Sản xuất tiếp tục cải thiện, thương mại thặng dư

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa đưa ra dự báo lạm phát cả năm 2016 ở khoảng 5% và cán cân thương mại cả năm sẽ vẫn thặng dư, nên biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời.

UBGSTCQG nhận định, lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015 chủ yếu do chủ động điều chỉnh giá dịch vụ công như y tế và giáo dục tăng nhanh hơn năm 2015. Ủy ban này cho rằng, lạm phát trong tháng 11 và 12 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào: giá xăng dầu và lương thực thực phẩm. Tuy nhiên nếu tăng thì mức độ tăng của hai nhóm hàng trên trong hai tháng cuối năm kém hơn thì mức độ tăng lạm phát cả năm 2016 dự báo ở khoảng 5%.

Biến động tỷ giá do tâm lý và chỉ là tạm thời
Thị trường ngoại hối có đột biến trong tháng 11 nhưng chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tác động tâm lý của việc đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới. UBGSTCQG cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng trong tháng 11 trong bối cảnh cảnh tỷ giá USD/VND tăng giá 1% và Fed có thể tăng lãi suất trong tháng 12/2016.

Nguyên nhân khiến tỷ giá là do đồng USD liên tục lên giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt sau khi có kết quả chính thức của bầu cử Tổng thống Mỹ; Nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và đón đầu khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12. Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ đang tăng lên. Tính đến ngày 30-10-2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm 2015, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 9%.

Tuy nhiên, cán cân thương mại cả năm dự báo sẽ vẫn thặng dư, nên biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời. Dù vậy, UBGSTCQG cho rằng: “Việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như FED chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào tháng 12; một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ; lạm phát có chiều hướng tăng”.

Sản xuất duy trì xu hướng cải thiện
Ngoài ra, hoạt động sản xuất duy trì xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm. Vốn FDI vào Việt Nam cũng tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên UBGSTCQG lưu ý, bội chi NSNN ước đạt cao hơn mục tiêu 4,95% GDP đề ra do GDP danh nghĩa thấp hơn kế hoạch. Nợ công dự kiến tăng sát trần 65% GDP song cơ cấu nợ đang có sự chuyển biến tích cực.

Theo UBGSTCQG, chỉ số PMI4 tiếp tục đạt mức trên 50 điểm - đạt 51,7 trong tháng 10, phản ánh khu vực sản xuất đang có sự cải thiện tháng thứ 11 liên tiếp. Các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất cũng được cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 10 tăng xấp xỉ 6% so với tháng 9 nhờ sự phục hồi của ngành khai khoáng (tăng 9% so tháng trước) và mức tăng khá của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 5,5% so tháng trước) cũng cho thấy ngành sản xuất công nghiệp đang duy trì được xu hướng tăng ổn định.

Cán cân thương mại trong 10 tháng đầu năm thặng dư 3,52 tỷ USD do xuất khẩu tăng khá 7,2% trong khi nhập khẩu tăng thấp 2,1% so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 tăng tương ứng 8,8% và 14,3%.

Khu vực FDI tiếp tục là nhân tố chủ lực khi chiếm tới 65,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước và mang lại mức thặng dư thương mại 17,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2016. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này được kỳ vọng sẽ tích cực hơn nữa trong thời gian tới khi nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD, trong đó số vốn giải ngân là 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31475202-san-xuat-tiep-tuc-cai-thien-thuong-mai-thang-du.html