Sau 3 lần thất bại, vì sao CEO AirAsia vẫn quyết tâm vào Việt Nam?

Tuy đã từng 3 lần thất bại ở Việt Nam nhưng tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam lại một lần nữa thu hút hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á - AirAsia.

"Bại" nhưng không nản

Thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng nhờ vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, nhất là từ năm 2007, sau khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lượng khách quốc tế đặc biệt tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, một phần do các chuyến bay giá rẻ.

AirAsia từng cố gắng thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 2005 thông qua đề xuất góp vốn vào Pacific Airlines, vốn là tiền thân của hãng Jetstar Pacific Airlines, nhưng đã thất bại trước đối thủ Qantas Airways (Úc).

Sau đó, vào năm 2007, đề xuất lập liên doanh giữa AirAsia với công ty đóng tàu quốc doanh Vinashin cũng không được thông qua. Lần gần đây nhất, hãng đã ký kết mua 30% cổ phần Vietjet Air vào năm 2010 nhưng cũng bất thành.

Dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn AirAsia. Theo vị giám đốc điều hành của một hãng hàng không Nhật Bản, AirAsia quyết tâm giành thị phần tại đây bởi tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất lớn nếu so sánh với các nước Đông Nam Á khác.

Sau hơn 10 năm theo đuổi với 3 lần thất bại, AirAsia nếu bước thành công vào thị trường Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, do thị trường đã không còn sơ khai như thời điểm năm 2005. Vietjet Air chật vật kinh doanh năm 2010 nay cũng đã chiếm hơn 40% thị phần nội địa, và rất mạnh ở phân khúc giá rẻ, phân khúc mà AirAsia hướng đến tại thị trường Việt Nam.

Có "quá tam ba bận"?

Thị trường hàng không Việt Nam hiện được thống trị bởi hai ông lớn là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Dù vậy, tiềm năng tăng trưởng tại đây lại một lần nữa thu hút AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á đến từ Malaysia, dù hãng này đã có 3 lần thất bại từ năm 2005 đến nay.

Đầu tháng 4, AirAsia khiến giới quan sát bất ngờ về sự kiên trì với thị trường Việt Nam, khi tuyên bố liên doanh với Gumin và Hải Âu để thành lập hãng hàng không mới, dự kiến cất cánh từ đầu năm 2018.

Vẫn với chiến lược cũ đã ba lần thất bại, lần này AirAsia sẽ góp 30% vốn cổ phần của liên doanh trị giá khoảng 44 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng), 70% còn lại do Công ty TNHH Gumin của doanh nhân Trần Trọng Kiên nắm.

Không khó lý giải quyết tâm của AirAsia khi thị trường hàng không Việt Nam hiện tăng trưởng 28% một năm, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của các thị trường trong khu vực.

Với vị trí là thị trường hàng không lớn thứ 5 trong khu vực, lưu lượng hành khách của thị trường Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2013, và tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ chiếm 1/4 dân số tính đến 2020.

Chia sẻ thêm về quyết tâm của AirAsia khi tái thâm nhập thị trường Việt Nam, CEO AirAsia - Tony Fernandes đánh giá, thời điểm này thị trường hàng không châu Á phát triển rất mạnh mẽ, và người tiêu dùng được hưởng lợi vì họ đã có nhiều lựa chọn hơn.

"Với Việt Nam, trước đây không có nhiều người biết đến du lịch Việt Nam nhưng bây giờ đã khác. Tôi đã bay đến TP.HCM, trên chuyến bay này có rất nhiều người Malaysia, Australia, Hàn Quốc...Thị trường Việt Nam rất có tiềm năng để tăng trưởng. Còn rất nhiều địa điểm đẹp nơi này mà nhiều người còn chưa biết tới. Đà Nẵng, Hội An và nhiều tỉnh thành đã bắt đầu phát triển, mở rộng nhiều sân bay mới. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn không chỉ cho riêng AirAsia mà còn cho nhiều hãng hàng không khác.", ông Tony Fernandes chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị CEO này cũng "hứa hẹn", khi AirAsia đi vào hoạt động thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi có thêm nhiều khách du lịch mới, được sử dụng hệ thống sản phẩm tốt, giá trị tốt, đội ngũ phi hành đoàn tận tình cùng các cón ăn ngon và hệ thống đặt vé online tốt. Bên cạnh đó AirAsia còn đóng vai trò lớn trong việc làm cho khu vực ASEAN trở nên gần hơn.

"Đối với chúng tôi, hàng không giá rẻ nghĩa là làm cho mọi thứ đơn giản và hiệu quả hơn. Chúng tôi muốn nhiều người được bay hơn và tiếp cận dễ dàng hơn với mọi thủ tục trong quá trình bay. Chúng tôi cũng muốn có visa điện tử để tránh việc phải chờ đợi. Đây là bước tiến về kinh doanh tiếp theo và cũng là mục tiêu của tôi với ý tưởng Một AirAsia.", ông Tony Fernandes nói.

Tiềm năng của lĩnh vực hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã trở nên rõ ràng, cũng đồng nghĩa với việc AirAsia được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước 2 đối thủ giá rẻ đang thống lĩnh thị trường Việt Nam là Vietjet và Jetstar do đã quá chậm chân trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam, theo nhận định của một chuyên gia. Tuy nhiên, với quyết tâm trở lại cùng những chiến lược phát triển mới, có tính cạnh tranh liệu tập đoàn hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới có "chiến thắng" ở Việt Nam hay lại nếm mùi thất bại?

Theo Nha Trang/Diễn đàn DN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/sau-3-lan-that-bai-vi-sao-ceo-airasia-van-quyet-tam-vao-viet-nam-193051/