Sau Bóng đè là cánh chim Lam Vỹ…

Sau hơn 10 năm gây xôn xao văn đàn với tập truyện ngắn Bóng đè, nữ văn sĩ Đỗ Hoàng Diệu mới đây đã trở lại với cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên Lam Vỹ. Cũng giống như nhiều tác phẩm trước đó, câu chuyện lần này của Đỗ Hoàng Diệu cũng xoay quanh số phận của biên tập viên văn học tên Thơ, một người đàn bà kì lạ đến bất thường.

Từ Bóng đè đến Lam Vỹ

Nói về Lam Vỹ, nhà văn Trương Quý nhận xét, hành trình để viết ra được Lam Vỹ không hề dễ dàng đối với Đỗ Hoàng Diệu. Bởi cuốn sách đầu tiên bao giờ cũng dễ dàng hơn, nó như một thứ hoa quả mọc đầu mùa, rất nhanh bói. Nhưng để hoàn thành được tác phẩm kế tiếp, ai cũng phải mất rất nhiều thời gian, tâm sức và năng lượng.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng dành cho Đỗ Hoàng Diệu những lời khen đáng giá, nhưng cũng không ít áp lực: “Viết được truyện ngắn như Bóng đè là khó vô cùng, hiếm vô cùng. Cố gắng của Đỗ Hoàng Diệu chỉ là 1% thôi, còn lại đó là thượng đế, phúc phần ban tặng. Tác phẩm này đủ để vinh danh Đỗ Hoàng Diệu trở thành một tên tuổi đáng lưu tâm”.

Đỗ Hoàng Diệu từ tốn khẳng định, cô không phải là một nhà viết văn chuyên nghiệp, bởi nếu những nhà văn chuyên nghiệp có thể viết rất đều đặn, 1-2 năm một cuốn, thì đối với Đỗ Hoàng Diệu, khoảng thời gian ấy lên tới 10 năm. Trong suốt 10 năm, cô viết một cách rất bản năng, tùy hứng: thích thì viết, mà không thích thì không viết, bởi với cô, nghiệp viết lách không phải cái mưu sinh, thúc ép. Với sự tự tại đó, trước nghi ngại rằng việc tác phẩm đầu tiên, Bóng đè đã quá ấn tượng có khiến cô e dè, ngần ngại, Đỗ Hoàng Diệu cho biết cô không gặp phải vấn đề này.

Sau khi xuất bản Bóng đè ít lâu, Đỗ Hoàng Diệu sang Mỹ cùng chồng. Đứa con đầu tiên chào đời, cô bắt đầu cầm bút viết trở lại. Bản thảo Hầm Mộ ra đời sau 5-6 năm đầy khó nhọc và trầy trụa. Tuy nhiên, tác phẩm không được xuất bản vì những lý do khách quan. Đây là một điều đáng tiếc với Diệu, song cô tự nhủ, sẽ cố kìm chế mình, viết một cuốn sách dễ đọc, dễ xuất bản, rẻ tiền. Nhưng khi bắt đầu viết, 1 trang, 2 trang rồi 3 trang, Đỗ Hoàng Diệu nhận thấy cô không thể viết được kiểu sách “ba xu”, mà tác phẩm đã trở thành “năm xu”, hay “mười xu”, không rõ.

Bản năng viết trỗi dậy dữ dội, Đỗ Hoàng Diệu bắt đầu “lồng lộn lên viết cái này cái kia, nhưng tôi nghĩ viết thế này thì không thể in, và tìm cách cân bằng sao cho mình vẫn là mình và vẫn xuất bản được ở VN. Tôi tìm cách cân bằng, và khi đi vào mạch tôi bắt đầu kìm chế được mình”.

Nữ văn sĩ cho hay viết Lam Vỹ đối với chị rất dễ dàng, giống như uống một cốc trà hay cà phê, “vừa trông con vừa viết, vừa nấu cơm vừa viết”. Sau 6 tháng, tác phẩm ra đời. Tuy nhiên để đến được với độc giả, Lam Vỹ đã trải qua hàng loạt thay đổi.

