôn Renzi đang đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý quan trọng diễn ra vào ngày hôm nay (4/12) về những cải tổ hiến pháp; mà kết quả của nó, theo nhiều nhà phân tích sẽ là một thất bại dẫn đến việc ngài Thủ tướng phải rời khỏi vị trí của mình như ông đã từng tuyên bố. Đáng nói là, nếu thử thách này diễn ra từ 18 tháng trước, có lẽ ông Renzi sẽ dễ dàng trở thành người chiến thắng.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong chiến dịch vận động người dân nói "Có" với đề xuất cải tố hiến pháp của ông

Sau nhiều tuần ngang dọc khắp đất nước nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cử tri trong cuộc trưng cầu, hôm thứ Sáu vừa rồi (2/12), Thủ tướng Renzi kết thúc chiến dịch của mình tại thành phố Florence, cũng là nơi bắt đầu sự nghiệp chính trị của ông. Ngày thứ Sáu bắt đầu với một tin tốt lành khi các báo cáo cho thấy, 40% người Italy ở nước ngoài có xu hướng ủng hộ cho ngài Thủ tướng; trong khi đó, những nỗ lực vận động cuối cùng của ông tại hai thành phố phía Nam nước Ý là Reggio Calabria và Palermo, được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực lên các cử tri còn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Niềm tin bị giảm sút

Mặc dù nổi tiếng là một người rất tự hào về nguồn gốc Tuscany của mình, nhưng trong các cuộc phỏng vấn với người dân ở đây, ông Renzi dường như lại không nhận được nhiều sự ủng hộ. Tờ Guardian cho biết, một số người địa phương nói rằng, họ không tin tưởng vào một chính trị gia từng bị đánh giá là một “chuyên gia marketing” thay vì một nhà lãnh đạo “trước sau như một.”

Trên chính trường thế giới, Tổng thống Italy đã góp một tiếng nói quan trọng trong những nỗ lực bảo vệ cho sự thống nhất châu Âu và cho mối quan hệ với nước Mỹ. Tuy nhiên, ngay tại quê nhà, ông Renzi và Chính phủ của mình lại chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để xoay chuyển được những sự nghi ngờ đến từ chính người dân Italy.

Người dân Italy biểu tình phản đối những cải tổ của ông Renzi

Một số ý kiến tỏ ra không hài lòng trước những hành động của ngài Thủ tướng trong nỗ lực cắt giảm các đặc quyền cho quan chức chính phủ Italy. Mặc dù việc sử dụng xe công cho các chính trị gia đã được giảm bớt, nhưng quyết định gần đây của ông Renzi - thuê một chuyên cơ Tổng thống có chi phí lên tới 1 triệu Euro/tháng - đã khiến nhiều người bất bình.

Thủ tướng Renzi vẫn có thể tạo ra một bất ngờ trong sự kiện trưng cầu dân ý ngày Chủ nhật. Các cuộc thăm dò cuối cùng cho thấy một kết quả bất lợi cho ông, tuy nhiên, có tới ¼ người dân Italy chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có ủng hộ hay không một sự thay đổi trong hệ thống nghị viện – củng cố quyền lực cho Hạ viện và giảm bớt quyền lực của Thượng viện – mà theo ông Renzi, sẽ rất cần thiết cho một Italy ổn định hơn, đồng thời là tiền đề để tiến hành các cải cách sau này đối với kinh tế và xã hội.

Thượng viện Italy. Theo cải cách, số lượng Thượng nghị sỹ sẽ giảm từ 315 xuống còn 100

Trong chiến dịch vận động của mình, Thủ tướng Matteo Renzi tỏ ra lạc quan về thử thách mà mình đang phải đối mặt; nhưng rõ ràng, những người tinh mắt đều có thể nhận thấy, những vụ công kích từ các thành viên dân túy M5S đã để lại ít nhiều ảnh hưởng lên ông Renzi.

Nếu thua trong cuộc trưng cầu dân ý hôm nay và phải từ chức – mặc dù đích thân Tổng thống Mỹ Obama đã từng kêu gọi ông Renzi giữ vững cương vị của mình bất chấp kết quả cuối cùng có ra sao, nguyên nhân cho sự thất bại của ngài Thủ tướng có thể là những yếu tố nằm trong và cả ngoài tầm kiểm soát của ông.

Mặc dù trong thời gian qua, chính phủ của Renzi cũng đã tạo ra một số thay đổi chủ chốt, bao gồm cải cách luật lao động, hợp pháp hóa quan hệ đồng giới, và thay đổi hệ thống bầu cử; ngài Tổng thống cũng vấp phải một loạt các cuộc tranh cãi và scandal chính trị. Mặc dù, không có bằng chứng xác thực về việc ông mắc sai lầm, nhưng những sự vụ không đáng có cũng đã đủ để biến hình ảnh Renzi thành một “chính trị gia Italy điển hình như bao người khác.”

Sự thay đổi nhanh đến bất ngờ

Sự sụp đổ nhanh chóng của Thủ tướng Renzi – kể cả khi ông vượt qua khe cửa siêu hẹp để giành chiến thắng sau ngày hôm nay – thực sự đã khiến nhiều nhà phân tích ngỡ ngàng.

Giovanni Orsina, giáo sư chính trị tại Đại học Luis Guido Carli, Rome đề cập đến sự thiếu kiên nhẫn của người dân Italy trước các diễn biến chính trị, trong khi lại sẵn sàng đổ lỗi cho tầng lớp chính trị gia về mọi thứ, kể cả khi họ không thể tìm ra một giải pháp thích hợp hơn. Sự thiếu kiên nhẫn này đã bị ông Renzi “bỏ qua”, nhưng lại được các nhà dân túy của M5S nhanh chóng tận dụng.

Thành viên của Đảng Phong trào 5 sao Luigi Di Maio (trái) với người đứng đầu Đảng Beppe Grillo và thị trưởng Rome Virginia Raggi

“Tốc độ thay đổi cách nhìn nhận ông Renzi, từ một người cải cách trẻ tuổi đầy năng lượng cho đến một biểu tượng của quan liêu là một dấu hiệu khó tin của thời cuộc,” Orsina nói. “Chính trị đã trở thành thứ ‘giơ đầu chịu báng’ cho tất cả những gì thất bại; và điều này chỉ xảy ra trong vòng chưa đầy một năm.”

(The Guardian)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/sau-brexit-trump-qua-bom-cuoi-cung-cua-nam-se-khai-no-hom-nay-221111.html