Sáo Pi - âm thanh huyền bí của người Bru, Vân Kiều

Giữa đại ngàn Trường Sơn bao la, tiếng Pi của người Bru, Vân Kiều, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vang lên lảnh lót gọi hồn thiêng núi rừng và gợi mở về một thế giới tâm linh huyền bí. Đó là âm thanh phản ánh một đời sống văn hóa phong phú, độc đáo. Đó là tiếng sáo đã cùng với niềm tin và các giá trị văn hóa khác, làm nên sợi dây bền chặt kết nối những người con của rừng núi sinh sống rải rác trong những thung lũng sâu của dãy Giăng Màn.

Tiếng sáo Pi bên dòng thác. Ảnh: Internet

Từng làm thầy mo, già làng Hồ Ai, dùng cây sáo Pi gọi hồn, được truyền lại từ người cha của mình. Trong quan niệm của người Bru, Vân Kiều, sáo Pi là nhạc cụ duy nhất được cất lên khi vui và cả khi buồn. Đó là tiếng sáo linh thiêng của cộng đồng người Bru, Vân Kiều, khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần.

Trong những năm đánh Mỹ, bà con Bru, Vân Kiều ở xã Trường Sơn đã hòa mình vào không khí chiến tranh, thanh niên lên đường nhập ngũ, cầm súng bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ tham gia thanh niên xung phong vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược, lương thực cho bộ đội ở chiến trường. Người già và trẻ con giữ đất, giữ rừng, sản xuất để duy trì cuộc sống.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cung đường Đông, Tây Trường Sơn nối đường 16, đường 10 thông thương, tạo điều kiện cho vùng đất nơi đây phát triển về kinh tế - xã hội, đem đến cho bản làng của già Hồ Ai cuộc sống ấm no, sung túc hơn trước.

Cuộc sống của người Bru, Vân Kiều tại xã Trường Sơn ngày nay đã có nhiều thay đổi. Đồng bào đã từ bỏ lối canh tác phát, đốt, trỉa, người Vân Kiều có sự giúp sức của các chiến sỹ Biên phòng, chuyển sang sản xuất thâm canh, mỗi năm hai vụ lúa và hoa màu trên ruộng, rẫy. Những người con của rừng trở thành người trồng cây, bảo vệ và chăm sóc rừng.

Người Bru, Vân Kiều không còn đi săn thú, hái quả rừng, sự thay đổi trong tập quán lao động cùng với sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Kinh, Vân Kiều cùng chung sống trên địa bàn xã Trường Sơn, đã góp phần làm thay đổi đời sống tinh thần của người Bru, Vân Kiều. Già Hồ Ai còn nhớ rõ, đã có lúc bản làng không còn tổ chức lễ lấp lỗ, lễ mừng lúa mới và những điệu hát, điệu múa vốn gắn bó với cuộc sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Bru, Vân Kiều hàng trăm năm trở nên lạ lẫm với thế hệ trẻ.

Cái bụng nghĩ, cái chân đi, kiên trì bền bỉ đến từng nhà, nói với từng người về ý nghĩa của lễ hội truyền thống, giá trị của tiếng sáo Pi trong mạch nguồn văn hóa Bru, Vân Kiều. Bài hát, điệu múa của người Bru, Vân Kiều đẹp như hoa ở trên núi, nếu thế hệ con cháu không biết hát, biết múa, không biết tiếng sáo, tiếng đàn, sẽ mất đi các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Mỗi năm, người Bru, Vân Kiều cúng lấp lỗ để cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho cây lúa, cây ngô của đồng bào bội thu, cầu cho mọi điều an lành đến với bản làng. Khi làm lễ lấp lỗ là cái bụng của người Bru, Vân Kiều hiểu nhau hơn, người xa, người gần về chung một nhà, bản làng vui vẻ, gắn bó, đoàn kết.

Trong hành trình xây dựng và phát triển, tiếng sáo Pi là nét văn hóa truyền thống, góp phần khẳng định giá trị bản sắc và tạo ra tính cá biệt, độc đáo của cộng đồng dân tộc Bru, Vân Kiều. Đó cũng là lý do mà già Hồ Ai cùng với những người cao tuổi và có uy tín trong cộng đồng quyết tâm phục dựng lễ lấp lỗ.

Hằng năm, khi hạt cây giống đã gieo xuống đất, cũng là lúc người Bru, Vân Kiều suốt dọc Trường Sơn làm lễ cúng vị thần cây giống. Bên dòng suối, nơi được người Bru, Vân Kiều cho là an lành nhất, sẽ được chọn để thực hiện nghi lễ hiến sinh, dâng lên các vị thần. Trong khi cả làng quây quần bên bàn thờ chính để chuẩn bị cúng thần, ở một góc rừng hay một đoạn suối vắng, già làng, các vị cao niên và người có uy tín trong cộng đồng làm lễ rước thần và tổ tiên.

Khi tiếng sáo Pi cất lên, cũng là lúc cánh cửa tâm linh mở ra. Người Bru, Vân Kiều quan niệm rằng, các vị thần chỉ nghe được lời thỉnh cầu của họ thông qua tiếng sáo Pi. Có lẽ vì vậy mà trong tiếng Bru, Vân Kiều, Pi mới có nghĩa là tâm hồn.

Lễ lấp lỗ lần đầu tiên diễn ra ở bản Khe Cát hơn nửa thế kỷ trước. Khi tiếng sáo Pi ngân nga, người bản Khe Cát cất lên tiếng hát của dân tộc mình. Những tưởng đã bao năm tháng con trai, con gái Bru, Vân Kiều không hát Tà oải khi đi sim, hẹn hò, tìm hiểu nhau, những tưởng điệu múa gắn liền với lễ sơ-ro-to may, lễ rước dâu, tiếng kèn A mam và các loại nhạc cụ đã chìm trong quên lãng, nay lại rộn ràng, lôi cuốn tất cả mọi người trong làng tham gia.

Văn hóa truyền thống đã hồi sinh, tiếng sáo Pi của già Hồ Ai, già Hồ Phúc lắng sâu, đánh thức tâm hồn những người con của núi rừng. Tiếng sáo Pi đã dẫn họ đến với con đường sáng. Một lần nữa, những người con của làng ý thức được rằng, nếu không cố gắng, nỗ lực gìn giữ các điệu hát, điệu múa, tiếng sáo, tiếng đàn, chỉ vài mùa rẫy nữa thôi, khi già Hồ Phúc, già Hồ Ai về với tổ tiên, người Bru, Vân Kiều ở xã Trường Sơn, cũng chẳng thể gìn giữ được âm nhạc và các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Những chiến sỹ Biên phòng cũng đã hòa mình trong không khí đầm ấm và linh thiêng của lễ lấp lỗ, được học sáo Pi, sáo Khui của già Hồ Ai, già Hồ Phúc. Các chiến sỹ Biên phòng hứa sẽ cùng với dân làng không bao giờ để những lễ hội, nhạc cụ truyền thống mai một, thất truyền.

Phạm Xuân Lục

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/sao-pi-am-thanh-huyen-bi-cua-nguoi-bru-van-kieu/26785.bbp