Sau 20 năm, quy mô TTCK đạt 65% GDP

Chỉ với hai mã cổ phiếu ban đầu, sau 20 năm, TTCK đã có hơn 1.000 công ty niêm yết, với quy mô đạt 65% GDP và tổng giá trị vốn đã huy động đạt 2 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho UBCKNN và đánh giá: ”Đây là con số rất đáng khích lệ, khẳng định bước trưởng thành nhanh chóng của TTCK trong hệ thống tài chính của nước nhà”.

Huy động vốn hiệu quả cho ngân sách
Theo Báo cáo 20 năm của TTCK Việt Nam, thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng bình quân 31%/năm, được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3 và ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ. TTCK đã trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn cho ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn 2010-2015 huy động 795,830 tỷ đồng cho NSNN, tăng hơn 18 lần so với giai đoạn 2005-2010. Chiếm gần 94% tổng số vốn trái phiếu Chính phủ phát hành trong kỳ- đạt mức kỷ lục là 846.926 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng nhằm phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp
Tính đến năm 2016, các doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu huy động vốn qua TTCK đạt 380 nghìn tỷ đồng, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết thông qua TTCK đã tăng trưởng vượt bậc về quy mô vốn, có những doanh nghiệp qua TTCK đã tăng vốn 18-20 lần, những DN lớn nhất đã tăng vốn bình quân 60%/năm kể từ khi niêm yết đã giúp hình thành nên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Quy mô vốn hóa tăng vượt bậc
Từ mốc sơ khởi chỉ có hai doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay (tính đến tháng 11/2016), giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu là 1,79 triệu tỷ đồng, đạt gần 43% GDP (quy mô tăng 1.436 lần trong vòng 16 năm) và dư nợ thị trường trái phiếu đã đạt 24% GDP. Tính chung, giá trị thị trường chứng khoán đạt 65% GDP đã góp phần định hình hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ - tín dụng.

Thanh khoản cải thiện mạnh mẽ
Giá trị giao dịch tăng trưởng liên tục qua các năm. Trong 5 năm đầu (2000-2005), giá trị giao dịch bình quân chỉ là 55 tỷ đồng/phiên; trong 5 năm tiếp theo giá trị giao dịch bình quân là 1.300 tỷ đồng/phiên; đến giai đoạn 2011-2015, giá trị giao dịch đã đạt hơn 3.300 tỷ đồng/phiên (tăng gấp 2,5 lần giai đoạn trước). Đặc biệt, giá trị giao dịch bình quân trong những tháng đầu năm 2016 đạt 6.838 tỷ đồng/phiên, cao nhất từ trước đến nay.

TTCK Việt Nam ngày càng thu hút nhiều doanh lên niêm yết/đăng ký giao dịch, từ hai doanh nghiệp niêm yết năm 2000, đến nay (tháng 11/2016), đã có 691 công ty niêm yết trên hai Sở GDCK (tăng gấp gần 17 lần so với năm 2005); 373 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM. Qua đó đã giúp thu hẹp thị trường tự do, mở rộng phát triển thị trường có tổ chức nhằm tăng cường tính minh bạch, chuyên nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư.

Cùng với sự phát triển của thị trường, số lượng các công ty trung gian trên thị trường chứng khoán cũng tăng mạnh, đến nay, có 79 công ty chứng khoán và 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường trên thị trường sau quá trình tái cấu trúc. Cùng với sự lớn mạnh về số lượng và quy mô của các tổ chức trung gian, công tác quản lý nhà nước cũng được tăng cường, UBCKNN luôn chú trọng phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường. Năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho kinh doanh ngày càng được cải thiện. Cùng với việc triển khai giao dịch trực tuyến, các loại hình dịch vụ cung cấp trên thị trường ngày càng đa dạng và có chất lượng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy mô công ty chứng khoán tăng 100 lần
Từ chỗ chỉ có bảy công ty chứng khoán (CTCK) trong những ngày đầu tiên khai trương hoạt động của TTCK với quy mô vốn điều lệ thấp nhất là 6 tỷ đồng và cao nhất là 43 tỷ đồng, đến nay có 79 công ty chứng khoán đang hoạt động bình thường, trong đó có CTCK có vốn điều lệ hơn 4.200 tỷ đồng (tăng 100 lần so với thời gian đầu hoạt động).

Hiện tại có 43 công ty quản lý quỹ hoạt động bình thường với tổng số tài sản quản lý đạt hơn 146 nghìn tỷ đồng tăng 50% so với cuối năm 2010. Các công ty quản lý quỹ hiện đang quản lý 30 quỹ đầu tư chứng khoán với tổng tài sản ròng là 7,37 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18 quỹ mở, hai quỹ ETF, một quỹ đóng và tám quỹ thành viên, một quỹ đầu tư bất động sản.

Thu hút hơn 1,67 triệu nhà đầu tư
TTCK đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, từ 3.000 tài khoản năm 2000, đến tháng 10/2016 đã đạt hơn 1,67 triệu tài khoản, bao gồm 18.500 tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài tại các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ... giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển nhiều doanh nghiệp niêm yết thành các doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế và quảng bá hình ảnh kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các Công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư tích cực tham gia trên TTCK, góp phần dần hình thành một hệ thống các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế
TTCK đã thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bằng các cơ chế đấu giá minh bạch, hiện đại và gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả hoạt động và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Từ năm 2011-2015, đã có 438 DNNN được cổ phần hóa, giúp Chính phủ hoàn thành trên 81% kế hoạch tái cơ cấu DNNN và thu về hơn 28 nghìn tỷ đồng.

Với các công ty niêm yết sau cổ phần hóa trên TTCK, quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị được nâng cao, tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vốn đầu tư chủ sở hữu tăng khoảng 18%/năm, đã hình thành nên các tập đoàn doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vincom, Hòa Phát, Masan, Cơ điện lạnh - REE (có những doanh nghiệp năm 2000 lên niêm yết vốn chỉ có 10 tỷ đồng thì nay vốn chủ sở hữu đã lên gần 2.000 tỷ đồng). Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này tăng chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng huy động vốn trên TTCK. Cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các DNNN cổ phần hóa niêm yết đều hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận, bình quân tổng doanh thu tăng khoảng 6,5%/năm, lợi nhuận tăng khoảng 10%/năm.

Ngành chứng khoán đã đi đầu trong cả nước trong việc thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp từ những năm đầu thành lập TTCK và không ngừng hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế tại các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng; trở thành hình mẫu mở rộng và áp dụng cho các DNNN và các loại hình doanh nghiệp khác.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chungkhoan/chungkhoan-tinnganh/item/31400802-sau-20-nam-quy-mo-ttck-dat-65-gdp.html