Sản xuất lúa giống đáp ứng nhu cầu thị trường (Kỳ 1)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, để nâng cao thu nhập cho người sản xuất, bảo đảm thị trường lúa gạo ổn định, đòi hỏi phải đầu tư, nghiên cứu, tạo ra giống lúa chất lượng phù hợp điều kiện, đặc điểm từng địa phương, để nâng cao giá trị, hiệu quả trên một diện tích đất canh tác.

Bài 1: Vừa thừa, vừa thiếu

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có tới 252 giống lúa được gieo trồng ở các vùng trong cả nước, nhưng số lượng giống lúa chất lượng cao lại không nhiều, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cung không đủ cầu

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định, mỗi năm, các địa phương miền bắc cần khoảng 85 nghìn tấn giống lúa thuần và gần 20 nghìn tấn giống lúa lai. Đến nay, về cơ bản, năng lực sản xuất giống lúa thuần của các doanh nghiệp trong nước bảo đảm đủ. Riêng về lúa lai, hiện mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, với một số tổ hợp lai nghiên cứu chọn tạo trong nước và chủ động được giống bố, mẹ, dòng duy trì (dòng R và A, B) như HYT100; Nhị ưu 838, Bác ưu 903, LC20; TH3-3, TH3-5…

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình Đào Xuân Báu cho biết, đến nay, đơn vị đã được Nhà nước công nhận tám giống lúa mới như: TBR-1, BC 15, TBR 36, TBR 45, D-ưu 527, CNR 36, Thái Xuyên 111 và TBR 225. Tổng công ty đang dự kiến đưa một số giống lúa mới như ĐH 18, Đông A 1 và TBR 27 đề nghị công nhận. Để bảo đảm giống lúa mang lại hiệu quả cho bà con nông dân, Tổng công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, Tổng công ty có một trung tâm nghiên cứu nhằm chọn lọc, lai tạo để chọn ra giống mới đưa vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa.

Cùng với đó, việc quy hoạch vùng sản xuất lúa giống cũng được Tổng công ty phối hợp chính quyền địa phương và nông dân sản xuất. Đội ngũ cán bộ khuyến nông luôn bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân canh tác, phòng trừ sâu bệnh. Sau khi thu hoạch, Tổng công ty thu mua lúa với giá cao hơn 30% lúa hàng hóa. Vì vậy, nhiều hộ nông dân phấn khởi tham gia. Riêng năm 2016, diện tích sản xuất giống lúa của Tổng công ty khoảng 4.000 ha; bình quân mỗi năm, Tổng công ty cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn tấn giống. Hiện nay, Tổng công ty có 15 chi nhánh trải dài từ tỉnh Sơn La đến đồng bằng sông Cửu Long để cung ứng giống.

Ngay sát quê hương “năm tấn” Thái Bình là Nam Định với 90 nghìn ha đất trồng cây hằng năm, trong đó có 75 nghìn ha trồng lúa hai vụ. Vì vậy, nhu cầu lúa giống tại địa phương là khoảng 4.000 đến 4.500 tấn, gồm: lúa lai khoảng 20 đến 25% (khoảng 500 đến 600 tấn) còn lại là lúa thuần và lúa chất lượng cao, như Bắc Thơm số 7, Tám thơm, Nếp cái hoa vàng… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có ba đơn vị sản xuất lúa giống, mỗi năm trồng hai vụ cung cấp lúa giống cho khoảng 800 ha với sản lượng 2.500 tấn (lúa lai 1.500 tấn, lúa thuần 1.000 tấn). Hiện tỉnh còn thiếu khoảng 1.500 đến 2.000 tấn lúa giống mỗi năm và phải nhập chủ yếu từ Trung Quốc.

Khó kiểm soát chất lượng

Theo Phó Cục trưởng Trần Xuân Định, dù chọn lọc, lai tạo được nhiều loại giống lúa có chất lượng khá, song việc chuyển giao công nghệ đến tay người sản xuất còn nhiều bất cập. Một số địa phương, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống vẫn còn tư duy sử dụng giống "miễn phí"; chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật liên quan sản xuất, kinh doanh giống. Nhiều địa phương, thay vì đầu tư, mời gọi doanh nghiệp, nhà khoa học trực tiếp sản xuất giống lúa, đã không ngần ngại nhập giống từ nước ngoài, làm cho thị trường lúa giống phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, những năm gần đây, rủi ro trong sản xuất giống ngày càng cao, trong đó có cả những nguyên nhân do tác động biến đổi khí hậu. Hằng năm, cục phải giải quyết nhiều vụ kiểu như “ngô kết hạt kém, cà chua ít quả, lúa lép lửng, dưa, đậu mất năng suất do tỷ lệ hoa cái ít…”.

Thường thì những hiện tượng này không phải là phổ biến, nhưng cũng gây không ít thiệt hại cho một bộ phận nông dân, lại thường là hộ nghèo, tập trung ở một vài vùng cục bộ. Khi đó, Cục Trồng trọt phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp cung ứng giống để truy tìm nguồn gốc, bao bì và kiểm tra chất lượng giống cây trồng, thành lập đoàn đi thực địa đánh giá mức độ thiệt hại. Đoàn sẽ tập hợp các thông tin, số liệu sản xuất như đất đai, thời vụ và nhất là các thông số khí hậu thời tiết trong vùng như nhiệt độ, độ ẩm, mưa…, có khi cũng là giống cây trồng đó, cùng một lô, cùng nguồn gốc nhưng chỗ này bị, chỗ khác trong cùng khu vực lại vẫn được mùa, gieo thời điểm này thì bị nhưng chỉ gieo và trổ bông, phơi màu trước, sau một vài hôm lại không sao…

Cũng có nhiều trường hợp Cục Trồng trọt phải mời các nhà khoa học kiểm tra đánh giá và thảo luận mới đưa ra kết luận, xem thiệt hại có phải do giống hay không, vì doanh nghiệp cũng có bằng chứng khoa học chứng minh giống của họ bảo đảm chất lượng theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, quan điểm của Cục vẫn là động viên các doanh nghiệp nên chia sẻ, san bớt gánh nặng cho nông dân. Trường hợp nếu do thời tiết, khí hậu bất khả kháng gây ra mất mùa, thì sẽ thực hiện theo Nghị định 49 và Nghị định 142 của Thủ tướng Chính phủ.

Để hạn chế rủi ro cho người trồng lúa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Hiền cho biết: Ngoài Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, trên địa bàn tỉnh có bảy công ty sản xuất giống, sản xuất được khoảng 1.200 đến 1.500 tấn/vụ, có khả năng đáp ứng được 100% số lượng lúa giống tại địa phương. Để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nâng cao chất lượng lúa giống, ngành nông nghiệp tỉnh đã tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần quản lý chặt chẽ hơn các công ty sản xuất lúa giống, bởi bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có nhiều cơ sở sản xuất lúa giống kém chất lượng.

Các đơn vị nghiên cứu trong nước hoàn toàn chủ động công nghệ chọn, tạo giống thông qua phương pháp lai truyền thống kết hợp công nghệ sinh học. Bên cạnh đó cần hợp tác nước ngoài để trao đổi nguồn vật liệu, phối hợp nghiên cứu cho một số đối tượng mà chúng ta còn hạn chế như lúa lai, lúa japonica, lúa thực phẩm chức năng nhằm đa dạng sản phẩm lúa gạo xuất khẩu.

Trần Xuân Định
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31424202-san-xuat-lua-giong-dap-ung-nhu-cau-thi-truong.html