Sao Việt đi làm từ thiện: Nghịch lý kẻ cười, người khóc?

Thời gian vừa qua, cùng với không khí cả nước hướng về miền Trung đang phải hứng chịu thiên tai, hàng loạt ngôi sao giải trí Việt cũng tích cực tham gia những hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ bà con vùng lũ. Tuy nhiên một nghịch lý đang xảy ra là có người thì được dư luận ủng hộ hết mình nhưng cũng có người bị “ném đá” tơi bời.

Nghịch lý khó hiểu?

Trong những ngày này, dư luận đang xôn xao trước thông tin người dẫn chương trình (MC) Phan Anh chỉ trong vòng 3 ngày đã kêu gọi được 16 tỷ đồng tiền ủng hộ bà con vùng lũ. Điều đáng nói là lời kêu gọi ủng hộ được MC nổi tiếng phát đi trên facebook cá nhân và chỉ sau vài ngày, số tiền đổ về tài khoản của anh nhiều tới mức khiến cho Phan Anh phải kêu gọi mọi người chuyển hướng chia sẻ cho những nhóm thiện nguyện khác.

Sau khi huy động được nguồn tiền, đích thân MC Phan Anh đã tới từng vùng lũ để gặp gỡ, thăm hỏi và phát quà cho người dân. Những hình ảnh được anh chia sẻ trên trang cá nhân nhận được rất nhiều lượt thích và chia sẻ. Không những vậy, hành động đẹp của chàng MC nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ người dân khắp nơi và tạo nên một hiệu ứng truyền thông rất tích cực về việc những nghệ sĩ đi làm từ thiện.

Ngay sau đó, hàng loạt những cái tên đình đám khác trong làng giải trí cũng tham gia các hoạt động thiện nguyện của mình. Nào là ca sĩ Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hoa hậu Ngọc Hân, danh hài Việt Hương, ca sĩ Phương Thanh... Những hành động của họ gây ấn tượng mạnh mẽ với dư luận bởi lòng nhiệt tình, sự tận tâm và tấm lòng sẻ chia với những người dân đang gặp vô vàn khó khăn ở vùng lũ.

Tuy nhiên bên cạnh những nghệ sĩ nhận được sự ủng hộ của dư luận khi đi làm từ thiện thì vẫn còn nhiều người bị lên án, “ném đá”.

Điển hình trong số này chính là nữ ca sĩ Thủy Tiên – vợ cầu thủ Lê Công Vinh. Vừa qua cô đã bỏ ra 250 triệu đồng và trực tiếp xuống các vùng lũ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để phát quà cho bà con. Ấy nhưng một số người lớn tiếng chê Thủy Tiên đi phát quà như bố thí, không có tâm và chủ yếu “làm màu” là chính. Trước đó không lâu, chính cặp vợ chồng nổi tiếng này cũng từng bị chỉ trích không thương tiếc vì bị chê xây cầu từ thiện kém chất lượng và phô trương quá mức.

Một trường hợp tương tự là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Bên cạnh việc công bố hai số tài khoản để nhận tiền ủng hộ, ca sĩ này còn trực tiếp tới trao quà cho người dân vùng lũ. Tuy nhiên, việc làm này lại bị một số người chê trách, thậm chí còn đặt ra cả “thuyết âm mưu”. Đỉnh điểm của sự việc là Đàm Vĩnh Hưng phải lên trang facebook cá nhân bày tỏ nỗi lòng.

Anh viết: “Có vài anh chị không thể làm người lớn được khi vào bình luận những lời lẽ rất là máu lạnh! Làm từ thiện giúp dân mình mà cũng chửi. Hưng chỉ làm vài bước để chặn vĩnh viễn và xóa ngay bình luận đó thôi! Không lẽ vì vài con người xấu đó mà mình chùn bước????”.

Một trường hợp “đen đủi” không kém chính là hoa hậu Kỳ Duyên. Vốn tạo ra nhiều điều tiếng và nhận vô vàn “gạch đá” trước đó nên dường như tất cả những hành động của cô đều bị “soi” rất kỹ. Và chuyến đi thiện nguyện này của Kỳ Duyên cũng không ngoại lệ dù bản thân cô không ngại khó, không ngại khổ, lặn lội vào tận những vùng lũ lụt để phát quà và động viên người dân. Nhiều người gán cho người đẹp là “làm màu, làm dáng”. Rồi có ý kiến thắc mắc tại sao Kỳ Duyên đi từ thiện còn phải mang theo phóng viên, phải cập nhật trên facebook...

