Sập mỏ than, mạng sống đang bị coi nhẹ?

- Theo người dân địa phương, mất an toàn lao động tại khai trường than Phấn Mễ đã được đặt ra từ rất lâu nhưng không được quan tâm đúng mức. Chỉ khi xảy ra sự cố, phải trả giá bằng những mạng sống oan uổng, thì tất cả đã là quá muộn.

Sạt lở hàng nghìn m3 đất đá, 7 người chết và mất tích

5 người vẫn bị vùi trong đất đá

Đến 14h chiều nay (17/4), 5 nạn nhân trong vụ sạt lở tại xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa được tìm thấy. Theo thống kê ban đầu, hàng triệu mét khối đất đá, đổ xuống đã vùi lấp và phá hủy 14 nhà dân, trong đó 10 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Một người tử vong trong vụ này là cụ Vũ Thị Hồng (SN 1935), 1 cụ ông hiện vẫn đang trong cơn nguy kịch. 5 người khác vẫn đang nằm trong đống đất đá. Trong số 5 người bị mất tích này thì có 4 người trong cùng một gia đình.

Tìm kiếm 5 nạn nhân còn lại (Ảnh: VietNamNet)

Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 4 giờ sáng ngày 15/4 tại khu vực đổ đất đá thải của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên). Nguyên nhân của vụ sập hầm mỏ đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, báo động về mất an toàn lao động tại khai trường than Phấn Mễ đã được đặt ra từ rất lâu.

Bãi thải mỏ than Phấn Mễ có từ hàng chục năm nay, lượng đất đá chất cao trên diện tích nhiều hecta. Bãi thải này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng người dân. Trước nguy cơ núi đất đá đổ sập xuống bất ngờ, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên Công ty Gang thép Thái Nguyên và chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết triệt để.

Trước khi vụ sập mỏ than này xảy ra, vào sáng 15/4/2012, mỏ than Phấn Mễ đã từng xảy ra vụ nổ hầm lò tương tự, làm 1 công nhân tử vong tại chỗ và nhiều người khác bị thương. Nỗi bàng hoàng vẫn hiện lên gương mặt của những người dân ở xã Phục Linh khi 5 nạn nhân vẫn còn trong đống đổ nát. Không ít người dân đã phải tự hỏi: liệu có phải tính mạng con người đang bị coi nhẹ khi nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền đã thờ ơ?

Trước đó, vào tháng 5/2011, tại Cao Bằng, cũng xảy ra vụ sạt lở bãi thải 1 của mỏ quặng sắt Nà Lũng, thuộc Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng, làm 2 người dân bị tử vong. 2 nạn nhân là Lương Thị Quy (SN 1985) và Nhâm Thị Linh (SN 1977) trú tại xã Chu Trinh, thị xã Cao Bằng.

Nước mắt người thân trong vụ sập bãi thải ở Cao Bằng (Ảnh: Văn hóa Online)

Theo các nhân chứng, khi xảy ra vụ sạt lở, bãi quặng có nhiều người dân đang đi đào bới, mót quặng để bán, một số người đã kịp thời chạy thoát. Cả một vạt đồi ập xuống, vùi lấp hai người đi mót quặng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng hỗ trợ mỗi nạn nhân 3 triệu đồng nhưng nỗi đau mất người thân vẫn không thể nào vơi bớt với những người còn sống.

2 năm 2 vụ sập mỏ than Khe Bố

Trước đó, cũng có nhiều vụ sập mỏ than gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản. Đó là vụ sập mỏ than tại huyện Tương Dương, Nghệ An vào tháng 5/2009 làm 4 người chết và bị thương.

Vụ việc xảy ra vào lúc 3 giờ ngày 18/5, tại mỏ than Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương). Trong lúc một số công nhân của Công ty Cổ phần than Khe Bố đang khai thác ở độ sâu gần 100m thì một khối lượng lớn than từ nóc hầm đổ xuống.

Theo Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương, Kha Đình Phê, nguyên nhân của vụ sập mỏ là do trời mưa to đã khiến một khối lượng lớn than từ nóc hầm bị đổ xuống do bị ngấm nước mưa, lấp cửa hầm mỏ.

