Sao chổi quét qua trái đất 56 triệu năm trước tạo ra sự tiến hóa rõ rệt của sự sống

Khoảng 56 triệu năm trước đây, Trái đất nơi chúng ta đang sống đã từng trải qua một biến cố khiến khí hậu thay đổi rõ rệt, biến cố này khác hẳn so với lịch sự phát triển 4.5 tỷ năm của nó, hậu quả là nhiệt độ không khí tăng lên tới 8°C, làm băng tuyết trên khắp hành tinh tan ra gần hết. Nhưng cũng trong thời kỳ này, sự đa dạng sinh học trên trái đất đã phát triển vượt bậc, đặc biệt là các loài động vật linh trưởng, dẫn đến sự tiến hóa của con người ngày nay.

Mới đây, các nhà nghiên cứu địa chất công bố họ đã tìm ra được bằng chứng của việc một sao chổi bí ẩn, từng quét qua trái đất ở thời điểm cách đây 56 triệu năm (khoảng 10 triệu năm sau khi khủng long biến mất trên trái đất), gây ra sự thay đổi đột ngột và dẫn tới sự kiện quan trọng kể trên. Sự kiện nhiệt độ trái đất tăng 8 độ C được gọi là PETM (Paleocene-Eocene Thermal Maximum), đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Paleocen Epoch và bắt đầu của kỷ Eocene Epoch. Thời kỳ này bắt đầu từ khoảng 56 triệu năm trước và kéo đài hơn 22 triệu năm.

Trong thời kỳ PETM , lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng lên rất cao, đồng thời nhiệt độ toàn cầu cũng tăng lên ít nhất 5 - 8°C. Kèm theo đó, nhiệt độ bề mặt của nước biển ở các vùng nhiệt đới cũng tăng lên mức cao nhất, lên tới 35°C, trong khi đó nhiệt độ nước ở đáy biển khoảng 10°C - cao hơn nhiều so với hiện nay. Nhiệt độ tăng cao khiến cho băng vĩnh cữu ở khắp nơi trên thế giới tan chảy hết, cháy rừng cũng xảy ra ở khắp nơi, khiến cho các loài sinh vật phải tiến hóa không ngừng để ứng phó với điều kiện sống mới.

Lúc này, rất nhiều động vật có vú phải rời khỏi nơi sinh sống trước đó là những khu rừng quen thuộc, chúng tìm đến những vùng đồng bằng rộng lớn, và môi trường sống rộng rãi hơn cũng khiến kích thước của chúng phát triển hơn. Thời điểm đó cũng là cơ sở để hình thành các loài động vật có vú như ngày này là tê giác, ngựa, heo, lạc đà, hà mã...

Tổ tiên xa xưa của loài cá voi cũng xuất hiện trong thời kỳ PETM, các nhà khoa học cũng cho biết họ tìm được các mẫu hóa thạch của những loài động vật có vú có nhau thai lớn hơn, kích thước não bộ phát triển hơn. Song song đó, các động vật linh trưởng cũng phát triển mạnh nhờ sự phát triển của các chi với bàn tay và bàn chân, có khả năng cầm nắm các đồ vật, tạo ra tiền thân của họ khỉ nhiều triệu năm sau đó.

Theo các nhà địa chất, ở thời đó một sao chổi bí ẩn đã quét qua trái đất, làm nhiệt độ của hành tinh xanh tăng lên đột ngột, nhưng cũng nhờ đó đã kích thích được sự phát triển của sự sống. Trước thời kỳ PETM 10 triệu năm, một thiên thạch đã đâm xuống trái đất giết chết loài khủng long và rất nhiều giống loài khác. Thì một sự kiện khác, sao chổi bí ẩn quét qua cũng có thể làm được điều ngược lại, đó là kích thích sự phát triển đa dạng sinh học trên trái đất.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ tìm thấy những quả cầu thủy tinh ở ba địa điểm ven vùng đồng bằng Đại Tây Dương. Những mẫu vật này có liên quan tới những thiên thạch đến từ ngoài trái đất, được cho là vỡ ra từ vụ sao chổi tấn công trái đất hàng chục triệu năm trước và những mảnh tàn tích này còn nằm lại trên hành tinh chúng ta hàng triệu năm qua.

Thông tin kể trên được nhà nghiên cứu Morgan Schaller đến từ Viện Bách khoa Rensselaer ở New York công bố tại một cuộc họp thường niên của Hiệp hội địa chất Mỹ ở bang Colorado diễn ra hồi tuần trước. hiện tại các nhà khoa học vẫn còn đang bàn luận với nhau để xem liệu phát hiện mà nhóm của Morgan Schaller đưa ra có đúng hay không.

Theo Sciencealert

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/khoa-hoc-sao-choi-quet-qua-trai-dat-56-trieu-nam-truoc-tao-ra-su-tien-hoa-ro-ret-cua-su-song.2647536/