Ban đầu, độ dài ban đầu của sách là 400 trang, nhưng đã được tác giả cắt bớt đi hơn 100 trang những đoạn nội dung dễ gây tranh cãi hoặc mang yếu tố sex táo bạo. “Khi cắt bỏ, tôi tự thấy rất xấu hổ và hèn. Tuy nhiên, nếu ai đọc sách vẫn nhận ra đó là tôi, không lẫn vào đâu được. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến hay một số người bạn của tôi đều có phản hồi tốt, nói rằng văn chương trong cuốn này rất đẹp. Tôi muốn người đọc nhìn nhận mình ở mặt văn chương nhiều hơn là viết cái gì”, Đỗ Hoàng Diệu nói.

Đỗ Hoàng Diệu trong buổi ra mắt sách và giao lưu với độc giả

Lam Vỹ cũng không phải tên gốc của tác phẩm. Cuốn tiểu thuyết nhẽ ra có tên Nhà thương điên, một cái tên nghe đã thấy có vấn đề, nghe qua đã cảm nhận được sự chẳng lành, ẩn giấu một sự dữ dội khó lường. Nhưng khi được xuất bản, truyện lại có tên Lam Vỹ, một tựa đề hoa mỹ, mơ màng, dễ chịu, “ngôn tình”. Hai cái tựa tạo cảm giác hoàn toàn trái ngược. Đỗ Hoàng Diệu thực tình rất muốn giữ lại tên Nhà thương điên, bởi “chúng ta đều điên, chúng ta đều sống trong bóng tối, nuôi mình trong hố thẳm của loài chim cất lên những tiếng ca chết chóc”. Đó chính là Lam Vỹ - loài chim không có thực xuyên suốt tác phẩm, sau cùng, được chọn làm tựa cho cuốn tiểu thuyết bởi nó mang sức ám chỉ và ám gợi hơn, đỡ khô khan hơn cái tên Nhà thương điên.

Về đàn bà trong xiềng xích

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, giống như nhân vật cô con dâu có bàn tay đẹp của Bóng đè, nữ biên tập viên Thơ trong Lam Vỹ là một người phụ nữ khác thường. Cô cũng chống lại cả một quan niệm truyền thống là phải kế tục dòng họ, nối dõi tông đường. Có sự nhất quán giữa dòng tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu: xung đột chính trong tác phẩm vẫn là xung đột của một nhóm người yếu thế trong xã hội với cái gọi là quyền lực số đông, ở trong một bối cảnh vô cùng điển hình của văn học.

Nhà văn Trương Quý nhận xét: “Sở trường của Diệu trong cuốn sách được bộc lộ, Diệu thực sự nhìn nhận ra xa bối cảnh văn hóa của nhân vật gốc, nhìn thấy những điều níu kéo, giữ chân của nhân vật trong bối cảnh, như con chim mãi không bay được, cho đến tận cái kết. Một cách thể hiện giá trị kép của những người sống trong hai nền văn hóa như Diệu”.