Năm 2008, tại khu vực mỏ than Khe Bố cũng đã xảy ra vụ tai nạn sập hầm lò làm chết 1 người. Những người dân tại địa phương cho biết, vì không có công ăn việc làm họ đã xin vào làm công nhân tại các mỏ than để mưu sinh.

Nhưng khi được hỏi về kiến thức ứng phó lúc xảy ra sự cố hay độ an toàn trong lao động thì tất cả đều lúng túng. Họ phải làm việc với sự nguy hiểm lơ lửng trên đầu khi vấn đề an toàn lao động chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức.

8 công nhân bị vùi trong vụ sập mỏ than

Vào năm 2008, một vụ sập mỏ than cũng làm dư luận cả nước kinh hoàng khi 8 công nhân bị vùi trong hầm lò. Tai nạn xảy ra vào sáng 10/8/2008, tại Phân xưởng khai thác 7, khu vực Tây Khe Sim, Xí nghiệp Than Khe Tam, Công ty Than Hạ Long (thị xã Cẩm Phả).

Trong lúc kíp công nhân gồm 17 người đang làm nhiệm vụ bơm nước ở lò ngầm và thu dọn thiết bị thì hầm lò bị sụp xuống, chín người may mắn chạy thoát, tám người còn lại bị mắc kẹt trong hầm. Sau đó, các nạn nhân đã được đưa ra ngoài an toàn.

Nguyên nhân vụ sập mỏ này, cũng như ở mỏ than Khe Bố, do mưa lớn dẫn đến sụp hầm, gây ra tai nạn.

Liên quan đến nhiều vụ tai nạn sập hầm lò khai thác than liên tiếp, vào tháng 10/2011, lực lượng chức năng thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã huy động máy móc, phương tiện tổ chức triệt phá, đánh sập gần chục hầm lò khai thác than trái phép ở phường Cao Xanh, mà nhiều người dân cho là nguyên nhân gây ra các vụ sụt lún đất bất thường trong thời gian qua.

Chỉ trong một khu dân cư nhỏ ở khu 5, phường Cao Xanh đã có 6 hầm lò khai thác than trái phép, hoạt động công khai giữa ban ngày được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Nhiều hầm lò được ngụy trang kín đáo, xây tường bao và phủ kín bạt.

Nhiều chủ lò còn đầu tư cả máy xúc, máy phát điện loại nhỏ phục vụ hoạt động khai thác than trái phép. Các chủ lò khai thác than trái phép này đã vì cái lợi trước mắt mà nhẫn tâm, bất chấp sự an toàn những người dân địa phương.

Quảng Ninh: Sập nóc lò than, 3 người tử nạn

Vụ sập nóc lò xảy ra vào khoảng 19h ngày 13/8/2010 tại khai trường khai thác than số 2 thuộc Công ty Than Mông Dương (TX Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng được đánh giá là một trong những vụ tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng. Vụ tai nạn đã khiến 4 người thương vong.

Hiện trường vụ sập nóc lò (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ba nạn nhân là Nguyễn Thanh Bình (SN 1972) là Phó quản đốc cùng 2 thợ lò Ngô Văn Đấu (SN 1983), Nguyễn Văn Đoàn (SN 1985) tử nạn. Đoàn cứu hộ đã cứu được 1 công nhân tên là Nguyễn Văn Việt (SN 1988) bị kẹt trong đống đất đá.

May mắn thoát chết, công nhân Nguyễn Văn Việt cho biết, khi hầm lò sập xuống, một tấm lưới thép đã chụp lên người nên ra tạo khe hở, giúp anh không bị ngạt khi nằm giữa đống đất đổ nát khổng lồ.

Một độc giả ở Thanh Hóa đã chia sẻ: “Dường như sự sống và cái chết ở đây quá mong manh. Anh Việt thoát chết nhờ tấm lưới thép, thế còn nhiều công nhân đang làm tại các mỏ than khác nhau, liệu họ có may mắn được như anh Việt?”.

Độc giả Ngân Thương (Hà Nội) cũng nhấn mạnh: “Rõ ràng, tình trạng an toàn của người dân sống xung quanh khu vực khai thác than hay công nhân trực tiếp làm việc trong các hầm mỏ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đến lúc nào mới có thể giảm bớt được các tai nạn, những nỗi đau mà người thân các nạn nhân phải gánh chịu”.

Lê Minh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/68517/sap-mo-than--mang-song-dang-bi-coi-nhe-.html