Sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi nợ BHXH

Tuy mới thành lập từ tháng 1/2016 nhưng đến hết tháng 9/2016 Phòng Khai thác và Thu nợ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội đã kiểm tra đôn đốc thu về được 125 tỉ đồng trong tổng số 209 tỉ đồng nợ BHXH của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Nội. Để đạt được thành quả trên là nhờ sự cố gắng nỗ lực, cách làm việc linh hoạt, sáng tạo trong thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH Hà Nội cho biết, việc nâng giá trị pháp lý của cơ quan BHXH tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hồi nợ

Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH Hà Nội cho biết, việc nâng giá trị pháp lý của cơ quan BHXH tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hồi nợ

Muôn vàn hệ lụy khi DN nợ bảo hiểm xã hội

Chuyện DN nợ BHXH, thậm chí là trốn đóng BHXH không phải là chủ đề gì mới mẻ. Như theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2016 toàn thành phố có 16.674 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 1.900 tỉ đồng. Trong đó, nợ từ 3 – 6 tháng có 8.067 DN với số tiền 479 tỉ đồng, nợ từ 6 – 12 tháng có 4.608 DN với số tiền 371 tỉ đồng, nợ trên 12 tháng có 3.999 DN với 1.050 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Dương - Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ của BHXH thành phố Hà Nội cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến DN lâm vào tình trạng nợ BHXH trong thời gian dài như do công việc kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, công tác thu hồi vốn chậm dẫn đến việc đóng BHXH cũng chậm.

Ví dụ như một số doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, trước kia làm ăn khá tốt, nhưng sau đó có một thời điểm họ chuyển đổi, phát triển nóng về bất động sản nên họ tăng cường đầu tư vào bất động sản, sau đó thị trường này ngày càng đóng băng khiến công tác thu hồi vốn của họ gặp khó khăn.

Hoặc có những DN làm xong công trình rồi nhưng bị khách hàng nợ nên không có tiền đóng BHXH. Cũng có những DN chây ỳ, không đóng BHXH dù họ có tiền mà chấp nhận đóng tiền phạt hàng tháng. Mục đích của họ muốn giữ lại tiền làm vốn quay vòng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra còn có tình trạng chủ sử dụng lao động với người lao động thỏa thuận là không đóng BHXH cũng có xảy ra”.

Có thể thấy, dù với nguyên nhân gì đi nữa nhưng việc DN nợ và trốn đóng BHXH trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động như chậm được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu...

Nâng giá trị pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi nợ

Cũng theo ông Dương, hiện nay việc thu hồi nợ BHXH của DN còn gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước năm 2015, cơ quan BHXH có thể nộp đơn khởi kiện DN nợ thì từ tháng 1/2016 tòa án không nhận đơn khởi kiện các DN nợ do cơ quan BHXH đứng đơn nữa mà việc khởi kiện được chuyển giao cho Liên đoàn Lao động, dẫn đến khó giải quyết số nợ BHXH của DN.

“Thực sự, để vào một DN thu hồi được nợ không hề đơn giản. Vì nếu như chỉ có một giấy giới thiệu đến DN làm việc đôn đốc thu nợ thì không ai tiếp mình cả. Do đó phải xác định cơ sở pháp lý để cán bộ BHXH vào, nhưng khi vào DN rồi để thuyết phục được người ta nộp tiền nợ BHXH mới là vấn đề quan trọng”, ông Dương nhấn mạnh.

Trước thực tế đó, ông Dương đã đề xuất tham mưu lên ban giám đốc ra quyết định đi kiểm tra DN, nhưng chỉ kiểm tra đúng phần thuộc trách nhiệm: “Việc kiểm tra hoàn toàn không sai luật, còn giúp nâng giá trị pháp lý của đoàn đến kiểm tra. Trên cơ sở kiểm tra công tác thu sẽ có phát triển đối tượng và thu hồi được cả nợ đọng. Có rất nhiều DN trốn đóng BHXH cho người lao động nên phải kiểm tra mới phát hiện được ra. Với cách làm này DN không thể nào né tránh được vì trách nhiệm của ngành BHXH là hậu kiểm, không phải tiền kiểm như trước nữa”.

Cùng với việc nâng giá trị pháp lý của lực lượng đôn đốc thu hồi nợ bằng cách đề xuất ra quyết định đi kiểm tra DN thay vì chỉ dùng giấy giới thiệu như trước, Phòng Khai thác và Thu nợ của BHXH TP Hà Nội còn thể hiện sự ứng biến linh hoạt bằng cách đứng trên góc độ tuyên truyền giúp DN tháo gỡ những vướng mắc về chế độ chính sách, từ đó tạo thuận lợi cho công tác thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, vận dụng các cơ sở pháp lý, thông báo cho DN biết rằng sau khi kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ mà DN không thực hiện sẽ đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định. “Nếu mình cứ cứng nhắc đến bảo họ nộp, nộp và nộp thì chắc chắn các DN mà người ta cố tình chây ỳ thì người ta vẫn sẽ chây ỳ”, ông Dương chia sẻ.

Nhờ sáng kiến đó mà tính đến hết tháng 9/2016, Phòng Khai thác và Thu nợ BHXH TP Hà Nội đã đi kiểm tra 289 DN với số tiền nợ là 209 tỉ đồng, đã thu hồi được 125 tỉ đồng. Qua kiểm tra cũng đã yêu cầu các DN hoàn thiện hồ sơ truy đóng cho 2.480 lao động với số tiền truy đóng tạm tính 4,9 tỉ đồng, yêu cầu DN hoàn thiện hồ sơ thoái trả đối với 41 lao động là những lao động đã thôi việc, hoặc không làm việc tại DN nhưng có đóng BHXH.

Dù kết quả chưa phải là lớn, những cũng bước đầu khẳng định được vai trò của phòng. Có thể kể đến một số DN đã trả hết nợ BHXH ngay khi Phòng Khai thác và Thu nợ đến đôn đốc như Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 (1,6 tỉ đồng), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu đường 18/6 (1,1 tỉ đồng), Công ty CP Thiết bị cơ điện và Xây dựng (500 triệu đồng), Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội (1 tỉ đồng), Công ty CP Tư vấn thiết kế Xuân Mai (1,1 tỉ đồng).

Mai Hiền

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/sang-kien-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-viec-thu-hoi-no-bhxh-302383.html