Chia sẻ về Lam Vỹ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết tặng những dòng đầy cảm xúc: “Đọc miên mải, quay cuồng đầy hoang hoải, mộng mị thậm chí là điên khùng rồ dại theo cuộc đời nhân vật Thơ, một nữ biên tập viên xuất bản. Mở đầu là sự bỏ đi của người tình dẫn đến cuộc tự tử bất thành của Thơ. Cuối sách là cái chết như một thiên sứ đồng thời cũng là cuộc đào thoát khỏi cõi người này của nhân vật trong một cuộc vật lộn sinh đẻ. Quá nhiều vấn đề trong cuốn sách tưởng chỉ là những quẫy đạp đi tìm hạnh phúc của một người phụ nữ thông qua những cuộc tình. Đó là cuộc chiến của đạo đức, giáo lý, tôn giáo là lối sống đủ mọi khía cạnh của thời hiện đại. Sau chừng chục năm vắng bóng cả văn học lẫn cuộc sống trong nước (Đỗ Hoàng Diệu lấy chồng và định cư ở Mỹ), tác giả Bóng Đè trở lại thật ma mị và quyết liệt.Tác giả xé toạc bức màn đạo đức giả đang bao trùm xã hội. Mọi nhân vật được tạo dựng sống động và khác thường. Không gian ảo vọng cả thực tại lẫn tưởng tượng đưa người đọc cùng nhân vật xoay chuyển trong những trục ngang dọc không còn giới hạn thời gian, không gian, đạo đức, luân lý... Đọc xong dòng cuối cùng thấy hoang mang và buồn nản đến ứ nghẹn. Văn học là vậy, cái lớn nhất đọng lại chính là nỗi buồn. Nhưng cuộc đời này cần nỗi buồn. Một nỗi buồn đủ lớn để phôi thai, để sinh hạ muôn vàn trạng thái khác ngõ hầu duy trì sự sống của mọi cuộc đời”.

Đỗ Hoàng Diệu ký tặng độc giả mến mộ

Yếu tố sex táo bạo từng xuyên suốt trong Bóng đè vẫn xuất hiện trong Lam Vỹ. Đỗ Hoàng Diệu thẳng thừng đáp: “Khi viết Bóng đè, tôi 26, 27 tuổi. Bây giờ 40 tuổi tất nhiên phải khác. Tuy nhiên, tác phẩm này tôi cũng không viết về sex mà mạch câu chuyện buộc điều đó phải diễn ra. Tôi kể theo mạch truyện thôi chứ không cố ý miêu tả thế này thế kia”. Nhưng như tác giả từng lý giải, chị không viết về tình dục, mà mượn tình dục để nói về một điều khác, chờ người đọc tự chiêm nghiệm.

Chị nói, với chị, văn chương đích thực là phải buồn, phải ám ảnh, chứ cứ “hơn hớn lên thì kinh dị lắm”. Đọc sách chị, dễ nhận thấy bao trùm là một bản âm hưởng bóng tối tràn lan, bóng tối trong tâm hồn con người, không chỉ của tác gia, mà còn của cả thời đại. Trong ngóc ngách, bằng thủ pháp phân thân, cùng với cách kể ma mị, Đỗ Hoàng Diệu bình thản kể về những cuộc đời đặc biệt. Những nhân vật trong Lam Vỹ đều đặc biệt, khác thường, nhưng mang những nét điển hình mà có lẽ người ta đã từng bắt gặp ở đâu đó.

Có thể nói với Lam Vỹ, Đỗ Hoàng Diệu vẫn giữ được chất văn, lối viết đặc trưng. Dẫu tự nhận xét, chị nói rằng tiểu thuyết lần này đã không thể vượt qua được ấn tượng quá lớn của Bóng đè, nhưng nó có cách đi riêng biệt, không thể so sánh. Bởi nhà văn muốn có một tác phẩm thành công, cần có ba yếu tố: sự bí ẩn, dồn nén cảm xúc và gần gũi với bạn đọc. Trong Bóng đè lẫn bản thảo không được cấp phép xuất bản Hầm Mộ, sự bí ẩn và yếu tố cảm xúc đều đủ, duy chỉ có sự gần gũi, giao lưu với người đọc là còn thiếu. Điều này được bổ sung vừa đủ trong Lam Vỹ.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến dự đoán rằng Lam Vỹ chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi, như nhiều tác phẩm trước đây của Đỗ Hoàng Diệu. Song không thể phủ nhận, đây là một bước tiến khác, đủ lớn để Diệu tự tin tiếp tục cầm bút viết. Văn chị không dễ đọc, nhưng đã đọc thì khó rứt – đó đã là điều thành công lớn của một người viết, mà theo chị, là “không chuyên nghiệp”.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/sau-bong-de-la-canh-chim-lam-vy%e2%80%a6