Sao Mai Thành Lê: 'Chịu chơi, chứ không chơi chịu!'

2017 với Thành Lê là một cột mốc đặc biệt: Tròn đúng 10 năm kể từ ngày cô đoạt giải Nhất dòng nhạc dân gian - Sao Mai 2007, khi mà ảnh hưởng và uy tín của cuộc thi tiếng hát truyền hình này chưa bị che khuất và lấn át bởi The Voice và Vietnam Idol. Đĩa nhạc Xuân “Khúc hoài hương” cùng MV “Câu chuyện đầu năm” là bộ đôi sản phẩm vừa ra mắt để nữ ca sĩ Sao Mai tri ân mảnh đất quê hương miền Trung nói riêng và khán giả nói chung, sau 10 năm cái tên Thành Lê chạm tới thành công.

“Đắt mấy cũng thành rẻ, nếu...”

- 10 năm vừa qua với chị là dài hay ngắn?

- Là dài, để đi từ mặc cảm tới tự tin, khi tôi vốn dĩ không có một xuất phát điểm thuận lợi: Không thuộc dạng “con nhà nòi” hay “nhà có điều kiện”; cũng không sở hữu một vẻ ngoài “sắc nước hương trời”; giọng hát “trời cho” tuy đã được thừa nhận bằng một giải thưởng uy tín vẫn cần phải trau dồi thêm mới có thể đi đường dài... Ngoài ra, bản lĩnh sân khấu, phong thái biểu diễn cũng cần được bồi đắp, cọ xát nhiều hơn để dần định hình được một phong cách riêng cho mình, trong một dòng nhạc vốn dĩ không dễ gì phá cách và ít nhiều đã được “mặc định” bằng dấu ấn của các anh chị đi trước...

Nhưng 10 năm qua cũng quả là ngắn, nếu nhìn vào những gì mình đã làm. 8 album cùng 4 MV ca nhạc trong vòng 10 năm với ai đó là nhiều và thậm chí là “ngốc” nữa, giữa thời buổi ra đĩa cầm chắc lỗ, nhưng với tôi thì tôi tự thấy chưa đủ để mình được trải rộng trên nhiều miền cảm xúc và bung tỏa hết những ý tưởng nghệ thuật mà tôi luôn nung nấu trong lòng. Thời gian quả thật đã trôi qua quá nhanh, ngay cả khi tôi đã miệt mài song hành và chạy đua với nó!

- Trong khi nhiều ca sĩ thành danh của nhạc đỏ có thể tự tin “ngủ yên trên chiến thắng” và điềm tĩnh dạo chơi trong vùng an toàn của mình, chỉ cần bằng giọng hát “trời cho” mà không phải mất công đầu tư quá nhiều vào các yếu tố nhìn, hay các sản phẩm mới, thì cách của chị lại là ngược lại. Đấy là do chị thiếu tự tin vào giọng hát, hay chị sốt ruột được nổi tiếng, theo cách một ca sĩ nhạc nhẹ?

- Nếu không đủ tự tin, tôi sẽ chẳng dại gì đổ công đổ của để ra liên tục 8 album trong chỉ 10 năm như vậy. Liệu còn cách nào để tự tin trong nghệ thuật, nếu không là nỗ lực hoàn thiện bản thân và lao động không ngừng nghỉ, thay vì chỉ trông vào những thứ “trời cho”?

Khác với bên nhạc nhẹ, ca sĩ nhạc đỏ thường hoạt động đơn thương độc mã, thay vì có một ekip đồng hành. Việc xây dựng hình ảnh trên sân khấu, hay trong các sản phẩm phần nào cũng ít được chú trọng đầu tư hơn. Là người đến sau, lại chủ trương theo đuổi cách hát nhạc dân gian mang hơi hướng semi, nên tôi luôn cố gắng dốc hết tất cả những gì có thể, về cả yếu tố nghe lẫn yếu tố nhìn vào trong các sản phẩm của mình. Từ bộ hình mới cho bìa đĩa đến chất lượng MV..., bằng cách tìm đến những ekip chuyên nghiệp nhất, dù mất công và tốn kém đến mấy. Trong nghệ thuật, tôi luôn quan niệm: Hoặc là không làm, hoặc làm thì cố gắng làm cho tới nơi tới chốn, tìm đúng người giao đúng việc, thì đắt mấy cũng thành rẻ. Tôi thà “chịu chơi” chứ không “chơi chịu” (cười)!

Dại gì “cãi trời”!

