Sao lớp 6 mà không biết đọc?

Câu chuyện em L.S.V., học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã “tốt nghiệp” Trường Tiểu học Lý Đạo Thành - trường đạt chuẩn quốc gia phải quay về học lại từ lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đang được nhiều bạn đọc và các cơ quan chức năng quan tâm.

Trường tiểu học Lý Đạo Thành có học sinh học hết lớp 5 không biết đọc, biết viết. Ảnh: vov.vn

Điều bình thường là, học sinh L.S.V. hoàn toàn khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, có điều em là dân tộc Khơ me. Ở Sóc Trăng, em L.S.V. chưa phải là trường hợp cá biệt, bởi có nhiều trường hợp tương tự, đó là lý do ngành Giáo dục và Đào tạo sở tại cần phải xem xét lại hoạt động giáo dục, giáo dưỡng của mình; sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

“Tốt nghiệp” hệ tiểu học trường chuẩn cấp quốc gia, học sinh L.S.V. chuyển lên cấp THCS với hồ sơ “vở sạch chữ đẹp”, được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành tiểu học. Chỉ đến khi cấp THCS kiểm tra chất lượng đầu năm thì mới phát hiện L.S.V. mù chữ. Do vậy em được trả về trường cũ học lại từ đầu. Do mặc cảm, L.S.V. đã bỏ học. Trách nhiệm này thuộc về nhà trường hay gia đình?

Mặc dầu mẹ của L.S.V. không biết chữ, nhưng đã phát hiện con mình không biết đọc, biết viết từ năm lớp 4. Bà đã xin cho em được ở lại lớp để củng cố kiến thức, nhưng nhà trường khẳng định em học được nên không đồng ý cho ở lại lớp. Đến cuối lớp 5, mẹ L.S.V. lại gặp giáo viên chủ nhiệm lớp xin cho em học lại, song thầy giáo vẫn nói em học được!

Vì muốn con biết đọc, biết viết như bạn bè, người mẹ đã đưa con lên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP phản ánh, nhưng lãnh đạo Phòng cũng không đả động gì! Như vậy, gia đình có một phần trách nhiệm trong việc bảo ban con ở nhà, nhưng rõ ràng thầy cô, nhà trường và Phòng Giáo dục đã không có giải pháp để “cứu” học sinh, ngược lại, đã phù phép hồ sơ để học sinh được chuyển cấp.

Khi sự việc bung bét, giáo viên của trường tiểu học nơi em L.S.V. từng học thừa nhận chịu nhiều áp lực từ xét duyệt danh hiệu thi đua cá nhân, tập thể, cho nên đã cho điểm khống.

Như vậy, từ dưới lên trên đều dối nhau do bệnh thành tích.

Câu chuyện của em L.S.V. và một số học sinh con em dân tộc Khơ me của TP Sóc Trăng đang được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp nhận và sẽ xem xét xử lý nghiêm túc.

Về bản chất của vụ việc, một chuyên gia giáo dục bậc tiểu học ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận: Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, giáo viên chỉ nhận xét, đánh giá học sinh chung chung… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đánh giá lực học của học sinh thiếu chính xác, thậm chí không tạo nên sự ganh đua giữa các em. Nhưng bệnh thành tích mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự che đậy dối trá, yếu kém… để đạt danh hiệu này, danh hiệu nọ.

Không riêng gì ở TP Sóc Trăng mà ở một số địa phương vùng sâu, vùng cao, học sinh các dân tộc thiểu số cứ đến hẹn là được lên lớp. Kiến thức các em thu nạp chưa tương xứng với các chứng chỉ. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có thêm những giải pháp thực chất hơn, đầu tư đúng mực hơn để con em đồng bào các dân tộc ít người đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Có như thế mới lĩnh hội được tốt hơn kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, nhận thức pháp luật đầy đủ để cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/sao-lop-6-ma-khong-biet-doc_t114c8n110060