Sản phẩm ngoại dành cho mẹ và bé ồ ạt vào thị trường Việt

Bên cạnh "con cưng", "mẹ và bé", đang có thêm nhiều thương hiệu ngoại tham gia thị trường sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé.

Hàng phong phú nhưng dành cho giới “có tiền”

Tại số 149A Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP.HCM, nằm sát Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Agabang Gallery, thương hiệu đồ dùng trẻ em nổi tiếng Hàn Quốc vừa đưa vào hoạt động showroom đầu tiên tại Việt Nam với hơn 1.000 sản phẩm bày bán gồm quần áo trẻ sơ sinh, tã, sản phẩm chăm sóc da cao cấp cho mẹ và bé, thời trang cao cấp cho bé.

Mỗi dòng sản phẩm lại có một nhãn hàng riêng như Agabang, Putto, Inyplex… Điểm chung của chúng là giá không hề rẻ, một chiếc áo dành cho trẻ sơ sinh cũng lên tới 400.000-500.000đ, một bộ đồ cho trẻ từ ba-bốn tuổi giá cũng ngót nghét hai triệu đồng.

Theo bà Lâm Thùy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại VTL, nhà nhập khẩu sản phẩm của Agabang, giá cao là do sử dụng những chất liệu đặc biệt, chẳng hạn như sợi cotton cao cấp để làm quần áo cho trẻ, dùng các loại cây cỏ, dược liệu tự nhiên để làm các sản phẩm sữa, dầu chăm sóc da. Bà Nga cho biết, đối tượng khách hàng mà công ty muốn hướng đến là người có tiền, 70% lượng hàng nhập về thuộc phân khúc “cao cấp” này.

Các sản phẩm ngoại dành cho mẹ và bé đang ngày càng mở rộng thị phần.

Gustavo - Gano, một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Ý từ lâu đã có các sản phẩm gia công tại Việt Nam xuất khẩu đi các nước, hiện cũng đang đẩy mạnh kế hoạch nhượng quyền thương hiệu với riêng nhóm hàng thời trang nữ và trẻ em tại TP.HCM và các thành phố khác. Đại diện nhà sản xuất này đánh giá, nhu cầu dùng các sản phẩm này tại thị trường Việt Nam tăng lên nhanh chóng khiến công ty quyết định mở rộng các chương trình bán sỉ và nhượng quyền; hiện có khá nhiều cửa hàng đã tham gia mạng lưới phân phối sản phẩm này.

Nhà sản xuất bộ đồ chơi Magformers cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, phân phối tại Việt Nam. Magformers làm bằng đá nam châm 3D, vừa sử dụng như một bộ trò chơi xếp hình, vừa có thể thành giáo cụ trực quan trong giáo dục, xuất hiện nhiều trong các trường học của Hàn Quốc nhờ kích thích trí sáng tạo của trẻ. Tại một số showroom ở TP.HCM, sản phẩm này luôn thu hút nhiều trẻ nhỏ đến dùng thử sản phẩm, và hầu hết những ông bố, bà mẹ đều nhanh chóng bị những sản phẩm này thuyết phục.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sản phẩm dành cho mẹ và bé tại TP.HCM hiện có thêm nhiều thương hiệu ngoại, như tã giấy trẻ em Cottony, máy hút sữa Unimom từ Hàn Quốc, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp Uucare của Singapore, các sản phẩm phụ kiện dành cho bé sơ sinh và trẻ em mang thương hiệu Johan & Johan của Thụy Điển, nước trái cây hữu cơ Biogarten của Đức…

Các nhà sản xuất của nước ngoài góp mặt vào thị trường TP.HCM các mặt hàng cho bà mẹ như thực phẩm cho thai kỳ, dược phẩm, mỹ phẩm chăm sóc bảo vệ da, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; sản phẩm cho bé như bột dinh dưỡng, quần áo, phụ kiện (xe đẩy, ghế, ô tô), nội thất (phòng ngủ, nhà búp bê, thảm chơi…).

Hàng ngoại lấn át hàng nội

Ông Trần Tiến Linh, Phó giám đốc Công ty Smartbaby có trụ sở tại Hà Nội cho biết, có quá nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của bà mẹ hay em bé mà các nhà sản xuất trong nước “bỏ qua”, đa phần phải nhờ đến nguồn cung ứng của các nhà sản xuất ngoại. Những sản phẩm ngoại nhập chú ý nhiều đến tính tiện dụng và an toàn.

Chẳng hạn, một chiếc gối cho em bé được thiết kế dạng thoát khí cũng tính đến khả năng lúc cha mẹ bất cẩn, bé lật úp mặt xuống trong thời gian lâu cũng không bị ngạt; một bộ ghế ăn và bàn ăn cho bé có thể được tích hợp tới vài ba chức năng, có thể biến thành bộ bàn ghế cho bé bốn-sáu tuổi, nhưng cũng có thể ghép thành một chiếc ghế ăn cho những bé có độ tuổi nhỏ hơn.

Hay những chiếc khăn đa năng có thể dùng làm khăn tắm, vừa có thể biến thành chăn cho trẻ; chiếc ba lô dùng chất liệu đặc biệt, có thể lau khô các vết bẩn mà không cần giặt.

Một lý do khác khiến các sản phẩm ngoại nhập dành cho đối tượng khách hàng đặc biệt này ngày càng nở rộ, theo bà Lâm Thùy Nga là, một số nhóm hàng, đặc biệt là thời trang từ một số nước như Hàn Quốc nhập khẩu về được miễn thuế hoàn toàn do các hiệp định thương mại ký kết giữa hai bên có hiệu lực.

Những nhóm hàng khác như phụ kiện, đồ chơi, mỹ phẩm dù đang chịu mức thuế 20-25%, nhưng có xu hướng giảm dần nên các nhà sản xuất từ Hàn Quốc muốn đẩy mạnh những mặt hàng này vào Việt Nam. “Số khách hàng cao cấp chấp nhận bỏ tiền ra nhiều hơn để sử dụng những sản phẩm an toàn hơn, đẳng cấp hơn cũng đang gia tăng nhanh chóng”, bà Nga nhận định.

Đại diện Công ty Biogarten (Đức) cũng nhận định, đối với bà mẹ và em bé, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, và các nhà sản xuất nước ngoài luôn chú trọng đáp ứng tối đa tiêu chí này. Đó là lý do sản phẩm ngoại cho mẹ và bé đang được người tiêu dùng Việt Nam khá giả lựa chọn.

Thư Hùng

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/mua-sam/thi-truong/san-pham-ngoai-danh-cho-me-va-be-o-at-vao-thi-truong-viet-86880/