Sản phẩm giúp học sinh lớp 12 hứng thú với việc học môn địa lý

Trong số 105 “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” được TP. Hà Nội tặng Bằng “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” năm 2016 có sáng kiến làm sản phẩm “Mô hình địa hình và sông ngòi khu vực Bắc Bộ” của cô giáo Nguyễn Thị Lệ Phương - giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội). Sản phẩm này của cô giáo Nguyễn Thị Lệ Phương đồng thời cũng đạt giải nhất Hội thi Thiết bị dạy học (TBDH) tự làm ngành GDĐT TP. Hà Nội năm 2016.

Với sản phẩm "Mô hình địa hình và sông ngòi khu vực Bắc Bộ", cô giáo Nguyễn Thị Lệ Phương được nhận giải nhất Hội thi Thiết bị dạy học tự làm ngành GDĐT TP. Hà Nội năm 2016.

Trao đổi về việc vì sao lại làm sản phẩm này, cô giáo Lệ Phương cho biết: “Ý tưởng của cô xuất phát từ việc trong danh mục TBDH tối thiểu do Bộ GDĐT ban hành cho lớp 12 chỉ có tranh ảnh và bản đồ nên sẽ chỉ đáp ứng một phần nội dung môn học làm cho học sinh khó hình dung, hiểu đúng và xác định chính xác về đối tượng. Do đó, tôi làm sản phẩm này nhằm giúp giáo viên có thể truyền tải kiến thức đến học sinh một cách thuận lợi và dễ dàng, đồng thời giúp học sinh trực quan, khai thác và tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng”.

Theo cô Lệ Phương, nguyên vật liệu để làm sản phẩm này gồm 1 bản đồ khu vực Bắc Bộ ( Tỉ lệ 1:750.000); 1 tấm gỗ ép hoặc phooc (kích thước 60x80 cm); giấy bìa, keo dán, hồ nước, kéo, băng dính, bút chì, sơn màu (xanh lá cây, xanh chuối, xanh nước biển); đề can màu, keo nến 40 cây, súng bắn keo; xốp bọt biển, bột cỏ, rêu giả, đá, sỏi, dây điện (xanh); 30 nam châm nhỏ; ốc vít và bulong và một số nguyên vật liệu khác. Chỉ cần một số động tác kết nối chúng lại theo thiết kế là tạo ra được “Mô hình địa hình và sông ngòi khu vực Bắc Bộ” với đầy đủ các con sông, dãy núi… “Mô hình địa hình và sông ngòi khu vực Bắc Bộ” có thể sử dụng trong nhiều khâu của quá trình lên lớp, từ việc kiểm tra bài cũ, giảng bài mới đến củng cố kiến thức cho học sinh.

Qua tìm hiểu các học sinh khi được học trên “Mô hình địa hình và sông ngòi khu vực Bắc Bộ”, các học sinh đều thấy tiết học trở nên hấp dẫn hơn. Các em thoải mái, tự tin, tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động khai thác kiến thức dựa trên mô hình và tiếp thu bài học một cách dễ dàng hơn. Đối với giáo viên, bản thân tôi cũng nâng cao được trình độ chuyên môn, chịu khó tìm tòi, sáng tạo để đem lại cho học sinh sự hứng thú hơn trong học môn địa lí.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/san-pham-giup-hoc-sinh-lop-12-hung-thu-voi-viec-hoc-mon-dia-ly-590300.bld