Sản xuất, buôn bán rượu giả có thể bị tử hình

(Dân Việt) - Tôi mua một chai rượu ngoại về liên hoan, chiêu đãi bạn bè. Uống vào chua loét, cồn không ra cồn, nước vối không ra nước vối. Vậy người sản xuất, buôn bán rượu giả bị xử lý thế nào? (Bùi Quang Ngọc, Hà Đông, Hà Nội)

Thạc sĩ luật học Nguyễn Đức Hùng (Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và cộng sự) trả lời như sau: Thời gian qua, nhiều vụ mua bán, sản xuất hàng giả đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm minh, tuy nhiên việc sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giáp tết. Đối với hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả, Điều 12 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22.1.2009 quy định: Mức phạt thấp nhất từ 500.000 - 1.000.000 đồng nếu hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả có giá trị đến 500.000 đồng; mức phạt cao nhất từ 40.000.000-60.000.000 đồng nếu có giá trị trên 20.000.000 - 30.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh và khắc phục hậu quả (buộc tiêu hủy hoặc tịch thu tang vật để tiêu hủy).

Bộ luật Hình sự cũng có những quy định, chế tài rất nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả: Nếu sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên, thì tùy tính chất và mức độ hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm (Điều 156). Nếu sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người phạm tội có thể bị phạt tù có thời hạn từ 2 năm đến 20 năm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 157).

Như vậy, theo quy định tại Khoản 4 Điều 157 BLHS, người sản xuất, buôn bán rượu giả, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể phải đối mặt với mức án tử hình.

Lê Chiên (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/122415p1c36/san-xuat-buon-ban-ruou-gia-co-the-bi-tu-hinh.htm