Sáp nhập TTGDTX Hà Tây: Sai tại sao lại không sửa?

Trước việc UBND thành phố Hà Nội sáp nhập TTGDTX Hà Tây sai quy định, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định phải khôi phục lại hiện trạng cho Trung tâm này.

Ngày 21/11/2016 văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có công văn số 11060/VP-NC nêu ý kiến của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý gửi Sở Nội vụ, Trung tâm GDTX Hà Tây, Trung tâm GDTX Đông Anh với nội dung: “Đồng ý với đề xuất của Sở Nội vụ tại công văn số 2699/SNV-TCBC ngày 04/11/2016. Sở Nội vu, Sở GD&ĐT, Trung tâm GDTX Hà Tây, TTGDTX Đông Anh thực hiện nghiêm Quyết định số 5399/QĐ-UBND ngày 28/9/2016 ”. Tức là Trung tâm GDTX Hà Tây (cấp tỉnh, thành phố) vẫn bị sáp nhập về cấp quận, huyện.

Trung tâm GDTX Hà Tây.

Điều đáng chú ý, ngày 23/11/2016 tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm đang tiếp tục có những kiến nghị gửi lên Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và Lãnh đạo các cơ quan chức năng thành phố và Trung ương, các cơ quan hữu quan và báo chí đang lên tiếng ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng Trung tâm GDTX cấp tỉnh (thành phố) vẫn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng vội vàng chỉ đạo ngay việc tổ chức “Hội nghị tiếp nhận Trung tâm GDTX Hà Tây và Trung tâm GDTX Đông Anh” bàn giao về cấp huyện vào 10h00 phút ngày 25/11/2016. Trung tâm mới nhận được giấy mời bàn giao 16h40 phút ngày 24/11/2016. Một lãnh đạo Trung tâm cho biết: “Thời gian quá ngắn ngủi có mấy giờ đồng hồ, khối lượng bàn giao lớn chúng tôi không thể chuẩn bị kịp, và đúng như thực tế chúng tôi đã không thể bàn giao hoàn toàn trong ngày 25/11”.

Hiện nay Trung tâm GDTX Hà Tây và Trung tâm GDTX Đông Anh có gần 1.500 sinh viên đang theo học hệ Đại học hệ không chính quy (tại chức, từ xa), có lớp đặt tại trung tâm, có lớp đặt tại các huyện rất xa như Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ... Cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và ngay cả các trường đại học liên kết đào tạo rất băn khoăn, lo lắng không giấu nổi sự nuối tiếc cùng những giọt nước mắt cay đắng. Sau khi có quyết định sáp nhập này số phận của các sinh viên không biết sẽ đi đâu về đâu. Lãnh đạo nhà trường băn khoăn: “Hiện tại, sinh viên, cán bộ, giáo viên và đối tác liên kết là các trường đại học đang rất hoang mang, nếu tiếp tục học thì sẽ vi phạm luật Giáo dục. Nhưng nếu không đào tạo nữa thì số phận những sinh viên này sẽ đi về đâu?”.

Trao đổi với PV, một cán bộ trong trường Học viện Quản lý giáo dục nêu quan điểm: “Như vậy là lãnh đạo TP. Hà Nội đã cố tình xóa đi một ngành học GDTX cấp tỉnh (TP) trong hệ thống giáo dục Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là quyết định hoàn toàn sai trái với Luật Giáo dục, nghị định của Chính phủ (trong khi đó cả nước vẫn tồn tại Trung tâm GDTX cấp tỉnh (thành phố); ở TP Hồ Chí Minh có tới 06 Trung tâm GDTX cấp tỉnh, thành phố. Không có trung tâm cấp tỉnh thì làm sao có trung tâm cấp huyện?”.

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc này không đúng nhưng tại sao lãnh đạo thành phố lại không kịp thời sửa để gây hoang mang trong dư luận.

Bà Lê Thị Loan – nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục – HV Quản lý Giáo dục. Ảnh infonet

Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Loan – nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục – HV Quản lý Giáo dục cho rằng: “Tất cả các tỉnh đều phải có TTGDTX cấp tỉnh. Các trung tâm này phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân trong tỉnh đó. Việc UBND thành phố Hà Nội sáp nhập TTGDTX Hà Tây từ cấp tỉnh (thành phố) xuống cấp quận (huyện) là sai với luật Giáo dục. Vậy, TP. Hà Nội phải có nhiệm vụ khôi phục chức năng lại cho TTGDTX Hà Tây theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”.

Công Luân

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/sap-nhap-ttgdtx-ha-tay-sai-tai-sao-lai-khong-sua-a307735.html