Sàng lọc công chức phải bằng thi cử công bằng

(HQ Online)- Tình trạng công chức thì nhiều nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh “hành là chính” là bởi tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không mang lại hiệu quả công việc, tạo gánh nặng đối với ngân sách Nhà nước. Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Thang Văn Phúc- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ.

Hiện đang tồn tại một nghịch lý đó là tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ theo báo cáo rất ít, trong khi dư luận đánh giá tỷ lệ này cao. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thì đến nay vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ bao nhiêu người làm việc thực sự, có hiệu quả, bao nhiêu nằm ở bộ phận “chỉ giữ chỗ ăn lương”, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Có người lạc quan đánh giá tỷ lệ cán bộ làm việc thực sự khoảng 70-80% nhưng người bi quan hơn cho rằng tỷ lệ người làm “gánh” cả phần người ngồi chơi là 50-50.

Và phần lớn trong số này đều nằm trong nhóm công chức 5C (Con Cháu Các Cụ Cả), nếu những công chức nhàn rỗi đó lại thuộc nhóm 5C thì liệu lãnh đạo cơ quan đó có đủ dũng cảm giảm số này không hay chưa kịp giảm thì đã bị “giảm” rồi? Vì vậy tại nhiều cơ quan nhà nước đang tồn tại những lãng phí lớn, có lãng phí vô hình, có lãng phí hữu hình. Một trong những lãng phí lớn nhất là thời gian, con người và chất xám. Đáng buồn là việc này lại tương đối phổ biến.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng nên tinh giảm tới 1/3 số công chức hiện nay - con số được cho là những công chức đang “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách?

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định về việc phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2014.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2014 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 281.714. Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước là 275.107; biên chế công chức dự phòng là 6.607.

Hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan tự xây dựng hệ thống việc làm cho thấy nhu cầu biên chế lại tăng thêm so với số lượng hiện tại, mặc dù số hiện tại còn chưa sử dụng hết số biên chế được giao. Thế nhưng thực tế cho thấy, số người nghỉ chế độ chính sách so với số người tuyển vào luôn tỷ lệ nghịch với nhau, vào nhiều hơn ra.

Ngay từ năm 2001, chủ trương cải cách cơ cấu đội ngũ công chức trên cơ sở theo vị trí việc làm đã được đề ra với chỉ tiêu tới năm 2011 phải cắt giảm được 15%. Tuy nhiên 10 năm sau, số cán bộ công chức không đạt yêu cầu bị cắt giảm chỉ đạt 8%.

Việc không đạt mục tiêu không phải là do thiếu cơ chế mà vấn đề ở chỗ chúng ta thiếu tiêu chí thước đo để xác định được ai thừa, ai không đáp ứng được tiêu chuẩn từng vị trí để mà điều chỉnh.

Vì vậy việc đề ra chỉ tiêu tinh giảm cơ cấu bộ máy công chức chỉ là con số định lượng mang tính tương đối. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới khó, nhất là khi tỷ lệ gia tăng dân số mỗi năm cũng đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ quản lý tương xứng.

Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đang thừa công chức?

Nếu chỉ nhìn vào số lượng thì thấy rằng chúng ta đang phải chi trả nhiều tiền hơn cho cái thực trạng "ra ít vào nhiều" vừa nói. Đó là cách nhìn cơ học nhưng nó chưa đầy đủ. Vì trong vài năm qua, thực tế hoạt động công vụ yêu cầu có thêm các cơ quan, các vị trí ví dụ như thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, vì không quản lý chặt chẽ nên chất lượng không cao, dẫn tới đội ngũ làm việc không tốt, không chuyên nghiệp. Do đó, tăng người nhưng không đẩy được chất lượng lên.

Ông đánh giá như thế nào về việc thi tuyển và đánh giá công chức hiện nay?

Cán bộ của chúng ta vẫn còn rất nhiều người có trình độ tốt, tuy nhiên vì lý do nào đó hoặc do cơ chế hiện thời của ta có điểm gì chưa đảm bảo để cho những người giỏi vào các vị trí lãnh đạo. Chính vì thế, chúng ta đang tích cực đổi mới cơ chế nhân sự, thông qua thi tuyển cạnh tranh để tuyển chọn được những người tài vào công vụ, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Long An đang tiến hành và làm rất tốt.

Quan trọng nhất đó là kì thi tuyển công chức đã thể hiện được công bằng trong thi cử. Người có trình độ, năng lực tốt chắc chắn sẽ thi đỗ. Điều này thể hiện rõ ở việc 30% công chức thi trượt trong kì thi tuyển công chức vừa qua, tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Trong con số 30% trên, số lượng trượt phần nhiều rơi vào các lãnh đạo cơ quan cũng là một điều đáng lưu ý. Con số đó cho thấy các cơ quan cần phải quan tâm đến chất lượng công chức của mình. Hình thức thi tuyển này vẫn là công cụ để "cân đo, đong, đếm" trình độ và chất lượng của đội ngũ cán bộ.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng công chức, viên chức hiện nay vẫn chú trọng đến bằng cấp và kiến thức về quản lý nhà nước nói chung, các nội dung thi tuyển chưa thật sự phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến năng lực và kỹ năng công tác của người được tuyển dụng; chất lượng đào tạo ở một số trường chưa cao, chưa gắn lý luận và thực hành nên dẫn đến chất lượng công tác chuyên môn của một số viên chức sau khi được tuyển dụng còn hạn chế.

Với hình thức mới này, cũng cần minh bạch hóa, công khai hóa chuyện tuyển đầu vào cũng như chất lượng đào tạo. Hai khâu này không được làm nghiêm túc thì tại chức rất dễ trở thành nơi hợp thức hóa bằng cấp cho những người cần ghế, cần được bổ nhiệm.

Xin cảm ơn ông! (thực hiện)

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sang-loc-cong-chuc-phai-bang-thi-cu-cong-bang.aspx