Sao nước mắt không chảy xuôi để các em được cất cánh?

Cháu có chán vì chị và anh rể luôn mắng nhiếc em trai và em dâu hãm tài, ham mua sắm, tích lũy kém, đầu óc kém, nói chung đủ thứ kém. Sao nước mắt không chảy xuôi để các em được cất cánh?

Cô kính mến!

Cháu và chồng quen nhau hồi đi lao động xuất khẩu ở H. Chúng cháu có bầu và về VN sinh con. Chồng luôn nói anh nợ em một đám cưới. Đâu hề gì, cưới chỉ là thủ tục, vấn đề là chúng cháu đã đăng ký kết hôn để làm khai sinh cho con và nhiều thứ liên quan đến cuộc sống về sau.

Cháu đâu có biết nhà chồng mình thế nào, chỉ nghe chồng mô tả và nghĩ còn may mắn hơn nhà mình, bố mẹ không bỏ nhau. Chồng cháu có ba chị em, anh ấy ở giữa, chị và em gái hai đầu. Bố anh là công nhân nghỉ hưu sớm, mẹ cũng là viên chức thường, không có bằng đại học và đã về hưu “một cục”. Chị gái anh giàu, rất giàu, em gái anh thì vừa lập gia đình, nhà chồng cô ấy nghèo, hai vợ chồng ra riêng còn nợ tiền mua nhà.

Hoàn cảnh cháu nghe thì bất hạnh, bố mẹ bỏ nhau, bố có gia đình mới, mẹ ở vậy nuôi hai chị em cháu. Cháu đi lao động là để cho em trai được ăn học đàng hoàng, không dở ương như cháu. Chị em cháu đùm bọc nhau thương yêu nhau quanh mẹ. Mẹ cháu cũng vốn là công nhân, nhà máy giải thể, mẹ về hưu non, ở nhà có vài việc lặt vặt làm thêm, đủ cho mẹ chứ không đủ nuôi em. Nay em cháu đã học xong và đang chờ việc.

Người ta nói phúc đức tại mẫu, cũng có người nói con trai phúc mẹ con gái phúc cha. Cháu thấy với nhà chồng cháu thì mọi chuyện vừa đúng vừa không đúng như vậy. Như bố chồng cháu thì cực kỳ khó chịu, cái tính ông ấy khó chịu, ngay với cả hàng xóm cũng hãi ông, thế sao con gái cả của ông lại giàu thế? Mà chị ấy giàu thì chị ấy hưởng chứ em trai là chồng cháu được nhờ gì? Còn mẹ chồng thì rất khác tính ông, hào phóng, sao con trai bà lận đận mãi, phải đi xuất khẩu, về cũng làm ăn cò con và không biết bao giờ hết chữ “nợ”?

Cháu có chán vì chị và anh rể luôn mắng nhiếc em trai và em dâu hãm tài, ham mua sắm, tích lũy kém, đầu óc kém, nói chung đủ thứ kém. Sao nước mắt không chảy xuôi để các em được cất cánh? Ông bố chồng thì bênh anh chị ấy chằm chặp, niềm tự hào của ông mà. Chỉ có mẹ là thương chúng cháu nhưng sợ chị, không dám bênh.

Cháu sợ những bữa giỗ, những bữa ăn xà quần, chị như nữ hoàng, cháu như con ở. Chỉ em gái là dễ thương, nhưng nó cũng có nỗi niềm của nó, cũng chật vật nợ nần. Chồng cháu cũng chán nhưng anh là trai một, anh ấy đâu có rời bố mẹ được. Vợ chồng cháu còn ở chung với bố mẹ chồng, nhà không rộng, nhưng muốn tách ra không thể, lại mang nợ mà bố mẹ già hơn thì sao tách được đây cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Thật ra quan niệm phúc đức ở VN mình còn thịnh hành và chi phối chúng ta. Theo nhà Phật, phúc đức là có thật, nhân quả nhãn tiền và mình nên làm phúc để tích lũy cho mình cho con cháu. Tôn giáo nào cũng dạy tha nhân sống tử tế, hiền lành, vị tha và nên làm phúc, hạn chế sát sinh.

Còn phúc mẹ cho con trai, phúc cha con gái nhờ, cô có nghe tục ngữ này nhưng cô không tin lắm. Không chia ra được như vậy. Cả vợ chồng thì có người dễ chịu thì sẽ có người khó chịu bù trừ. Bố mẹ chồng cháu là bù trừ đấy. Nhưng, như mọi gia đình, họ khắc nhau nên họ ổn, và đã già thì cứ thế mà ổn thôi.

Chị chồng cháu giàu, ấy là may, là cái tài hoặc là cái lộc nhà chồng cháu rơi vào chị ấy. Nhưng nước mắt chị ấy không có lấy gì chảy xuôi? Ai giàu thì họ phải lạnh và có khi phải rất ki bo mới giàu. Và chúng ta có câu này “Giàu cha giàu mẹ thì ham, giàu anh giàu chị ai làm nấy ăn”.

Hãy quên chị ấy giàu. Người Bắc đòi hỏi con trai và dâu nhiều, vì vậy trai và dâu ít giàu là vì chưa giàu thì đã nhiều nghĩa vụ. Hãy phận mình, cắn răng cùng nhau, nguyện sẽ tự cất cánh, không nhìn vào túi ai, không trông chờ chị hay anh nào cả, được không?

Làm dâu, ở chung, bố khó chịu, mẹ thì đơn giản, thậm chí hời hợt, nên cố gắng tách ra. Làm gì con trai phải ở chung mới có hiếu? Làm gì con dâu mà lo phụng dưỡng sớm, còn chị gái nữa, không có công thì có tiền, bỏ ra thuê người cho ông bà đi. Chồng cháu nên nói thẳng, đây không xin cho tôi, ba chị em ba suất góp tiền bằng nhau thuê ô-sin hầu bố mẹ, xong chưa? Cần nói thì chồng cháu phải nói, chỉ chuyện chăm bố mẹ thôi, không xin xỏ cho mình, nếu chỉ vậy thì mạnh dạn sợ ai?

Trước mắt, chịu “nhục” thời gian đi để cày cục, tích lũy và thoát ra.

Dạ Hương

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/sao-nuoc-mat-khong-chay-xuoi-de-cac-em-duoc-cat-canh-post170834.html