Sáng tạo độc đáo phục vụ học tập

Hoàng Hồ Nam (SN 1993) và Phạm Nguyễn Anh Ngữ (SN 2000) là hai trong số những bạn trẻ tiêu biểu có sản phẩm sáng tạo thông minh tại cuộc thi 'Tri thức trẻ vì giáo dục', do T.Ư Đoàn tổ chức nhằm hỗ trợ bạn trẻ học tập trên các thiết bị di động, máy tính.

Hoàng Hồ Nam luôn coi máy tính là người bạn thân thiết của mình.

Hoàng Hồ Nam luôn coi máy tính là người bạn thân thiết của mình.

Học bài từ chơi game

Hoàng Hồ Nam (quê ở Bình Long, Bình Phước) có niềm đam mê đặc biệt về bộ môn toán học, đặc biệt là giải toán trên máy tính. Từ những năm học cấp I, Hồ Nam tự mày mò nghiên cứu về máy tính và giải toán trên máy tính. Học cấp II, Hồ Nam tự viết cuốn sách dày 356 trang với tựa đề: “Kinh nghiệm giải toán trên máy tính bỏ túi II”. Lần xuất bản thứ nhất, tự tay Hồ Nam bán được 1.000 cuốn. Lần tái bản thứ II, cũng tự tay Nam (không thông qua nhà xuất bản hay nhà sách) bán hết veo 1.000 cuốn. Từ năm học cấp 3 rồi đại học Hồ Nam tham gia và đạt nhiều giải thưởng khác nhau tại các cuộc thi cấp tỉnh, Olympic về toán học, tin học và lập trình viên Quốc tế ACM-ICPC.

“Chúng tôi coi trọng tính sáng tạo của công trình để phát triển năng lực học sinh. Các công trình, sản phẩm tham gia cuộc thi khá đa dạng về lĩnh vực giáo dục: Chế tạo dụng cụ thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đặc biệt, các em rất trẻ nhưng quan tâm đến vấn đề đổi mới chương trình học hiện nay”.

Ông Trần Quang Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nuôi dưỡng đam mê về toán học và máy tính, Hồ Nam nhiều đêm “vắt óc” giải bài toán: Tại sao nhiều bạn trẻ “mê game lười học”, làm thế nào để các bạn “mê học hơn mê game”. Năm 2014, Hồ Nam sáng tạo ra phần mềm: https://maytinhbotui.vn, thi giải nhanh toán trên máy tính bỏ túi online. Hệ thống website https://maytinhbotui.vn với nhiều tính năng ưu việt khác nhau, trong đó có các ứng dụng gần gũi, hấp dẫn: Giao đấu; Thi online; Diễn đàn; Nhóm. “Giao đấu là một ứng dụng học toán, giải toán trên máy tính thông qua hình thức giao đấu game, với nhiều hình thức giao đấu khác nhau: Giải nhanh, ma trận, chiếm trận, chiếm trận nhóm, bấm nhanh. Đây là một cách thư giãn khoa học, vừa chơi vừa học, ôn lại kiến thức hấp dẫn đông đảo bạn trẻ tham gia. Riêng tháng 9/2016, có gần 7.500 trận giao đấu”, Hồ Nam chia sẻ về tính năng nổi bật của phần mềm.

Ngoài ra, website có các tính năng khác: Trò chuyện riêng, trò chuyện nhóm, kết bạn, download tài liệu; xem bài giảng; đổi quà tặng,… Với tính tương tác cao, vừa học vừa mang tính vui chơi giải trí của trò chơi game, hệ thống https://maytinhbotui.vn ngày càng thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Hồ Nam cho biết, phần mềm này được đưa vào ứng dụng thực tế được 2 năm nay, với số thành viên hoạt động trung bình mỗi ngày 2.000 người, hơn 466 nghìn lượt xem trang
mỗi tháng.

Hồ Nam cho biết, trong thời gian tới, sẽ phát triển sản phẩm theo hướng hỗ trợ thêm nhiều môn học khác nhau và thêm nhiều tính năng hay phục vụ cho giáo dục.

