Sản phẩm du lịch đặc trưng của TP HCM là gì?

Một lãnh đạo ngành du lịch đề xuất 4 sản phẩm, trong đó có du lịch văn hóa đường phố, đó là về du lịch hội nghị - hội thảo (mice)...

Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước về thu hút khách du lịch. Năm qua, thành phố đón trên 5,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chiếm hơn một nửa cả nước; khách du lịch nội địa đạt gần 22 triệu, chiếm hơn 1 phần 3 cả nước.

Hiện thành phố có đội ngũ doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành, trường đào tạo nghề du lịch… nhiều nhất nước. Tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì thành phố còn nhiều việc phải làm.

Chợ Bến Thành (TP.HCM) - Ảnh: KT

Chợ Bến Thành (TP.HCM) - Ảnh: KT

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Viettravel cho rằng, để ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững, thành phố cần tính toán và cơ cấu lại 4 yếu tố: lữ hành, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ. Trên cơ sở đánh giá được thực trạng 4 yếu tố cấu thành ngành du lịch và yêu cầu phát triển thì mới có thể xác định được những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, mới chọn được sản phẩm du lịch chủ đạo để xúc tiến, quảng bá có trọng tâm, trọng điểm.

Về việc lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị tập trung vào 4 sản phẩm, trong đó có du lịch văn hóa đường phố, đó là về du lịch hội nghị - hội thảo (mice); du lịch về y tế và chữa bệnh; du lịch về mua sắm; du lịch văn hóa.

Ông Kỳ cũng kiến nghị thành phố cần có cảnh sát du lịch vừa giỏi ngoại ngữ, vừa giỏi luật pháp để tư vấn, hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế. Vấn đề giao thông cũng được ông Kỳ mong muốn cải thiện, chứ để khách du lịch quốc tế bị khuyến nghị ra sân bay trước 3 giờ đồng hồ như một số thời điểm đã từng xảy ra thì họ còn đâu thời gian để tham quan, mua sắm…

Còn bà Dương Thanh Thủy, đại diện chuỗi mua sắm Miss Áo Dài tính toán, nếu Việt Nam thu hút được 10 triệu khách du lịch quốc tế và mỗi khách vào chi tiêu 1.000 USD thì chúng ta có nguồn thu nhập 10 tỷ USD mỗi năm.

Bà Thủy cho biết, trên diện tích 1 ha, trạm dừng chân Mekong tại tỉnh Tiền Giang kết hợp mua sắm mỗi năm đạt doanh thu 180 tỷ đồng. Cũng xuất phát từ tình trạng du khách phải mất quá nhiều thời gian lưu thông trên đường, bà Dương Thanh Thủy đề nghị lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để các doanh nghiệp dịch vụ du lịch có thể xây dựng những khu dừng chân, ăn uống, mua sắm tích hợp tại một điểm.

Hiện các loại hình giao thông đến và đi khỏi thành phố như đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy đều chưa chiếm được sự hài lòng của du khách.

Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), vai trò của giao thông trong phát triển du lịch là rất quan trọng. Đặc biệt, các tuyến cao tốc kết nối thành phố với các địa phương trong vùng và giao thông nội địa còn chưa thông thoáng, tạo nhiều áp lực cho du khách và doanh nghiệp do mất quá nhiều thời gian di chuyển.

Ông Tài cũng kiến nghị nhà nước cần nghiên cứu hỗ trợ thuế sử dụng đất cho những công trình phục vụ du lịch có diện tích lớn, tạo ra các mảng không gian xanh. Việc cấp Visa điện tử cần được mở rộng nhằm thu hút du khách du lịch nhiều hơn.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của TP Hồ Chí Minh như du lịch mice, đường thủy, mua sắm, du lịch sinh thái gắn với nông thôn, thời gian qua thành phố còn chú trọng phát triển các chương trình văn hóa nghệ thuật, lễ hội, các hoạt động thể thao, ẩm thực, chữa bệnh nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch. Thành phố cũng có nhiều chương trình hợp tác đa phương với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước để cùng phát triển ngành “công nghiệp không khói” này.

Muốn ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh “đẻ trứng vàng”, theo nhiều chuyên gia thì phải có chiến lược và quy hoạch tổng thể, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội, phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, phải tạo được điểm nhấn đặc sắc, riêng biệt…Đơn giản là phải trả lời được câu hỏi rất phổ biến của du khách là đến thành phố này thì ăn gì, chơi ở đâu, mua cái gì về làm quà?

Trước mắt thành phố phải sớm khắc phục những bất cập như nhà vệ sinh còn thiếu và chưa sạch sẽ ở các điểm tham quan, tệ nạn ăn xin chèo kéo, cướp giật, ách tắc giao thông...

Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch khá phát triển, người dân thành phố thân thiện, năng động, mến khách. Đó là những lợi thế rất căn bản. Nhưng để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thể cạnh tranh được với các thị trường du lịch láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, thì thành phố cần có nhiều chính sách đột phá./.

Huy Sơn/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/du-lich/san-pham-du-lich-dac-trung-cua-tp-hcm-la-gi-607510.vov