Không loại trừ Antifan

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là tại sao nhiều người cùng hoạt động trong lĩnh vực giải trí, cùng bỏ tiền bạc công sức ra làm thiện nguyện nhưng có những trường hợp ở hai thái cực đối nghịch nhau đến vậy? Do dư luận quá thành kiến hay do bản thân họ chưa đủ tốt?

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chuyên gia xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó viện trưởng, viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển cho biết: “Truyền thống tương thân tương ái là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Thế nên công tác thiện nguyện là việc của tất cả mọi người chứ không riêng gì các nghệ sĩ giải trí. Trong trường hợp này, trước hết, chúng ta phải ghi nhận cái tâm của nhiều nghệ sĩ Việt trước tình cảnh khó khăn của người dân miền Trung. Họ là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nên lời kêu gọi của họ có hiệu ứng hơn. Thế nhưng có thực tế là có nghệ sĩ tạo hiệu ứng tốt, có người tạo hiệu ứng xấu”.

Lý giải nguyên nhân, chuyên gia này phân tích: “Khi nhìn nhận một sự việc, chúng ta bao giờ cũng cố gắng xét nó ở nhiều khía cạnh. Việc đánh giá hoạt động thiện nguyện của người nào đó cũng nằm trong quy luật này. Tôi cho rằng có những yếu tố chi phối sau: Thứ nhất, hình ảnh người nghệ sĩ đó có đẹp không?

Thứ hai, cách làm từ thiện của họ có minh bạch, có bám sát với mục tiêu ban đầu họ kêu gọi hay không?

Thứ ba, động cơ của việc làm từ thiện xuất phát từ thiện tâm hay chỉ là một chiêu trò đánh bóng tên tuổi?

Thứ tư, hành động của họ có nghiêm túc, có tạo được lòng tin với mọi người là mình thực tâm làm từ thiện không? Tôi nghĩ mọi người sẽ có nhiều cách đánh giá khác nhau nhưng tất cả chỉ nhằm kiểm chứng sự chân thành của người nghệ sĩ. Và khen chê cũng từ đó mà ra”.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc nhận định: “Chúng ta đừng vội phán xét tới mục đích làm từ thiện của họ. Vì dù với mục đích nào đi chăng nữa thì việc họ lăn xả đến những vùng khó khăn, mang hơi ấm tình người đến với những mảnh đời đang rất cần sự giúp đỡ là đáng ngưỡng mộ, hoan nghênh.

Tất nhiên tôi không phủ nhận tâm lý yêu ghét một nghệ sĩ nào đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhận định hành vi. Chẳng hạn, một nghệ sĩ có cuộc sống lành mạnh, ít điều tiếng thì việc làm của họ sẽ được dư luận đón nhận tích cực hơn những nghệ sĩ có nhiều lùm xùm không hay – dù tâm thiện nguyện của họ là như nhau.

Ngoài những vấn đề nêu trên, tôi cũng lưu ý tới một vấn đề quan trọng khác là những antifan (tức nhóm những người ghét một nghệ sĩ nào đó). Những người này sẵn sàng phủ nhận tất cả những nỗ lực của người nghệ sĩ nên đôi khi họ có những bình luận khiến cho nhiều nghệ sĩ bị tổn thương, chạnh lòng. Đây là một thực tế”.

Làm thiện nguyện phải xác định làm dâu trăm họ

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) phân tích: “Không chỉ riêng nghệ sĩ mà với tất cả những người tham gia hoạt động thiện nguyện, tôi nghĩ họ phải xác định tâm lý làm dâu trăm họ. Nghĩa là họ phải chấp nhận chuyện khen, chê khi làm từ thiện. Khen dĩ nhiên là tốt nhưng chê đôi khi cũng không hẳn là xấu. Các cụ mình có câu, lời chào cao hơn mâm cỗ nên người làm thiện nguyện cũng phải cân nhắc sao cho cả người cho và nhận đều cảm thấy thoải mái. Đừng để những người nhận họ bị tự ái, hay có suy nghĩ họ đang nhận sự ban ơn, bố thí”.

PHẠM THIỆU - NGUYỄN THẮM

Xem thêm video Giải trí:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/giai-tri/chuyen-lang-sao/sao-viet-di-lam-tu-thien-nghich-ly-ke-cuoi-nguoi-khoc-a168007.html