Trợ thủ học tiếng Anh

Đó là tên một phần mềm ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại di động của học sinh Phạm Nguyễn Anh Ngữ, lớp 10A1, trường THPT Cây Dương, thị trấn Cây Dương (Phụng Hiệp, Hậu Giang). Anh Ngữ chia sẻ, thực tế cho thấy hiện nay, tiếng Anh có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tuy nhiên, với những bạn học sinh ở vùng nông thôn xa xôi không có điều kiện để học thêm ở các trung tâm Anh ngữ, kiến thức học ở trường còn hạn chế. Trăn trở trước điều đó, trong gần 1 năm (từ 5/2015 - 3/2016), Anh Ngữ sáng tạo ra phần mềm: Trợ thủ học tập - Ứng dụng di động.

Phần mềm hỗ trợ hoàn toàn miễn phí, chạy được trên nhiều thiết bị di động, với các hệ điều hành khác nhau, từ phổ thông đến cao cấp, dành cho học sinh từ lớp 6-12. “Để sử dụng sản phẩm, các bạn vào trang web: trothuhoctap.com, chọn phiên bản tải về di động, tiến hành cài đặt và sử dụng. Nếu không cài đặt, các bạn có thể vào trực tiếp trang web học tập. Với kho dữ liệu phong phú, các bạn học tiếng Anh từ trình độ căn bản, đến nâng cao, từ học từ vựng, ngữ pháp, đến nghe, nói, giao tiếp”, Phạm Nguyễn Anh Ngữ nói về tính ưu việt của phần mềm. Chỉ với một chiếc di động trên tay, học sinh có thể học, làm bài tập tiếng Anh ở mọi lúc, mọi nơi.

Phạm Nguyễn Anh Ngữ đã sáng tạo ra phần mềm trợ thủ học tiếng Anh

Điều đặc biệt, các nội dung học tiếng Anh được tác giả Anh Ngữ chuyển tải một cách mềm mại, tươi trẻ theo kiểu vừa học, vừa chơi. Bên cạnh đó, phần mềm còn có mục giải trí với các ứng dụng trò chơi, hát tiếng Anh, đọc truyện ngắn, truyện cổ tích, truyện cười bằng tiếng Anh, vừa giúp các bạn trẻ giải trí sau những giờ học căng thẳng, vừa ôn luyện tiếng Anh.

Anh Ngữ cho biết, phần mềm Trợ thủ học tập đã được đưa vào sử dụng thực tế trong gần một năm nay, thu hút 3.000 thành viên tham gia học tập. “Hầu hết, các bạn đều có những đánh giá, phản hồi tốt về phần mềm. Bên cạnh đó, nhiều độc giả còn có những ý kiến đóng góp hữu ích để em hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn”, Anh Ngữ chia sẻ.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi Trẻ triển khai trong giai đoạn 2016-2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến. Năm 2016, chương trình được phát động vào ngày 28/4/2016.

Sau hơn 5 tháng triển khai, chương trình đã tiếp nhận 267 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, giáo viên, trí thức trẻ trong cả nước, trong đó: 108 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 92 công trình, sáng kiến sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 67 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Ban Tổ chức đã lựa chọn 16 công trình, sản phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung khảo.

Tối 14/11, tại Hà Nội, diễn ra Lễ trao giải cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi trẻ tổ chức. Ban tổ chức đã trao thưởng cho 3 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất gồm: Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học của tác giả Lê Thị Bé Nhung (trường THPT Phan Ngọc Tòng, Bến Tre); Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe của nhóm tác giả Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Lương Thọ (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng); Thiết kế chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học vật lí ở trường phổ thông, của tác giả Nguyễn Quốc Huy (Đại học Sư phạm Hà Nội). Mỗi công trình, sáng kiến được nhận phần thưởng 100 triệu đồng tiền mặt.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/sang-tao-doc-dao-phuc-vu-hoc-tap-1073248.tpo