Sản xuất, kinh doanh phải đăng ký xuất xứ hàng hóa

Thời gian qua, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất, cung ứng theo chuỗi sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn được áp dụng, giới thiệu, triển khai. Thành phố xây dựng nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, điểm kinh doanh rau quả, thịt, thực phẩm sạch có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, bước đầu mang lại niềm tin, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Công tác kiểm tra, kiểm soát của các cấp và lực lượng chức năng chuyên ngành được tăng cường.

Tuy nhiên, tình hình cung ứng thực phẩm trên thị trường còn nhiều phức tạp, khối lượng, tỷ lệ sản phẩm, mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn nhiều, nhất là rau quả, thịt, cá bày bán tại các chợ, điểm kinh doanh tự phát. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, nhỏ lẻ, phân tán, không bảo đảm vệ sinh an toàn, không rõ nguồn gốc, không đăng ký, khó quản lý, vẫn là điều nhức nhối, lo ngại cho người tiêu dùng. Gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng ngộ độc rượu sản xuất thủ công, có nồng độ methanol cao quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí gây chết người. Điều bất cập là loại rượu này trong sản xuất, kinh doanh không đăng ký, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, cho nên khó truy xét, xử lý trách nhiệm, vi phạm theo pháp luật.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã có những chỉ đạo thiết thực, sát thực tế. Các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh, buôn bán thực phẩm phải đăng ký xuất xứ, nguồn gốc, để phục vụ công tác kiểm tra, tiến đến ứng dụng công nghệ thông tin, truy xuất, tra cứu trên mạng. Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã có cơ sở giết mổ, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm quy định an toàn thực phẩm. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc chuẩn bị các địa điểm, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung, trên cơ sở đó giảm dần cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Chi cục Quản lý thị trường phối hợp Công an thành phố thường xuyên, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân sử dụng các loại cồn công nghiệp, hương liệu pha chế các loại rượu bán giá rẻ ra thị trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể, lương thực, thực phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ…

Công tác tổ chức xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn là trách nhiệm, quyền lợi của cả cộng đồng, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực tham gia của toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo. Do đó, cùng với yêu cầu bắt buộc, TP Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ liên quan, đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xây dựng thể chế để người dân quan tâm, tích cực tham gia kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, thông tin việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phối hợp hiệu quả các cơ quan chức năng, góp phần quan trọng nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của các chủ thể và hiệu lực quản lý nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32463102-san-xuat-kinh-doanh-phai-dang-ky-xuat-xu-hang-hoa.html