Sản xuất tinh dầu cây sả thu tiền tỷ mỗi năm

Trên diện tích thâm canh 20ha, một nhà máy sản xuất tinh dầu sả có thể thu về 1,5–1,6 tỉ đồng/năm.

TS. Lê Văn Tri báo cáo công trình tại Hội thảo “Sáng tạo KHCN Việt Nam với sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” năm 2017. Ảnh: Đoàn Lê.

Loại cây đem lại nhiều lợi ích

Trình bày về công trình “Thâm canh cây sả trên đất hạn mặn để thu tinh dầu” tại Hội thảo “Sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam với sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” năm 2017, TS Lê Văn Tri – Chủ nhiệm công trình cho biết, nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu qua các tác động như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,…

Ở nước ta, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra phổ biến và ngày một phức tạp tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Do đó có thể sử dụng cây sả trong điều kiện đất đai chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cây sả là một trong những loại cây có khả năng thích ứng tốt trong điều kiện đất đai bị khô hạn và xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu. Loại cây này đem lại nhiều lợi ích về y dược học, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, các phương pháp chưng cất tinh dầu sả hiện nay chưa cho năng suất cao, quy mô còn nhỏ lẻ, thiết bị thô sơ,… Lượng bã thải thu được sau quá trình chưng cất tinh dầu sả khá lớn nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, chủ yếu là đốt, rải trên mặt ruộng gây ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ những vấn đề trên và kế thừa kết quả của hai công trình nghiên cứu trước đó là “Thiết kế và hoàn thiện công nghệ chưng cất và thu hồi tinh dầu sả” và “Xử lý bã thải sau chưng cất tinh dầu sả bằng chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh”, TS. Lê Văn Tri và các cộng sự tại Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Hà Nội đã nhân rộng và phát triển thành công đề tài nghiên cứu thành công trình ở quy mô quốc gia.

TS Lê Văn Tri làm việc về mô hình trồng cây sả tại Binh đoàn 15, Gia Lai Ảnh: Công ty CP Sinh học Hà Nội.

Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam có mô hình sản xuất khép kín gồm: Trồng sả - Chưng cất tinh dầu – Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho thâm canh cây trồng. Các phụ phẩm trong quá trình trồng sả và chưng cất tinh dầu sả như lá, bẹ lá sau thu hoạch, bã thải sau chưng cất đều được sử dụng toàn bộ.

Công trình sử dụng hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu bằng công nghệ áp lực phá vỡ tế bào, giảm lượng nước tiêu hao trong quá trình sản xuất xuống hơn 80%, giảm thời gian chưng cất từ 8h/mẻ xuống còn 2h/mẻ. Thiết bị này gồm hai nồi khử trùng thông nhau với một nồi tạo áp lực và một nồi chưng cất, có thể tự động hóa hoàn toàn, qua đó giảm chi phí lao động.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập tuyển chọn các chủng vi sinh vật hữu ích có khả năng phân giải hiệu quả phần bã thải này, có khả năng thích ứng với điều kiện khô hạn và nhiễm mặn để sản xuất chế phẩm vi sinh và nguyên liệu hữu cơ cho sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Số phân bón hữu cơ vi sinh nói trên sẽ lại được dùng để thâm canh cây sả trên đất bị hạn hán hoặc nhiễm mặn, có khả năng xua đuổi côn trùng và diệt tuyến trùng trong đất. Ngoài ra, số phân bón này có khả năng giữ ẩm cao, thích hợp để bón cho các loại cây công nghiệp khác như cà phê, hồ tiêu.

Xét về hiệu quả môi trường, công trình này sẽ hạn chế việc sử dụng loại phân vốn gây hại cho môi trường là phân hóa học, “trả lại” nguồn dinh dưỡng mà cây đã lấy đi từ đất, giúp bảo vệ tài nguyên đất bền vững. Bên cạnh đó, việc trồng cây sả với bộ rễ phân bố rộng sẽ hút nước, giữ nước và giữ đất tốt, chống xói mòn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiệu quả kinh tế cao

Ở khía cạnh kinh tế, TS. Lê Văn Tri cho biết: “Cây sả có chi phí đầu tư thấp, ít bị sâu bệnh, thời gian thu hoạch nhanh. Lợi nhuận thu được từ lá và củ sả trên 1ha sả chanh dao động từ 90-110 triệu đồng. Trên diện tích thâm canh 20ha, một nhà máy sản xuất tinh dầu sả có thể thu về 1,5–1,6 tỉ đồng/năm”.

Cũng nhờ ưu điểm dễ trồng, trồng một lần có thể thu hoạch 3-4 năm, cây sả có thể trở thành cây hỗ trợ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng núi và vùng trung du.

TS Lê Văn Tri theo dõi tình hình cây sả trồng tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Công ty CP Sinh học Hà Nội.

Theo TS. Lê Văn Tri, bên cạnh cây sả chanh, ở Việt Nam và thế giới còn có cây sả java được trồng để lấy lá, phù hợp với điều kiện ở vùng đồi núi hạn hán. Giống cây này có thể trồng xen canh với cây cao su và các loại cây ăn quả khác để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện tại, công nghệ này đã được triển khai tại nhiều địa phương như Lạng Sơn, Hòa Bình, Gia Lai, Quảng Bình, Đắc-Lăk, Buôn Ma Thuột,… Không chỉ riêng cây sả, công trình đã áp dụng cho nhiều loại cây khác như: Hồi, mắc mật, gừng, quế, riềng, bạch đàn, tràm,... và thu được kết quả khả quan.

Với thành công kể trên, công trình đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận Bằng độc quyền sáng tạo, đạt Giải nhất tại Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam 2016 và Cúp chứng nhận của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.

Đoàn Lê - Hoài Ngọc

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/san-xuat-tinh-dau-cay-sa-thu-tien-ty-moi-nam-c7a561317.html