Sẵn sàng 'rót' vốn nếu sử dụng tiền hiệu quả

Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

90% vay không thế chấp

Để triển khai Nghị quyết 14 của Chính phủ, NHNN, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN đã lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, có 8 ngân hàng thương mại đã cam kết tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao với số tiền 5.627 tỷ đồng.

Nông dân huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) kiểm tra chất lượng tôm nuôi. ảnh:T.X

Là lãnh đạo một trong số 22 tỉnh được triển khai thí điểm, Chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, ở vùng sản xuất cá tra lớn của An Giang, nhiều người đã được cho vay đến 6 tỷ đồng/ha không cần thế chấp. Theo ông Thạnh, với mỗi 1ha nuôi cá tra được định mức khoảng 700 triệu đồng, chu kỳ nuôi cá tra trong 6 tháng được khoảng 350 tấn, tính ra giá trị là 7 tỷ đồng mà được cho vay tới 6 tỷ đồng (90%) là rất cao.

“Những vướng mắc trong vấn đề tài sản bảo đảm đã kéo dài tử năm 2008 đến nay, nhưng khi thực hiện cho vay theo chuỗi thí điểm của Nghị quyết 14 thì vướng mắc này đã được giải quyết. Doanh nghiệp bao tiêu được sản phẩm, người nông dân thì ký trực tiếp hợp đồng với doanh nghiệp, giao dịch qua tài khoản và ngân hàng kiểm soát từ đầu vào cho tới đầu ra, xuất khẩu. Do đó, dù không có tài sản bảo đảm nhưng 41/72ha sản xuất của Công ty Thuận An đã được vay theo hình thức tín chấp” - ông Thạnh nói.

"Trên cơ sở những kết quả đạt được của chương trình thí điểm cho vay theo Nghị quyết 41, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp để phục vụ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là phục vụ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Ông Nguyễn Văn Bình

Báo cáo của NHNN cho biết, sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 14, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã được NHNN chấp thuận tăng số vốn vay để mở rộng sản xuất.

Nhận định của NHNN và tham luận của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị cho rằng, sau gần 2 năm triển khai chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra với những kết quả quan trọng.

Các doanh nghiệp được lựa chọn đã tích cực triển khai liên kết với nông dân, đầu tư khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, có chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp; người nông dân tham gia liên kết yên tâm về tiêu thụ sản phẩm và được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vật tư..., do đó đời sống từng bước được cải thiện. Các ngân hàng thương mại lựa chọn được dự án, phương án sản xuất kinh doanh tốt để cho vay và thông qua chuỗi liên kết kiểm soát được dòng tiền cho vay, vì thế hiệu quả tín dụng được nâng lên rõ nét.

Vay theo liên kết đạt hiệu quả cao

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, chương trình vay vốn theo chuỗi liên kết thí điểm Nghị quyết 14 này không chỉ có ý nghĩa đối với thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn mang ý nghĩa rất thời sự trong bối cảnh hiện nay, đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. “Thời gian thí điểm chương trình là 2 năm, nhưng thực chất mới làm được hơn 1 năm nên hầu hết các địa phương đều kiến nghị nên tiếp tục chương trình này” - ông Tám nói.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định: “Trong kinh tế thị trường, tôi khẳng định không có mô hình nào cho tất cả các đối tượng, chúng ta phải có rất nhiều các mô hình để phù hợp với từng địa phương, từng loại mặt hàng sản xuất. Ví dụ như liên kết hộ sản xuất cá tra, hoặc các hộ sản xuất mía, lúa gạo… mà doanh nghiệp phải ký vài nghìn hợp đồng với nông dân thì việc quản lý hợp đồng cũng đã đủ chết, mà cũng không có sức nào đi quản lý được”.

“Như vậy chúng ta cần phải có những mô hình liên kết giữa các hộ gia đình với nhau và với HTX; HTX cũng phải tham gia liên kết với doanh nghiệp. Riêng ngân hàng, lúc nào cũng sẵn sàng cho vay nếu như tiền vay đó được sử dụng hiệu quả” - ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng cho biết, trong thời gian còn lại của chương trình, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối và các hộ nông dân tham gia triển khai có hiệu quả dự án.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/san-sang-rot-von-neu-su-dung-tien-hieu-qua-671103.html