Sáng kiến đẩy lùi hiểm họa ma túy đá

Nạn ma túy đá đã trở thành nỗi ám ảnh của thị trấn Wangaratta với 17.000 dân của Australia, khi tình hình bạo lực trong các băng nhóm tội phạm khá nghiêm trọng. Trước tình hình này, Wangaratta đã có sáng kiến để đẩy lùi ma túy đá.

Thoạt nhìn, Wangaratta, bang Victoria không giống một nơi đang có tệ nạn ma túy hoành hành. Nằm ở đường cao tốc chính nối từ Melbourne và Sydney, thị trấn lại cách xa trung tâm của hai thành phố.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Wangaratta được biết đến với cái tên “thị trấn đá”. Nó đã trở thành một trong vô số cộng đồng bị ma túy đá tàn phá khi Australia nằm trong số những quốc gia tiêu thụ ma túy đá nhiều nhất thế giới.

Kể từ năm 2012, loại chất kích thích gây nghiện này đã càng làm cho tình trạng bạo lực của các băng nhóm vốn đang căng thẳng tại đây thêm trầm trọng, trong đó có một vụ cố ý gây hỏa hoạn và một người bán thịt bị sát hại.

Đây là những vụ việc chưa từng xảy ra ở thị trấn 17.000 dân này. Năm ngoái, Ban chỉ đạo hành động chống ma túy đá Wangaratta đã được thành lập nhằm chống lại nạn này bằng sự phối hợp của các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp và cộng đồng.

Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Wangaratta tuyên truyền về ma túy đá

Tiếp cận toàn bộ cộng đồng

Giáo dục mọi người về ma túy đá và mối nguy hiểm của nó là ưu tiên hàng đầu của ban chỉ đạo. Với sự giúp đỡ của tiểu bang, ủy ban đã tuyển học viên từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên của thị trấn tham gia chương trình đào tạo có tên “Slop”. Mỗi chương trình tuyên truyền giáo dục về phòng chống ma túy đá dài 45 phút này sẽ có mặt tại các trường ở địa phương.

Alysha Tazzyman, 18 tuổi, tham gia hỗ trợ trình chiếu phim tài liệu về những nhân vật cụ thể trong chương trình cho rằng, một câu chuyện sẽ hiệu quả, mang tính dễ liên hệ hơn so với việc thanh thiếu niên phải nghe bố mẹ ra lệnh được làm và không được làm điều gì.

Một thành viên khác của ủy ban là Andrew Bowden thường xuyên nói chuyện tại các câu lạc bộ thể thao trong khu vực về mối nguy hại của ma túy đá vốn liên quan đến chứng hoang tưởng, ảo giác và các vụ bạo lực. Ông cũng giới thiệu về những việc mà các nhà chức trách có thể giúp đỡ đối với những người nghiện.

Đối với các gia đình có thành viên đang gặp rắc rối với pháp luật vì sử dụng ma túy, ủy ban chống ma túy đá địa phương đã đưa ra đầy đủ thông tin dựa trên kinh nghiệm của nhóm hỗ trợ pháp lý. Mỗi nhóm và cá nhân trong ủy ban đảm nhiệm một việc khác nhau và phối hợp khá chặt chẽ. Bà Felicity Williams, Giám đốc điều hành của Trung tâm giáo dục Thường xuyên ở Wangaratta đánh giá, “phương pháp tiếp cận toàn bộ cộng đồng” này là chìa khóa của vấn đề.

Dấu hiệu khả quan ban đầu

Thử thách mà Wangaratta đối mặt không phải là hiếm, những thị trấn nhỏ khắp Australia cũng gặp phải các vấn đề tương tự. Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy, số người dùng ma túy đá sống ở nông thôn Australia cao gấp 2 lần so với ở thành phố. Cách xa các đô thị ven biển đầy tiềm năng, kiếm được việc làm là điều rất khó tìm, khiến cho nhiều người thấy buồn tẻ, thất vọng và tìm đến ma túy.

Quanh khu vực Wangaratta, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là hơn 21%. Các thị trấn ngày càng vắng vẻ, hiu hắt, bị coi như “Nam Cực thu nhỏ” vì mọi người sợ sống trong môi trường có nạn ma túy hoành hành nên đã chuyển đến các thành phố lớn hơn.

Tuy mới một năm tích cực trong hoạt động chống ma túy đá, vẫn còn quá sớm để nói rằng Wangaratta đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, ở đây đã xuất hiện những dấu hiệu tốt. Những vụ vi phạm về ma túy đã giảm tới 30% trong năm ngoái. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân cũng tăng lên.

Chính phủ Australia đã coi việc trao quyền cho cư dân địa phương là phương châm chính trong chiến lược giảm ma túy đá trị giá 300 triệu đô la Australia (AUD) trong vòng 4 năm. Theo đó, gần 25 triệu AUD đã được trao cho các nhóm ở cộng đồng.

Mỹ Anh (Theo CSmonitor)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/sang-kien-day-lui-hiem-hoa-ma-tuy-da/721915.antd