- 10 năm, đã bao giờ có những giây phút hoang mang, nản chí, khi những cái tên Trọng Tấn, Anh Thơ... vẫn lừng lững trên ngôi vị đầu bảng của dòng nhạc đỏ?

- Nếu nhìn vào những đỉnh cao và chóng mặt trước nó, bạn sẽ không bao giờ bước đi được chứ đừng nói là tạo ra những đỉnh cao cho riêng mình, phù hợp với sức mình. Có câu “yếu thì đừng ra gió” nhưng đôi khi tôi nghĩ, càng yếu lại càng cần phải ra gió, để sớm hình thành cho mình một sức đề kháng trước chính mình và quy luật đào thải nghiệt ngã trong nghề.

Không phải là đã không từng có lúc tôi cảm thấy hoang mang trên con đường này. Ấy là lúc tôi vừa ra khỏi Sao Mai, và như nhiều Quán quân, á quân khác, tôi cũng từng bối rối đứng trước các lựa chọn mà không biết đi theo hướng nào cho phải. Quá nhiều giải nhì, giải nhất đã bị chìm nghỉm và mất hút không lâu sau khi tỏa sáng tại các cuộc thi, và tôi không khỏi tự hỏi: Viễn cảnh sắp tới của mình, biết đâu, cũng sẽ thế... May thay là không lâu sau đó, tôi... bị tai nạn xe máy và nằm chôn chân một chỗ trong nhiều tháng (!). Chính nhờ khoảng thời gian chững lại đó mà tôi đã có đủ điềm tĩnh để nhận diện lại chính mình và định hình con đường đi của mình. Thời điểm tốt nhất có thể đã trôi qua nhưng cơ hội đôi khi không chỉ là thời điểm, cơ hội còn là cả một quá trình...

- Gương mặt mới, trẻ nhất tại “Điều còn mãi” - chương trình hòa nhạc quốc gia thường niên vào chiều 2.9 hẳn là dấu ấn đẹp nhất của chị trong năm 2016. Chị ấp ủ điều gì cho 2017?

- Được trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, dưới cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi trong chương trình “Điều còn mãi” 2016 quả là một ấn tượng đặc biệt và khó quên đối với tôi. Chỗ đứng trang trọng trên sân khấu Nhà hát Lớn, trong một sự kiện âm nhạc nhắc nhớ một thời điểm lịch sử linh thiêng của dân tộc đã khiến tôi nhìn rõ hơn bao giờ giấc mơ của mình về một chỗ đứng trong nghệ thuật, trước khán giả. Giấc mơ ấy có thể tôi chưa thực sự nắm giữ được, nhưng ít ra tôi đã nhìn thấy hình hài của nó, một cách rõ nét nhất. Sau album “Khúc hoài hương”, tôi đang ấp ủ sẽ thực hiện một album nhạc Pháp trữ tình, cùng một đêm nhạc nhỏ kỷ niệm 10 năm ca hát...

Mỗi một năm mới, “cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Bước sang tuổi 36, liệu bao giờ chị sẽ vẽ cho mình bức tranh “ngôi nhà và những đứa trẻ”?

- “Nếu có thể, tôi sẽ cố gắng hiện thực hóa giấc mơ đó trong năm nay. Những dự định nghề nghiệp kể trên do đó không hẳn chắc chắn, vì con cái rõ ràng là ưu tiên số 1 ở thời điểm này. Lối sống của tôi trước nay vốn đặc biệt phù hợp với đời sống gia đình, và “con cái là lộc trời cho”. Nếu được trời thương, tôi không nghĩ mình lại dại dột “cãi trời”...

Xin cảm ơn chị!

Album Khúc hoài hương gồm 9 ca khúc trữ tình quê hương như Lá thư miền Trung, Huế và em, Mưa chiều miền Trung, Mưa trên quê hương... và ngợi ca mùa xuân như Câu chuyện đầu năm, Cánh thiệp đầu xuân, Nếu xuân này vắng anh, Đón xuân này ta nhớ xuân xưa”. Album do nhạc sĩ Quang Hưng phối khí, sử dụng những nhạc cụ phương Tây như saxophone, guitar, piano, pha trộn phong cách semi, pop đã khoác chiếc áo trẻ trung hơn cho những nhạc phẩm mang hơi hướm bolero qua tiếng hát giàu nội tâm của Thành Lê. Đây được xem là món quà năm mới của nữ ca sĩ gốc miền Trung gửi tới mảnh đất đã phải gánh chịu quá nhiều tổn thất vì thiên tai và cả con người... trong năm qua.

Lê Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/sao-mai-thanh-le-chiu-choi-chu-khong-choi-chiu-632221.bld