Sắp chạm mốc 3,1 tỷ USD

Đến nay cả nước có hơn 2.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, tăng 2,8 lần so với năm 2000 và 7,7 lần so với năm 1990. Trong đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm hơn 90%.

chế biến gỗ tại Bình Phước CôngThương - Không ngừng phát triển Các sản phẩm gỗ chế biến đã có bước phát triển mạnh mẽ về chủng loại, số lượng và chất lượng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu trên 3.000 mặt hàng khác nhau. Theo số liệu của Hiệp hội Lâm sản và gỗ Việt Nam (Vietforest), hiện nay sản phẩm gỗ của Việt Nam có mặt tại 120 thị trường nước ngoài. Ngoài ba thị trường chủ lực là Mỹ, EU và Nhật Bản, sản phẩm gỗ của nước ta cũng đang chiếm lĩnh thị trường Đài Loan, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… Hiện ngành gỗ đứng thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. 8 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,1 tỷ USD và dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2010 đạt 3,1 tỷ USD. Theo nhận định của Vietforest, dù còn nhiều khó khăn nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng xuất khẩu gỗ đang có những tín hiệu khả quan vì đơn hàng xuất khẩu đã ký với đối tác từ nay đến cuối năm vẫn con dồi dào, các doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn tất đơn hàng và chuẩn bị ký tiếp các đơn hàng mới đến quý II năm sau. Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị, ngoài đóng góp về sản phẩm, tạo ra nguồn thu nhập cho nền kinh tế, ngành chế biến gỗ còn tạo ra việc làm cho người lao động, nhất là ở các vùng nông thôn: Hiện có 250.000 lao động đang làm việc trong các cơ sở chế biến gỗ. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành gỗ đã thúc đẩy việc trồng rừng, hàng triệu hộ gia đình nghèo ở vùng nông thôn, miền núi phát triển trồng rừng tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng đã thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Đối mặt nguy cơ Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch Vietforest, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn và nguy cơ, trước hết là nguy cơ thiếu nguyên liệu. Hiện nay, rừng trồng cung cấp khoảng 5 triệu m2 gỗ mỗi năm, tuy nhiên ngành gỗ vẫn phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Vì vậy, cần phải bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng tự nhiên và đẩy mạnh trồng rừng để chủ động về mặt nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2020, nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng được từ 60 đến 70% nhu cầu. Mặt khác, do nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải đáp ứng luật lệ của các nước về tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ sử dụng đưa vào chế biến, điển hình là luật Lacey của Hoa Kỳ, Flegt và Reach của EU. Do đó, các doanh nghiệp phải am hiểu các luật chơi để vượt qua rào cản, giữ vững thị trường xuất khẩu. Bên cạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến thị trường nội địa, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm phục vụ cho khách hàng trong nước. Một thực trạng đáng lưu ý là hiện nay, thu nhập của người lao động trong các xí nghiệp chế biến lâm sản và trồng rừng chưa thể so sánh với các ngành kinh tế khác. Vì vậy, theo ông Sinh, các doanh nghiệp trong ngành cần có biện pháp đầu tư thiết bị, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, duy trì công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động. Tấn Hùng chế biến gỗ tại Bình Phước

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/sap-cham-moc-31-ty-usd/32/0/38749.star