Sáp nhập ba sở thành một: Mất hai chức Giám đốc thì...

Việc sáp nhập làm người ta dễ có tâm lý rằng vị thế của mình bị giảm đi vì vị trí lãnh đạo từ hai người giờ chỉ còn một.

Đổi mới mạnh mẽ

Theo dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ kiến nghị hợp nhất một số sở lại với nhau để tăng hiệu quả quản lý.

Theo đó, Sở KH-ĐT sẽ hợp nhất với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch – Tài chính; Sở Xây dựng hợp nhấtvới Sở GTVT thành một; riêng Hà Nội và TPHCM sẽ hợp nhất thêm Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào thành Sở Hạ tầng và phát triển đô thị (hoặc Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị).

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

PGS.TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia đánh giá, việc xây dựng dự thảo đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ của Bộ Nội vụ. Trước đó, dự thảo đã được lấy ý kiến của các địa phương, nhiều nơi đã có ý kiến phản hồi và đến nay Bộ mới công bố.

Ngoài ra, việc quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố là việc làm bình thường và thường xuyên của Chính phủ sau khi Quốc hội bầu ra Chính phủ mới.

Cụ thể, sau khi Quốc hội bầu ra các khóa của Chính phủ, Chính phủ đều có các nghị định đề xuất cơ cấu bộ máy ở cấp tỉnh và cấp huyện, gọi là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Nghị định lần này là nghị định mới thay thế nghị định cũ do Chính phủ đưa ra.

"Mục tiêu chủ đạo của việc làm này là xây dựng được các đơn vị hành chính (Bộ, cơ quan ở địa phương) phải đa ngành, đa lĩnh vực, với quan điểm thu gọn đầu mối, làm cho bộ máy tinh gọn, tăng hiệu lực, hiệu quả.

Mặt khác, không phải cứ trên có đơn vị nào thì ở dưới có đơn vị đó, vấn đề chính là anh phải làm đúng, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thông thường, người ta cứ hy vọng bộ máy sẽ ổn định và ổn định là tốt, nhưng nhiều khi bộ máy ấy không đáp ứng được sự thay đổi và nhu cầu của thực tiễn. Chính vì thế mới dẫn tới sự đổi mới lần này", PGS.TS Ngô Thành Can cho biết.

Vị chuyên gia về hành chính công đánh giá, một trong những ưu điểm được đánh giá cao của đề xuất sáp nhập một số sở là nó sẽ làm tăng thêm sự lựa chọn quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc lập thêm những sở cần thiết.

"Trước đây bao giờ cũng có sở "cứng" và sở "mềm", trong đó sở "mềm" không nhiều, chẳng hạn Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch.... Nhưng lần này, nhóm "cứng" có 12 đơn vị và nhóm "mềm" có 6-7 đơn vị. Nếu chỗ nào cần thiết, ví dụ nơi nào nông thôn mạnh có Sở Nông thôn, có dân tộc thì lập Ban dân tộc... nghĩa là tăng thêm quyền hạn cho địa phương tùy thuộc vào điều kiện của mình để có thể lập đơn vị đó hay không", ông lý giải.

Cũng theo PGS.TS Ngô Thành Can, việc sáp nhập chắc chắn sẽ gây xôn xao, nhất là đối với những người có liên quan vì nó dẫn tới sự thay đổi, còn với đa phần, với mục tiêu bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, làm sao tiết kiệm sức người sức của, phương án sáp nhập của Bộ Nội vụ được đánh giá cao và có tính khả thi.

Rào cản tâm lý

PGS.TS Ngô Thành Can chỉ ra những khó khăn khi sáp nhập một số sở theo đề xuất của Bộ Nội vụ. Theo đó, khi sáp nhập hai bộ máy vốn hoạt động riêng vào nhau, phải đảm bảo tính ổn định và hoạt động thường xuyên. Đây là điều quan trọng nhất để bộ máy hoạt động êm và tốt.

"Đặc biệt, khi sáp nhập một số sở vào nhau, đối với lãnh đạo, trước đây vốn 2 người giờ chỉ còn 1 người, đặc biệt đối với người đứng đầu, những người vừa được bầu làm thành viên ủy ban, giờ sáp nhập 2 người là thành viên ủy ban giờ chỉ còn 1. Đó là vấn đề về tâm lý, sắp xếp lại cán bộ nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Anh không làm trưởng nữa thì bố trí nơi nọ nơi kia hoặc được lưu lại chế độ trong vòng 6 tháng, kể cả cấp phòng, cấp sở.

Đây là những cái thuộc về sắp xếp chung, khi tiến hành sáp nhập bộ máy, Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan phải theo sát các địa phương và đề xuất địa phương chọn sở nào, sở mềm nên làm thế này, thế kia, phải có thúc đẩy, theo dõi thì mới đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động chung của địa phương, vừa đảm bảo tính đa dạng của địa phương", PGS Can nhấn mạnh.

"Một mâm cơm, 5 bộ quản" sao hiệu quả?

Trước băn khoăn chuyện "Một mâm cơm, 5 bộ quản" nhưng quản lý không hiệu quả, không có ai chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm trở thành trách nhiệm tập thể, PGS.TS Ngô Thành Can dẫn một ví dụ như một minh chứng tương tự cho câu chuyện gây bức xúc này.

"Ở một thành phố nọ có xây một tòa nhà lớn, sau khi xây xong có ý kiến tòa nhà cao quá, sai với thiết kế, phải cắt bỏ phần sai với thiết kế. Đã có chỉ đạo làm việc này và nhiều đơn vị vào giải quyết nhưng nhiều năm vẫn chưa giải quyết được.

Tôi nhớ có lần người đứng đầu của cơ quan hành pháp đến xem xét để giải quyết đã phải thốt lên rằng: hiệu quả quản lý nhà nước rất kém. Ở đây đúng là người ta phân chia trách nhiệm không rõ ràng nên có thể đùn đẩy được", ông nói.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sap-nhap-ba-so-thanh-mot-mat-hai-chuc-giam-doc-thi-3331984/