Sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCLB: Cần chặn đứng nguy cơ 1 triệu dân miền Tây mất đất

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sinh sống của hơn 17 triệu người và là vùng canh tác nông nghiệp với sản lượng lúa chiếm trên 52% tổng sản lượng cả nước. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở ở vùng ĐBSCL mấy năm trở lại đây luôn trong tình trạng báo động. Các vụ sạt lở liên tiếp đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà của các cư dân miền Tây. Trong đó, 107 ngôi nhà tại An Giang vừa bị “biến mất” sẽ chưa phải là những ngôi nhà cuối cùng bị nhấn chìm, nếu con người không có những biện pháp căn cơ.

Hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: M.A

Giật mình mỗi năm ĐBSCL bị biển “nuốt” mất 500ha đất

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 23.4, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều phối mạng lưới sông ngòi Việt Nam khẳng định: Trong vấn đề sạt lở đất ở khu vực ĐBSCL, biến đổi khí hậu chưa phải là tác nhân chính, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn do thiên nhiên. Với những khu vực đã ổn định lâu dài, bỗng có hiện tượng sạt lở thì phải thấy một phần trách nhiệm của con người với những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Trong đó, phải tính đến các yếu tố chính: Thứ nhất, tốc độ quy hoạch các thành phố ven sông quá ồ ạt và thiếu thận trọng. Đối với những chân bờ sông yếu, việc chồng những ngôi nhà 3 - 4 tầng với trọng lượng hàng chục tấn đã khiến nền đất ở chân bờ sông bị quá tải. Thứ hai, các đập thủy điện từ thượng nguồn đã giữ lại phù sa, khiến lượng phù sa đến sông Mê Kông bị giảm sút. Thứ ba, là nạn khai thác cát ồ ạt tại khu vực này đã khiến các chân bờ sông bị xói mòn gây sạt lở.

Cũng theo TS Đào Trọng Tứ, ĐBSCL hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km. Hầu hết bờ biển của ĐBSCL đều bị xói lở với nhiều mức độ khác nhau. Nguyên nhân gây sạt lở có rất nhiều, trong đó đáng chú ý là nguyên nhân xuất phát từ yếu tố con người như: Chặt phá, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn bừa bãi, khai thác cát, sỏi trái phép, xây dựng các công trình không hợp lý, phát triển các hoạt động dân sinh, kinh tế biển không theo quy hoạch. Trong khi vùng bờ biển các tỉnh phía đông như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu lượng bồi đắp, lấn ra biển chỉ chiếm 22% diện tích, nhưng có đến 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui do bị biển lấn.

Riêng khu vực biển Tây thuộc vùng bán đảo Cà Mau hiện có tới 70% diện tích có chiều hướng thoái lui, trung bình 12,2m/năm. Đồng Tháp là một trong những “điểm nóng” về sạt lở ở ĐBSCL với 40 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Số liệu của ngành nông nghiệp cho biết, những năm gần đây, mỗi năm sạt lở đã “nuốt” đến 500ha đất của miền Tây. Dự báo đến năm 2050, có khoảng 1 triệu người ở miền Tây bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát trong những năm qua của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho thấy: Mực nước biển chỉ dâng 4mm nhưng việc khai thác nước ngầm ở ĐBSCL đã làm sụt lún từ 1 - 2cm đất. Điều này cho thấy tình trạng khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu làm trầm trọng thêm sự thâm hụt cán cân trầm tích. Việc khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún kéo theo mực nước biển dâng thực tế ngày càng nhanh hơn.

Còn theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, 50 năm qua, mức nước biển tại vùng ĐBSCL đã dâng cao 12cm.

Làm gì để cứu nguy cơ 1 triệu dân miền Tây mất đất?

PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) khẳng định: Với tốc độ khai thác hiện nay, cộng thêm việc Trung Quốc và Lào đang đẩy nhanh việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn, Thái Lan mở rộng các vùng tưới ở các tỉnh Đông Bắc, cả Campuchia và Việt Nam nạo vét cát ở vùng châu thổ thì có thể, chỉ vài trăm năm, hơn một nửa diện tích đất đai vùng châu thổ Cửu Long có thể bị biến khỏi bản đồ Việt Nam. Phải ngừng việc khai thác cát bừa bãi. Nếu cần phải nạo vét luồng lạch cho giao thông thủy thì khối lượng cát dư thừa phải được đổ bù vào các vùng bị sạt lở, xâm thực ven biển để tôn cao vùng bờ, dù phải chịu tốn kém nhưng rất cần thiết”.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cần phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Trong đó, biện pháp bảo vệ bờ biển bằng công trình cứng và sử dụng rừng ngập mặn giảm sóng, bảo vệ bờ biển là rất quan trọng. Bởi vì, các khu vực rừng ngập mặn có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất. Mặt khác, các lớp thảm thực vật cản sóng, lượng phù sa và mùn bã hữu cơ được tích lũy phù sa cùng mùn bã thực vật tại chỗ làm cho mặt đất được cố định và nâng cao.

Về giải pháp lâu dài, ông Tăng Quốc Chính - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT), cho rằng: Trước mắt cần chấm dứt ngay nạn “cát tặc”, chặt phá rừng, xây nhà trên các đoạn sông xung yếu… Mặt khác, cần tăng cường trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng chắn sóng, chống mặn ven biển, xây đê chắn sóng, kè hộ bờ… để hạn chế sạt lở xảy ra.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định: “Sạt lở ở ĐBSCL nguyên nhân chính là do quá trình phát triển thượng nguồn của dòng Mê Kông, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Để khắc phục tình trạng trên, cần phải có những biện pháp tổng hợp căn cơ. Trong đó, cần tập trung quản lý, nghiên cứu tác động của việc phát triển kinh tế - xã hội ven bờ, sinh kế của người dân hài hòa với tự nhiên và khôi phục vùng sạt lở, phát triển rừng ngập mặn”.

Ngày 23.4, Chủ tịch LĐLĐ An Giang Nguyễn Thiện Phú đã đến xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới - An Giang) trao 20 suất tiền hỗ trợ cho người dân bị mất nhà trong vụ sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hậu vào ngày 22.4. Trong đó trao tiền cho 16 hộ dân bị mất nhà do sạt lở với định mức là 1 triệu đồng/hộ. Riêng với 4 giáo viên là đoàn viên công đoàn có nhà bị ảnh hưởng do sạt lở, được hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp. Trong đó, gồm: 2 triệu từ nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn của LĐLĐ tỉnh, 1 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm kinh phí hoạt động thường xuyên của LĐLĐ huyện Chợ Mới. LỤC TÙNG

Các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, tỉnh sẽ lập phương án bố trí, sắp xếp bà con vào cụm tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho biết, trước thời điểm xảy ra sạt lở, hai ngày nay đã xuất hiện những vết nứt, chạy dài theo đường liên xã Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới. Tỉnh đã chỉ đạo địa phương chủ động di dời tất cả đồ đạc, tài sản của những hộ nằm trong vùng sạt lở. Tuy nhiên, đến khoảng 9h20 ngày 22.4 thì xảy ra sạt lở. Hiện tại, còn 40 hộ nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm đang tiếp tục được di dời. Tỉnh cũng phân công lực lượng túc trực 24/24h nhằm hướng, cảnh báo người dân di chuyển vào vùng sạt lở. Trước mắt, tỉnh An Giang và huyện Chợ Mới đã xuất ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ bị mất nhà; vận động tìm chỗ ở tạm cho những hộ bị mất nhà nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con nhân dân. Về lâu dài, tỉnh sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ bà con bị thiệt hại về nhà vào ở tại các khu dân cư trên địa bàn xã nếu bà con có nhu cầu; riêng các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, tỉnh sẽ lập phương án bố trí, sắp xếp bà con vào cụm tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông nhằm giúp bà con sớm ổn định chỗ ở, an tâm sản xuất. T.C.A

KIM KHÁNH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/sat-lo-nghiem-trong-o-dbsclb-can-chan-dung-nguy-co-1-trieu-dan-mien-tay-mat-dat-658560.bld