San ủi mộ vợ Vua Tự Đức: Bên nào cũng có lỗi

Không ai trong chuyện này không có lỗi, lỗi lớn nhất là người san lấp ngôi mộ, phải xin lỗi, phải cầu nguyện.

Trách nhiệm thuộc về tất cả các bên

Liên quan đến vụ lăng mộ vợ Vua Tự Đức bị san ủi, trao đổi với Đất Việt, ngày 19/7, ông Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: "Trong một thời gian dài ngôi lăng mộ này bị lãng quên, không được con cháu hương khói, quan tâm chăm sóc, qua các thông tin phản ánh từ chủ đầu tư, chính quyền địa phương, chúng tôi biết được điều này".

Để tìm hiểu thêm về câu chuyện trên, Đất Việt liên hệ với nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, ông cũng cho biết nắm rõ thông tin về vụ việc trên.

Chia sẻ với Đất Việt, ông Xuân bày tỏ, về phía chủ đầu tư, rõ ràng nhất, khi ngôi lăng phế tích bị san ủi, dù dân chúng địa phương phản đối nhưng xe xúc vẫn hành động san bằng phế tích ngôi lăng. Qua hành động đó chứng tỏ khi thi công san ủi mặt bằng, chủ đầu tư không khảo sát kĩ để giữ lại phế tích ngôi lăng.

Như vậy, công ty TNHH Chuỗi Giá Trị có lỗi chính và cũng là người chịu ảnh hưởng chính về vấn đề tâm linh trong khu vực được nhà nước giao quyền quản lí và khai thác làm bãi đỗ xe du lịch.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tìm hiểu về khu vực mộ vua Tự Đức

Đồng thời với việc xây ngôi lăng trên, chúng ta cũng cần phải biết một cách sòng phẳng về trách nhiệm của mình trong vấn đề trên.

"Qua vụ việc này, theo tôi cần phải chỉ rõ vài điểm:

Thứ nhất, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chưa bao giờ công bố ranh giới trách nhiệm của mình chung quanh các di tích. Ví dụ, khu đất bị san ủi không nằm trong khu trách nhiệm bảo vệ của trung tâm, nhưng bãi đỗ xe để phục vụ cho lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh thì việc đó có liên quan đến trung tâm không?.

Một bãi đất bị san ủi mênh mông như thế, lẽ nào những người bảo vệ lăng Tự Đức không biết để khi công việc xảy ra thì trung tâm mới vào cuộc. Như vậy có hợp lí không?.

Thứ hai, Trung tâm Quỹ đất Thành phố chưa bàn giao mặt bằng mà công ty đã thực hiện việc san ủi. Như vậy có phạm luật không? Một khu đất trên 17.000 m2 bị san ủi một cách tự tiện thì Trung tâm Quỹ đất Thành phố có biết không?.

Một người dân thử san bằng một nền đất cho một ngôi nhà vài trăm thước mới vỡ đất là đã bị Thành phố tới ngăn cản ngay. Cho nên Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị san ủi một khu đất rộng đến như vậy diễn ra trong một thời gian dài mà Trung tâm Quỹ đất Thành phố không đến ngăn cản là một điều khó hiểu.

Thứ ba, phi tần của các vua, các hoàng tử, các công chúa là những nhân vật mà Nguyễn Phước tộc phải có trách nhiệm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo. Cho đến khi ngôi lăng của bà Lê Thị Thục Thuận bị dân địa phương báo động, bị san ủi thì bà con Nguyễn Phước tộc mới quan tâm.

Sơ đồ dự án bãi đỗ xe

Nếu không xảy ra sự việc ấy thì tôi nghĩ Nguyễn Phước tộc chưa bao giờ biết có ngôi lăng đó. Cho nên khi xảy ra sự việc, người của Nguyễn Phước tộc không thống nhất, mỗi người nói một kiểu.

Tôi đề nghị sau sự việc này, Nguyễn Phước tộc nên thiết lập một danh sách tất cả những người thân thuộc của Nguyễn Phước tộc ở cấp phải bảo vệ. Có một bản đồ chấm những địa điểm cần phải bảo vệ.

Thứ tư, các cơ quan có chức năng giao đất cho các doanh nghiệp, phải ghi rõ trên khu đất ấy có những di tích nào, ý nghĩa và giá trị của nó ra sao kể cả những cổ thụ trên 100 tuổi. Phải có các nhà nghiên cứu tham gia ý kiến để việc xử lí bảo vệ tại chỗ hay biện pháp phải di dời đi nơi khác.

Việc đã rõ ràng như vậy, mà có người còn khẳng định rằng đã khảo sát kĩ không thấy có dấu tích lăng mộ gì cả, là một điều phi lí", nhà nghiên cứu Đắc Xuân phân tích.

Vì thế, theo ông Xuân, không ai trong chuyện này không có lỗi, lỗi lớn nhất là người san lấp ngôi mộ, phải xin lỗi, phải cầu nguyện.

Xây dựng gần lăng mộ bà Học phi

Về chuyện xây dựng lại lăng mộ, theo ông Xuân, để cho lòng người được yên và kẻ khuất mặt bớt tủi hờn, công ty phải xây dựng lại ngay một ngôi lăng với tấm bia vừa tìm thấy tại địa điểm phế tích cũ hay một nơi gần lăng bà Học phi, khi có ý kiến của tập thể của các cơ quan có liên quan và Hội đồng Nguyễn Phước tộc.

Về qui mô kiểu dáng lăng của các bà vợ vua đều đã được qui định, những người cùng bậc thì lăng giống nhau.

Lăng mộ vợ Vua Tự Đức được khắc phục tạm sau khi huyệt mộ được tìm thấy.

"Vì thế, theo tôi nên xin phép hương linh bà cho Nguyễn Phước tộc và các ngành chức năng dời phần mộ của bà đến một địa điểm thuận tiện cho việc bảo vệ, linh thiêng để cho con cháu và bá tánh phụng thờ bà muôn đời.

Nếu được sự đồng ý của Nguyễn Phước tộc và các ngành chức năng, Công ty khai thác bãi đỗ xe, nên chọn một nơi gần lăng mộ bà Học Phi (bà mẹ nuôi của vua Kiến Phúc). Lăng mộ bà phi Cửu giai họ Lê và lăng mộ bà Học phi, có được một diện tích vừa phải, có hàng rào cây cảnh chung quanh. Nơi đó trở thành một điểm di tích trang nghiêm, để cho con cháu và người dân tham quan cùng lúc với việc tham quan lăng Tự Đức.

Điểm di tích đó, nằm trong hệ thống quản lí lăng mộ của Nguyễn Phước tộc. Trong điểm di tích của hai bà nên có một hộp Phước sương, để cho mọi người cúng dường phục vụ chi phí bảo vệ, hương khói, chăm sóc cây cảnh cho điểm di tích hai bà.

Nếu có sự đóng góp lớn hơn yêu cầu thì chuyển vào quỹ của Nguyễn Phước tộc, để hương khói cho những lăng mộ các bà phi khác của vua Tự Đức", ông Xuân nói thêm.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/san-ui-mo-vo-vua-tu-duc-ben-nao-cung-co-loi-3339533/