Sáp nhập các TTDN, TTGDTX tại Nghệ An: Nhu cầu lớn, triển khai chậm

GD&TĐ - Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề (TTDN), trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp bắt đầu được tỉnh Nghệ An triển khai từ đầu năm 2015. Thế nhưng, sau một năm thực hiện, việc sáp nhập này vẫn còn rất chậm so với yêu cầu.

Nhu cầu sáp nhập lớn

Tại TTDN huyện Quế Phong, dãy nhà 2 tầng với hệ thống nhà xưởng thực hành các môn may, hàn xì, mộc, sửa chữa điện tử, điện dân dụng, vi tính nhưng vắng HS. Mỗi năm trung tâm chỉ tổ chức vỏn vẹn 1 đến 2 lớp dạy nghề may là chính. Trang thiết bị tại trung tâm cũng dần xuống cấp theo thời gian.

Ông Lê Văn Quê – Giám đốc Trung tâm - cho biết: Trung tâm cũng thực hiện đưa trực tiếp máy móc xuống tận cơ sở để mở lớp dạy nghề lưu động, nhưng do phong tục, tập quán của địa phương là chỉ thích vào rừng, lên rẫy tìm cái gì có thể ăn liền, bán liền chứ không thích đi học nên việc mở lớp cũng rất hạn chế.

TTDN huyện Anh Sơn cũng có cơ sở vật chất kiên cố, đội ngũ cán bộ giáo viên 10 người nhưng nhiều năm nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Trung tâm chủ yếu đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn từ nguồn kinh phí của đề án đào tạo nghề nông thôn 1956 và một vài lớp đào tạo dưới hình thức liên kết. Công tác phân luồng HS sau THCS và THPT đã có chuyển biến, nhưng TTDN huyện lại không thu hút được số HS này.

Cùng trên địa bàn, TTGDTX huyện Anh Sơn hiện đang có 5 lớp gồm 2 lớp 10, 2 lớp 11 và 1 lớp 12. Theo ông Bùi Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm, trong điều kiện hiện nay, việc TTGDTX huyện mở được 5 lớp cho đối tượng HS phổ thông là khá thành công.

Tuy nhiên, để vừa tổ chức dạy học, vừa tổ chức dạy nghề, trung tâm không đảm nhiệm được hết mà phải phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Đức về để giảng dạy. Trang thiết bị thực hành cũng phải chuyển từ Vinh lên, khá phức tạp.

Tình trạng các TTDN được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không thu hút HS là thực tế tại nhiều huyện khác như huyện Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, gây nên tình trạng lãng phí, thiếu hiệu quả.

Với những bất cập trên, theo ông Đặng Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn: Việc sáp nhập TTDN và TTGDTX là cần thiết, nhằm mục đích phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị và sử dụng được tối đa năng lực hiện có hiện nay.

Bên cạnh đó, lâu nay nhiệm vụ của hai đơn vị có phần chồng chéo. Nếu sáp nhập sẽ dẫn tránh được việc cạnh tranh không lành mạnh trong công tác tuyển sinh.

Cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các đơn vị

Chủ trương sáp nhập các TTDN và TTGDTX được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV và Văn bản số 4156/UBND – TH của UBND tỉnh Nghệ An.

Nhưng, quá trình triển khai còn rất chậm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có 2/12 địa phương đã thực hiện sáp nhập các trung tâm, đó là huyện Tân Kỳ và Quỳ Châu.

Ông Đặng Xuân Quang nói về điều này: Đây là một nhiệm vụ mới, chưa có trong tiền lệ nên quá trình triển khai thực hiện quy trình thủ tục phải thực sự cân nhắc, thận trọng.

Trong đó, việc xây dựng được các phương án xử lý các vấn đề về nhân sự, tài chính, tài sản, một số hợp đồng lao động do các trung tâm ký... vẫn đang là bài toán khó cho UBND huyện trong quá trình xây dựng.

Huyện Thanh Chương hiện có 3 trung tâm cần sáp nhập (TTGDTX, TTDN và Trung tâm Hướng nghiệp). Ông Trình Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết: Về chủ trương, huyện đồng tình với việc sáp nhập và đã hoàn thành dự thảo, vì đây là một xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững.

Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập các trung tâm sẽ chuyển về trụ sở của TTDN. Huyện cũng sẽ giữ lại cơ sở của TTGDTX để dạy học cho đối tượng phổ thông.

Số cán bộ, không tiếp tục làm quản lý sẽ sắp xếp làm tổ trưởng. Huyện cũng đã có ý kiến gửi Sở GD&ĐT về trường hợp hai giáo viên hợp đồng do Sở ký. Những trường hợp hợp đồng của các trung tâm trong điều kiện hiện nay nếu không cần thiết thì buộc phải nghỉ.

Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình sáp nhập nếu không có sự phối hợp của các ngành liên quan thì không hiệu quả. Cụ thể, các TTGDTX là chịu sự quản lý của Sở GD&ĐT, còn các TTDN lại chịu sự quản lý của các huyện. Vậy sau khi sáp nhập, hoạt động của các trung tâm sẽ như thế nào, vấn đề chuyên môn ai sẽ là đơn vị quản lý?

Mặt khác, mỗi trung tâm đều có một giám đốc và từ một đến hai phó giám đốc. Sau khi sáp nhập sử dụng cán bộ thế nào là vấn đề cần cân nhắc.

Lâu nay, ở các TTGDTX, việc dạy nghề cho HS đều đang theo trình độ trung cấp. Nếu sáp nhập với TTDN và các trung tâm chỉ có chức năng dạy nghề trình độ sơ cấp thì hiệu quả dạy nghề có bị ảnh hưởng và việc bố trí giáo viên như thế nào cho hợp lý. Những vấn đề nảy sinh này khiến việc sáp nhập các trung tâm tại địa phương chậm tiến độ.

Ông Hoàng Xuân Tuyến, Phó Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An chia sẻ: Việc sáp nhập các trung tâm phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT nghề nghiệp và hướng nghiệp của địa phương; đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp và tổ chức thực hiện các chương trình GDTX trên địa bàn cấp huyện, đảm bảo quyền lợi của viên chức, giáo viên và nhân viên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/sap-nhap-cac-ttdn-ttgdtx-tai-nghe-an-nhu-cau-lon-trien-khai-cham-2568269-b.html