Sao có chuyện 63 tỉnh thành có tới 21 sân bay?

Không thể phủ nhận những chính sách của Chính phủ đã giúp bà con vùng sâu, vùng xa, giúp kinh tế nông nghiệp có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, câu chuyện khoảng cách vùng miền đang ngày càng rộng lại là nỗi lo có thật khiến các ĐBQH trăn trở.

ĐBQH phát biểu trong phiên thảo luận về tái cơ cấu kinh tế

"Đừng để đồng bào dân tộc thiểu số rớt lại quá xa ở phía sau"

Phát biểu tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV, ĐB Nguyễn Bá Sơn - TP Đà Nẵng nói: “Việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thay nhau trải thảm đỏ mời đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi. Thử hỏi 63 tỉnh, thành với 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 21 sân bay, trong đó có tới 10 sân bay quốc tế, gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển… Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển.

Theo ĐB, Chính phủ cần phải có chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Đồng thời, tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, hài hòa lợi ích giữa các địa phương và vùng, tránh tình trạng trùng lắp lợi ích, cạnh tranh lẫn nhau.

ĐB Cao Thị Xuân - Thanh Hóa – nhận định: Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vùng dân tộc miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cần phải tập trung cao độ để giải quyết nhằm đảm bảo quyền phát triển của các dân tộc thiểu số.

ĐB Cao Thị Xuân - Thanh Hóa

Đưa những con số biết nói về tỉ lệ hội ngèo, con số thu nhập bình quân đầu người, … ĐB cho biết: “Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét để có chính sách phù hợp, không để khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, khoảng cách phát triển giữa các khu vực ngày càng roãng ra. Những vấn đề về xã hội, an ninh, trật tự ngày càng phức tạp, cản trở mục tiêu phát triển bền vững.”

ĐB cũng thừa nhận: Quan tâm đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm và mang lại kết quả thiết thực, đảm bảo mức cơ bản về an sinh xã hội tại những vùng khó khăn. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận không ít chính sách thực hiện thiếu hiệu quả, không đến nơi, đến chốn, không đủ nguồn lực thực hiện nên xảy ra tình trạng nhà nước nợ chính sách với đồng bào. “Có những tập đoàn doanh nghiệp nhận đỡ đầu các huyện nghèo nhưng đã đánh trống bỏ dùi để mỗi khi thiên tai hoặc biến động nào đó xảy ra thì đồng bào lại tủi phận, lại cảm thấy bị tổn thương khi trông chờ vào hai chữ "cứu trợ".” – ĐB nói,

ĐB tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung vào các kế hoạch đầu tư trung hạn, tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt dành nguồn lực đầu tư đặc thù để giải quyết căn bản những tồn tại về kinh tế - văn hóa - xã hội, thể chất, năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc. “Chỉ khi nào có một nền tảng cơ sở hạ tầng văn hóa xã hội tốt thì đồng bào mới cải thiện được đời sống kinh tế và tinh thần.” - bà nói.

Nói riêng về cử tri là đồng bào sinh sống ở phía Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An, ĐB tỉnh Thanh Hóa bày tỏ: Tại sao Đảng và nhà nước rất quan tâm, thành lập các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong khi cả vùng rừng núi rộng lớn và khu vực biên giới quan trọng còn nhiều khó khăn như Thanh - Nghệ - Tĩnh lại chưa được quan tâm đúng mức?

Kết thúc phần phát biểu của mình trên diễn đàn, bà bày tỏ: “Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, đất nước đang trong giai đoạn hội nhập sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đừng để các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số rớt lại quá xa ở phía sau.”

Chính sách chậm đi vào cuộc sống?

Nói lên tiếng nói của Cử tri tỉnh Điện Biên, ĐB Mùa A Vảng đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong thời gian dài mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại các chính sách về giảm nghèo trong thời gian qua?

Theo ĐB, để giảm nghèo bền vững thì cần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Thực tế cho thấy, ở đâu trình độ dân trí thấp thì thường ở đó tỷ lệ nghèo cao hơn. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần nghiên cứu phát hành sách giáo khoa về kiến thức và tư duy làm kinh tế cho học sinh phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, các trường nội trú để các e có kiến thức vững vàng khi trưởng thành, không bị ảnh hưởng bởi các hủ tục lạc hậu, phải đào tạo thế hệ trẻ khát khao làm giàu chính đáng, như vậy mới có thể giảm nghèo bền vững.

ĐB Ma Thị Thúy - Tuyên Quang

Chung quan điểm, ĐB Ma Thị Thúy - Tuyên Quang đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến nông nghiệp nhiều hơn. Bởi theo bà, vấn đề về sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức và làm cho đời sống nông dân, tình hình nông thôn ngày càng phức tạp. Chúng ta có cơ hội tái cơ cấu, nhưng việc tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra còn chậm và lúng túng, hiệu quả chưa rõ nét. Những mặt hàng hóa nông sản của Việt Nam vẫn ở tầm cửa dưới so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đa số hàng chất lượng thấp, lấy giá rẻ để cạnh tranh với thế giới…

Trong khi sự cạnh tranh đó mang tính cầu may, nơm nớp lo bị ép giá, trả lại hay bị đổ bỏ. Điều đó nói lên nội tại của chúng ta sau nhiều năm tái cơ cấu vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực và khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là đối tượng bị tổn tương và chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Từ những thực tế nêu trên, bà đề nghị Chính phủ cần sớm đưa ra các giải pháp để khắc phục, theo đó, cần phải rà soát chi tiết, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc và thực tiễn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị xuất khẩu; Sớm ban hành những cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng, liên vùng; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và sau thu hoạch; Quan tâm quản lý điều hành một cách kiên quyết, thống nhất với sự liên kết của bốn nhà, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nông nghiệp.

ĐB Lưu Thành Công

Nhìn ở một góc độ khác, ĐB Lưu Thành Công - Vĩnh Long nói: “Không thể phủ nhận trong thời gian qua, Chính phủ hết sức quan tâm có nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho nông dân, nhưng những chính sách đầu tư hiện nay còn dàn trải, chưa đồng bộ và chưa đi vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống. Một số chính sách hỗ trợ theo đuôi các thiệt hại thiên tai, chưa phân biệt rõ việc làm kinh tế trong đầu tư sản xuất nông nghiệp với việc thực hiện chính sách an sinh. Những chính sách khi đi vào cuộc sống, người nông dân thường hưởng lợi không nhiều. Thời gian qua, Chính phủ phải chi ra một khoản kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả mang lại cho người nông dân chưa cao, nền nông nghiệp vẫn chưa phát triển như mong muốn, đời sống người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn.”

Từ thực tiễn trên, nói thay tiếng nói của cử tri, ông kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, khắc phục những bất cập trong đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay, sửa ngay những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa mang lại lợi ích cho nông dân, chưa thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, bố trí nguồn đầu tư cho nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu hiện đại hóa nền nông nghiệp. Sửa đổi các cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư hướng vào các ngành, các lĩnh vực có lợi thế, có khả năng phát triển như ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp, nghiên cứu các chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư các nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền…

Vân Tùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/dbqh-ban-khoan-vi-khoang-cach-vung-mien-303261.html