Sáng kiến mới về đào tạo và việc làm

GD&TĐ - Mới đây, một thỏa thuận hợp tác chiến lược về đào tạo và cung ứng nhân lực của Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế (SONA) và Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã được ký kết.

Thỏa thuận này nhằm tạo cơ hội đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân tại bốn tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường Formosa

Ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam

Theo nội dung ký kết giữa hai công ty, Công ty SONA sẽ là đơn vị cung ứng nguồn lao động ngành xây dựng để đưa đi làm việc tại các công trình của Công ty Hòa Bình trúng thầu thi công tại các quốc gia khu vực Trung Đông và ngược lại, Công ty Hòa Bình cũng sẽ là đầu mối tiếp nhận lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng về nước do Công ty SONA cung ứng nhằm giải quyết việc làm cho lực lượng lao động có kinh nghiệm tay nghề và có ý thức kỷ luật lao động từ nước ngoài trở về.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Hòa Bình cho biết, là một thương hiệu mạnh trong “làng xây dựng Việt Nam”, với phương châm không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực xây dựng và nhất là quan điểm ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng lực lượng lao động có kinh nghiệm và kỷ luật lao động từ nước ngoài trở về, Công ty Hòa Bình sẽ đẩy mạnh việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các công trình mà công ty trúng thầu ở nước ngoài trong thời gian tới.

Hai bên đã cùng nhất trí việc ưu tiên tuyển chọn, đào tạo chuyển đổi nghề để đưa đi làm việc ở nước ngoài cho đối tượng lao động là người dân tại bốn tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường Formosa gây ra. Theo đó, trên cơ sở danh sách tuyển chọn của Công ty SONA, Công ty Hòa Bình sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo nghề cho người lao động và cam kết ký hợp đồng với mức lương hấp dẫn để người lao động yên tâm làm việc ở nước ngoài. Dự kiến mức hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề là khoảng 2 triệu đồng/lao động và mức lương cơ bản làm việc tại các quốc gia khu vực Trung Đông ở mức từ 450 đến 500 đô la Mỹ/tháng.

Hướng đi mới

Đánh giá cao sáng kiến của hai công ty trong việc đàm phán ký kết để giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam nói chung và nhất là việc quan tâm giải quyết việc làm cho người dân tại bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa nói riêng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, đây là hình thức hợp tác rất mới; lần đầu tiên một doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký kết với một doanh nghiệp xây dựng trong nước để đưa người lao động đi làm việc ở các công trình ở nước ngoài và phối hợp giải quyết việc làm cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sự thành công của chương trình hợp tác này sẽ mở ra một hướng đi mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam trong việc khai thác thị trường lao động ngoài nước.

Để thực hiện thành công chương trình hợp tác của hai công ty, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lưu ý hai công ty về việc đảm bảo các điều kiện làm việc và tiền lương, thu nhập cho người lao động; đồng thời, bên cạnh việc chuẩn bị thật tốt chất lượng nguồn lao động, hai bên cần phối hợp để làm tốt công tác quản lý người lao động trong thời gian họ làm việc và sinh sống ở nước ngoài trên tinh thần đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trong quá trình thực hiện thí điểm; Công ty SONA phải thường xuyên báo cáo Bộ để xin ý kiến chỉ đạo theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam.

Theo số liệu khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, có 263.000 lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Công ty Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung vào thời điểm trước tháng 7/2016. Trong đó, có 100.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 người bị ảnh hưởng gián tiếp. Bộ LĐ-TB&XH đang dành những ưu tiên cho các lao động bị ảnh hưởng tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động nghề biển.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/sang-kien-moi-ve-dao-tao-va-viec-lam-2392201-b.html