Sát hại rừng thông để... trồng cà phê

NNVN đã từng lên tiếng khi hơn 400ha rừng thông cảnh quan thuộc huyện Đăk Đoa (Gia Lai)- nơi có tên gọi “Công viên đồi thông Mang Yang” bị đồng bào xâm lấn dữ dội để trồng cà phê, làm nhà ở (số 138, ngày 13/7). Nhưng những gì đang tiếp tục diễn ra với "lá phổi xanh" Đăk Đoa buộc chúng tôi lại phải lên tiếng…

Trong 2 năm 1976- 1977, huyện Mang Yang (nay thuộc huyện Đăk Đoa) đã huy động lực lượng cán bộ, công chức và nhân dân- kết hợp với một đội công nhân của Ty Lâm nghiệp (nay là Sở NN- PTNT) về huyện trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc sau chiến tranh. Rừng thông Đăk Đoa bắt đầu hình thành từ đây với hơn 400ha, trải dài từ thị trấn Đăk Đoa đến các xã Glar, Tân Bình, xã Trang. Sau nhiều năm ra công trồng, chăm sóc và bảo vệ, màu xanh của thông đã dần phủ xanh vùng đồi mà một thời đã từng bị bom cày đạn xới. Khác với những rừng thông dọc quốc lộ 19 với thân cây thẳng, to, vươn cao tít tắp (thường để lấy gỗ, lấy nhựa), rừng thông Đăk Đoa (hiện tại hơn 30 năm tuổi) có thân cây vừa phải, uốn cong thành “chi”, “thế” như một rừng bonsai rộng lớn, phía dưới là một thảm cỏ dày, xanh mướt. Ngoài ra, rừng thông này còn có vai trò phòng hộ, là “lá phổi xanh” cho cả một vùng rộng lớn. Đã từ lâu, nơi đây đã trở thành khu vui chơi giải trí, nơi cắm trại lý tưởng cho học sinh, sinh viên và thanh- thiếu niên của huyện, của các vùng lân cận. Tuy nhiên hiện rừng thông này đã bị sự xâm lấn dữ dội của đồng bào để lấy đất trồng cà phê, làm nhà ở… Tại thị trấn Đăk Đoa, từ quốc lộ 19 rẽ phải vào con đường nhựa đi các xã Glar, Ia Dơk…dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi nhà- kiên cố có, tạm bợ có- nằm ven đường. Đi sâu vào lõi rừng là rất nhiều những ngôi nhà mới làm tạm bợ, những vườn cà phê không quá 2 năm tuổi èo uột vì thiếu nước tưới, thiếu sự chăm sóc đúng mức. Thậm chí có nơi, nhiều gốc thông bị chặt đổ chưa kịp thu dọn, vết chặt nham nhở còn rỉ nhựa tươi rói, bên cạnh là bãi đất rộng vừa được “khai hoang”, đang đào hố để trồng cà phê trong mùa mưa này… Rừng thông đẹp là vậy mà nay bị chặt phá, đào bới nham nhở. Chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà còn mở cửa. Gọi là nhà nhưng thực ra, đây chỉ là ngôi lán tạm bợ không quá mười mét vuông mái lợp tôn, xung quanh che chắn tạm bợ. Chủ nhà là một thanh niên người BahNar tên Khân. Anh ta thật thà: “Em ở làng H’lâm (thuộc xã Glar, đối diện bên kia đường), lấy vợ được mấy năm nhưng làng cũ thiếu đất, vợ chồng em sang đây chặt thông lấy đất trồng cà phê và làm nhà ở”. Vợ chồng Khân sang đây đã được hai năm, đã kịp “khai hoang” hơn hai sào thông để trồng cà phê. Cái giếng sâu 28m vẫn không đủ nước tưới nên cây cà phê khẳng khiu, héo quắt. Khân cho biết thêm: Đi sâu vào giữa rừng thông có khoảng trên năm mươi căn nhà như nhà của mình, tất cả đều…chặt thông để lấy đất trồng cà phê. Chủ tịch UBND xã Glar- ông Brôn Yên, cho biết: Ngay từ khoảng năm 1996, đã có những hộ đầu tiên đi “tiên phong” vào phá rừng thông để trồng cà phê và làm nhà ở. Ban đầu là một vài hộ, mười hộ, cho đến bây giờ thì…nhiều vô kể! Người dân vào đây chặt thông để trồng cà phê, mục đích chính là lấn chiếm đất trái phép để dành, rất ít người có nhu cầu thực sự làm nhà ở trong này. Chính vì vậy mà họ không tha thiết đến việc chăm sóc vườn cà phê hay đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố. Ngoài việc chặt thông, lấn đất, nhiều đối tượng còn “săn” những cây thông có dáng đẹp, đào cả gốc, di thực đem đi bán cho những người có “ý tưởng” mang rừng về nhà. Có những cây thông đẹp được mua với giá hàng mấy triệu đồng. Đã có rất nhiều lần, xã phối hợp với kiểm lâm huyện, tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động, mời dân về làng cũ để giữ rừng thông, để “sau này con cháu mình còn có nơi vui chơi, sinh hoạt”, nhưng rừng thông ngày một mất nhiều hơn. Điều khó hiểu là có rất nhiều hộ lấn chiếm rừng thông lại được chính quyền địa phương xác nhận khai hoang, xác nhận cho sang nhượng hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Lê Viết Phẩm- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa cho biết: Năm 2005, huyện đề nghị cho quy hoạch Khu Công nghiệp Bắc Glar với diện tích 25ha, tuy nhiên tỉnh không đồng ý vì tiếc rừng thông đẹp. Còn hiện tại, rừng thông này đã bị dân lấn chiếm đến gần 100ha. Theo thống kê của huyện thì đã có 261 hộ tự ý lấn chiếm rừng thông. Trong các địa phương của huyện Đăk Đoa có dân lấn chiếm rừng thông này thì xã Glar là “đơn vị dẫn đầu” với 126 hộ tham gia. Điều khó hiểu là có rất nhiều hộ đã được chính quyền địa phương xác nhận khai hoang, xác nhận cho sang nhượng hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc dân lấn rừng, chặt thông trái phép đã nhiều lần được nêu ra trong các cuộc họp. Mới đây, huyện và tỉnh đã chính thức đưa ra hướng xử lý nhằm cứu lấy cánh rừng này. Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Đức Hoàng- Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa đã đưa ra một số kết luận như: Với những đối tượng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy xác nhận khai hoang, giấy tờ sang nhượng…phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại thủ tục hồ sơ đề xuất giải quyết đúng quy định; với những đối tượng phá rừng trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện phải tiến hành rà soát, củng cố hồ sơ tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định; với 129 đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, cần củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của Luật Đất đai… Ông Lê Viết Phẩm cho biết: Có thể huyện sẽ tiến hành khoanh vùng cụ thể diện tích còn lại của rừng thông để từ đó, công tác quản lý được dễ dàng hơn, việc xử phạt những đối tượng vi phạm cũng sẽ kiên quyết và thấu tình đạt lý hơn. Hy vọng với những biện pháp cứng rắn trên, rừng thông cảnh quan- Công viên Đồi thông Mang Yang sẽ không còn đứng trước nguy cơ…biến thành vườn cà phê.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/24/24/36930/default.aspx