Sập, lún là do ăn cắp!

Điều nhỡn tiền khắp cả nước là nhiều cầu và đường bộ cứ mới xây dựng xong, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng.

Cầu thì đổ sập, đường thì sụt lún. Có nơi thì nói do thiên tai, thời tiết; có nơi thì đổ cho xe quá tải qua lại nhiều. Nhưng có một nguyên nhân sâu xa là chất lượng công trình kém, ăn bớt vật tư, nguyên liệu. Nói tóm lại là do ăn cắp mà ra.

Cầu Vĩnh Bình, Long An

Cầu Vĩnh Bình, Long An

Ngày 5-6 vừa qua, cầu Ô Rô gồm 5 nhịp, dài hơn 84m, thuộc Dự án đường ôtô đến trung tâm Đất Mũi, Cà Mau mới thông xe đầu năm đã bị sập 2 nhịp dài hơn 30m. May mà cầu sập vào giữa đêm khuya nên không có người chết.

Cây cầu làm hết hơn 6 tỉ đồng mà đi được mấy tháng, lại còn chưa nghiệm thu đã đổ sập. Chủ đầu tư công trình cầu Ô Rô là UBND huyện Ngọc Hiển, đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Xây dựng Sử Thành Phú (Cà Mau), đơn vị giám sát thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng An Phú.

Nguyên nhân sập cầu là do sụp đất, cầu gần cửa biển, sông sâu 18-20m, dòng nước chảy xiết. Khi xây dựng, các mố cầu được làm quá sơ sài nên xảy ra sự cố. Hiện chân cầu còn lại cũng có hiện tượng đất sụt lún.

Lại có cây cầu khánh thành được 14 ngày đã bị sập. Đó là cầu Vĩnh Bình bắc qua kênh 28 trên tỉnh lộ 831, thuộc địa phận xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An.

Không mấy tháng là không có cầu gãy hoặc sụt lún, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân khi tham gia giao thông. Còn đường sụt lún thì cũng không hiếm; từ quốc lộ đến tỉnh lộ, từ đường cao tốc đến đường nông thôn.

Có những con đường khánh thành rất long trọng, nhìn đẹp như tranh nhưng chỉ vài tháng sau đã hằn rõ những vệt bánh xe hoặc mặt đường bị chảy nhựa. Lại vá chằng vá đụp loang lổ, nhìn nhức mắt.

Ngay giữa TP Hồ Chí Minh, đường Trường Sa, phường 14, quận Phú Nhuận đang có một mảng đường lớn bị nứt toác, sụt xuống khoảng nửa mét so với mặt đường. Một hố trũng kéo dài từ phần đường lên đến vỉa hè sát bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rộng gần 50m2, tạo thành các vết nứt rộng gần gang tay, hở hàm ếch, các viên gạch lót vỉa hè cũng bị bung lên. Cách đây khoảng 4-5 tháng, phần đường này cũng đã từng bị lún nhẹ, sau đó có đơn vị thi công đến sửa chữa, bàn giao được một thời gian thì nay lại sụt lún nhiều hơn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận: “Có nhiều nguyên nhân khác nhau cụ thể cho từng đoạn đường, nhưng đối với những đoạn đường mới đưa vào sử dụng đã hằn lún thì chắc chắn là do chất lượng thi công của các nhà thầu kém”.

Ngày 2-3, Bộ GTVT đã có Quyết định số 622 về việc khôi phục, cải tạo đường địa phương ở 14 tỉnh và xây dựng cầu dân sinh ở 50 tỉnh. Chương trình này triển khai từ năm 2016 đến 2021 với tổng vốn đầu tư 9.203 tỉ đồng. Sẽ có 2.174 cây cầu dân sinh được xây dựng mới. Và quyết định này còn quy định chi tiết về độ bền vững của cầu như đối với cầu treo là 25 năm, cầu cứng là 50-75 năm. Tổng Công ty Đường bộ Việt Nam là chủ dự án, chủ đầu tư.

Quy định cầu treo phải sử dụng được 25 năm mà có những cầu treo mới khánh thành nửa tháng đã sụp đổ hoặc lún sụt là sao? Rồi cầu cứng yêu cầu có tuổi thọ 50-75 năm mà sao cầu Ô Rô mới đi được mấy tháng đã rơi tõm xuống sông?

Không thể đổ vạ hết cho thiên tai, thời tiết hay cấu tạo địa chất mà ở đây có lỗi của hầu hết các khâu: khảo sát, thiết kế, thi công và giám sát. Nếu nơi có nền đất yếu thì người khảo sát phải biết và người thiết kế cũng phải điều chỉnh kỹ thuật, kết cấu như thế nào. Quá trình thi công, các nhà tư vấn giám sát phải làm gì, như thế nào, đều có quy định cả. Nhưng vì có sự nể nang, móc ngoặc với nhau giữa các nhóm lợi ích, rồi thì chắc chắn chuyện làm ẩu, chuyện bớt xén vật tư, nguyên liệu sẽ xảy ra. Thế mới có cọc bê tông cốt tre, nền đường lót xốp như ở một số địa phương đã phanh phui.

Các chuyên gia xây dựng cầu đường tiết lộ rằng, nếu một công trình bị bớt xén khoảng 30-40% vốn đầu tư thì công trình đó vẫn bảo đảm độ bền vững. Nghĩa là không ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng công trình, vẫn sử dụng tốt. Thế thì với những công trình mà cứ vừa đưa vào sử dụng hoặc chưa kịp nghiệm thu đã đổ sập thì nó bị ăn bớt bao nhiêu phần trăm? Có quá không khi nói rằng, những công trình đó phải bị ăn cắp mất 50-60% vật tư, nguyên liệu và tiền vốn?

Làm gì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp. Chỉ vì lòng tham, ăn cắp quá nhiều, những kẻ thi công công trình đã gây ra thiệt hại tiền tỉ mà cứ coi như chuyện bình thường. Mồ hôi, nước mắt, tiền thuế của người dân cứ bị ăn cắp như thế thì phải có hình phạt thích đáng cho những kẻ làm bậy, vô đạo đức!

Qua đó càng thấy rằng, khâu giám sát thi công hết sức quan trọng. Người đảm nhận chức năng giám sát phải công tâm, làm đúng chức trách và nhiệm vụ của mình vì lợi ích chung.

5 năm tới, với mục tiêu xây dựng hơn 2.000 cây cầu và nâng cấp hàng trăm con đường nông thôn, nếu Bộ GTVT không tổ chức giám sát chặt chẽ, sâu sát thì hơn 9 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư sẽ tiếp tục thất thoát và sẽ có những cây cầu đổ sập cùng những con đường đi được vài tháng đã đầy ổ gà, ổ trâu. Hậu quả ấy gây mất niềm tin của nhân dân và lại dài thêm danh sách những kẻ cắp trong ngành xây dựng.

Vậy thì đối tượng giám sát không chỉ có những nhà chuyên môn mà còn phải có đại diện nhân dân địa phương tham gia. Tai mắt của quần chúng sẽ góp phần đắc lực vào việc ngăn chặn những hành vi ăn cắp, bớt xén từ các công trình xây dựng. Nhiều vụ việc bị tố giác trước công luận đã chứng minh điều đó.

Đức Toàn

Năng lượng Mới số 549

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/sap-lun-la-do-an-cap-465436.html